Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHai “cái gai” trên quần đảo Hoàng Sa

Hai “cái gai” trên quần đảo Hoàng Sa

Trung Quốc lại vừa có hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Đó là việc cho lắp đặt hai “trạm mặt đất mới” được kết nối với hệ thống nhận dạng tự động tàu biển (AIS) nằm trên đất liền của nước này.

Hai trạm như hai cái gai nêu trên được lắp đặt ở Đá Bắc (phần cực bắc của quần đảo Hoàng Sa) và Đá Bombay (phía đông nam quần đảo) gần tuyến đường biển quốc tế đi qua khu vực trung tâm của Biển Đông. Mỗi trạm đều sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Beidou (Bắc Đẩu), ra đời năm 2020 để làm đối trọng với hệ thống định vị GPS của Mỹ.

Ưu biệt của Beidou là có thể xác định được vị trí các tàu và truyền tín hiệu. Beidou không yêu cầu trạm mặt đất để cung cấp dịch vụ điều hướng hoặc định vị. Nhưng một trạm mặt đất gần đó có thể cải thiện đáng kể độ chính xác, đặc biệt là dùng cho mục đích quân sự.

Một yêu cầu nghiêm ngặt đối với tất cả các tàu của Trung Quốc là phải có máy tiếp sóng AIS và luôn bật tín hiệu để cơ quan quản lý hàng hải và các tàu khác có thể xác định chính xác vị trí.

Theo nguồn tin quân sự tin cậy, giữa hai “trạm mặt đất mới” là một số cơ sở bất hợp pháp của Trung Quốc: trụ sở cái gọi là thành phố Tam Sa và một số hòn đảo đang có tranh chấp, nơi các căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc đang hoạt động.

Khi lắp đặt thêm các trạm mặt đất là Trung Quốc đã nối dài cánh tay trong quá trình thôn tính Biển Đông. Bởi đây là phương tiện công nghệ thông tin hiện đại. AIS (Automatically Identification System) là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ.

Những thông tin này giúp cho các phương tiện khi hành hải tránh bị va chạm, ngoài ra có thể trao đổi các thông tin như trợ giúp khi có sự cố, thông tin thời tiết… Khi kết hợp với một thiết bị thông tin liên lạc khác, AIS còn được ứng dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nếu xảy ra xung đột vũ trang thì nó trở nên vô cùng hữu ích.

AIS có các chức năng: Thu thập, giải mã dữ liệu thu được từ các đối tượng và truyền dẫn về Trung tâm xử lý dữ liệu; tổng hợp dữ liệu thu thập được, sàng lọc, xử lý và lưu trữ lại; hiển thị dữ liệu, thông tin lên bản đồ điện tử (bao gồm các tàu biển sử dụng thiết bị AIS mà hệ thống thu thập được).

Ngoài ra, trên bản đồ điện tử còn hiển thị các đối tượng khác như đèn biển, phao luồng, tiêu phục vụ nhu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước; theo dõi hành trình và lịch sử hành trình tàu trong quá khứ; tra cứu đối tượng trên bản đồ.

Trước hành động lấn tới này, hôm 25/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng phản ứng. Bà Hằng nói rằng, việc làm của Trung Quốc “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” (Trung Quốc gọi là Tây Sa).

Bày tỏ thái độ kiên quyết, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Mọi hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Việt Nam là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị. Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn những vi phạm tương tự”.

Việt Nam lên tiếng phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Philippines tháo rỡ phao chắn dài 300 mét do Bắc Kinh lắp đặt tại bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh gọi hành động này của Manila là “khiêu khích và gây bất ổn”. Hôm 26/9, Philippines tuyên bố sẽ không lùi bước trước sự lấn lướt của Trung Quốc nhằm ngăn cản ngư dân nước này đi vào bãi cạn trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Còn Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì đến hôm nay, Trung Quốc vẫn đánh bài lờ.

Không hồi âm vì Bắc Kinh không thể trả lời rất nhiều câu hỏi mà các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam… đưa ra gần đây, khi Trung Quốc có hàng loạt hành động sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế. Trong đó việc xây dựng, củng cố hệ thống nhận dạng tự động tàu biển chỉ là những chương trình cụ thể trong chiến lược triển khai vũ khí thông minh, sẵn sàng chiến đấu, hướng tới mục tiêu thôn tính Biển Đông.

Không dừng lại ở mưu đồ tăng cường hoạt động cho tàu ngầm; chương trình phát triển liên lạc dưới nước; triển khai nhiều loại thiết bị lặn không người lái (UUV)… dịp này Trung Quốc tập trung cho việc xây dựng AIS.

Bắc Kinh cũng đang phát triển vũ khí thông minh có thể được triển khai trong lòng biển để sẵn sàng tham chiến bất ngờ. Từ những thực tế trên, thấy rằng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra nguy hiểm, là một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với các nước xung quanh, khiến cho tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, đứng trước nhiều đe dọa và tai họa khó lường.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới