CHDCND Triều Tiên tuyên bố rằng nước này buộc phải đẩy nhanh việc xây dựng năng lực tự vệ bởi Mỹ và đồng minh đang đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 26.9, đại sứ Kim Song của Triều Tiên nói rằng 2023 là năm “cực kỳ nguy hiểm” khi bán đảo Triều Tiên ở trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc với mối đe dọa chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Theo AFP, nhà ngoại giao chỉ trích những hành động của chính quyền Hàn Quốc cùng với đồng minh và đối tác như Mỹ và Nhật Bản đã dẫn đến tình huống nói trên.
Ông Kim lưu ý việc Mỹ và Hàn Quốc liên tục thực hiện các cuộc tập trận và gần đây thành lập Nhóm Tham vấn hạt nhân nhằm mục đích “lên kế hoạch và thực hiện đòn tấn công hạt nhân phủ đầu lên Triều Tiên”. Đại sứ Kim cũng nhắc đến những phát biểu gây căng thẳng của Mỹ và Hàn Quốc, gồm cảnh báo “chấm dứt chế độ” Bình Nhưỡng.
“Với tình hình như vậy, Triều Tiên cần cấp bách thúc đẩy thêm việc xây dựng các năng lực tự vệ vững vàng”, ông Kim nói. Nhà ngoại giao tuyên bố rằng những động thái quân sự càng liều lĩnh và những khiêu khích càng gia tăng thì Triều Tiên càng cố gắng tăng cường các năng lực phòng thủ với tỷ lệ cân xứng.
Hàn Quốc duyệt binh, dương oai cảnh báo Triều Tiên
Đáp lại, Phó đại diện thường trực Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc Kim Sang-jin chỉ trích Triều Tiên đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, phi lôgic và vô lý.
“Các vị có thật sự tin, như Triều Tiên nói, rằng Hàn Quốc và Mỹ đang âm mưu khơi dậy cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà không có lý do, cuộc chiến tranh mà sẽ gây thương vong thảm họa”, nhà ngoại giao Hàn Quốc phát biểu.
Phát biểu tại đại hội, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đang âm ỉ và số lượng vũ khí hạt nhân có thể tăng lên lần đầu tiên trong nhiều thập niên.
“Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào vào bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ đâu và trong bất kỳ bối cảnh nào cũng dẫn đến một thảm họa nhân đạo ở quy mô vô cùng to lớn”, ông Guterres nói. Nhà lãnh đạo cảnh báo cuộc chạy đua hạt nhân đang đẩy thế giới đến bờ vực bị hủy diệt và kêu gọi đảo ngược tiến trình này.
Kho vũ khí hạt nhân thế giới mở rộng, Trung Quốc tăng đáng kể
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm khoảng 1,6% còn 12.512 quả nhưng đà suy giảm này đang ở điểm đảo ngược. Ngoài những đầu đạn được dành ra để hủy bỏ, số lượng vũ khí hạt nhân có thể sử dụng lại đang tăng lên, trong đó phần lớn là của Trung Quốc. SIPRI cho biết Trung Quốc đã tăng kho hạt nhân của mình từ 350 lên 410 đầu đạn