Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTỷ giá tiếp tục tăng nóng, Thống đốc bắt đầu dùng công...

Tỷ giá tiếp tục tăng nóng, Thống đốc bắt đầu dùng công cụ mạnh

Biến động tỷ giá VND/USD trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng đáng kể tới DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cân đối giữa tỷ giá và lãi suất là vấn đề nan giải mà Ngân hàng Nhà nước đang phải cân đối. Và những tín hiệu đầu tiên cho thấy, NHNN đang bắt đầu chủ động can thiệp bằng các công cụ mạnh.

Biến động tỷ giá VND/USD trong 9 tháng năm 2023 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá chạm mốc cao

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) hôm 11/9 lần đầu tiên vượt mốc 24.000 đồng. Tỷ giá trung tâm đến ngày 25/9 đã tăng lên 24.076 đồng/USD, cao nhất từ trước đến nay. Giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng tăng cao. Ngày 25/9, giá bán USD tại Sở Giao dịch đã lên 25.229 đồng/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD tăng mạnh từ đầu tháng 8. Giá bán USD tại hầu hết ngân hàng đều vượt qua mốc 24.500 đồng, thậm chí tiến sát 24.600 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương 3,3%.

Trên thị trường chợ đen, giá USD ngày 25/9 được mua – bán ở quanh mức 24.320 – 24.400 đồng, tăng khoảng 170 đồng so với 1 tuần trước.

Tỷ giá USD trong nước đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh chỉ số DXY (thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) đã bước sang tuần tăng điểm thứ 10 liên tiếp – nhịp tăng dài nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gia tăng khả năng tăng lãi suất điều hành và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao là những nguyên nhân khiến chỉ số DXY khó có thể giảm xuống. Chỉ số DXY vào ngày 25/9 đã leo lên mức 106 điểm, mức cao nhất trong 6,5 tháng qua.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % nữa trong tháng 11 thì tỷ giá có thể dao động trong khoảng 24.300 – 24.500 đồng/USD trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, tỷ giá “nổi sóng” thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế. Việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá VND/USD.

MBS cho biết giá trị của đồng USD tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng của tỷ giá VND/USD trong thời gian qua. Các nhà đầu tư đang lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và ngân hàng trung ương của các nước khu vực châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản,… nên chuyển sự chú ý sang đồng USD. Điều này đã khiến chỉ số sức mạnh DXY index tăng liên tục trong 3 tháng gần đây và vượt mốc 105 điểm.

Tính từ tháng 5/2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 11 lần tăng lãi suất và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vào tuần trước, chủ tịch Fed khu vực Boston, ông Susan Collins đã lên tiếng cảnh báo rằng “chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi” một đợt tăng lãi suất tiếp theo trong năm nay.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước lại liên tục hạ lãi suất xuống thấp với 4 đợt điều chỉnh lãi suất giảm từ 0,5% – 2,0%. Chính vì thế, tình trạng đồng VND giảm giá so với đồng USD đã diễn ra trong nhiều tháng qua.

Theo các chuyên gia, nguy cơ tỷ giá cuối năm từ việc Fed tăng lãi suất là có. Nhưng bối cảnh năm nay rất khác, tỷ giá được nhiều yếu tố hỗ trợ và NHNN đã có sự chuẩn bị để đối phó với tình hình. Vì vậy, rủi ro về tỷ giá được nhận định là không quá lớn như năm ngoái.

NHNN vẫn có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá, bao gồm: Thặng dư thương mại duy trì ở mức cao, FDI và kiều hối tích cực và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, cho hay, tỷ giá tăng nằm trong dự liệu của NHNN và khả năng tăng nóng như cuối năm 2022 sẽ không xảy ra.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, động thái tăng lãi suất vào tháng 11 của Fed có thể sẽ gây biến động tỷ giá nhưng sẽ không quá lớn bởi thị trường đã dự đoán được trước. NHNN đã có sự chuẩn bị và trong tình thế rất chủ động, không bị bất ngờ.

NHNN bắt đầu sử dụng công cụ mạnh

Tỷ giá diễn biến tăng nóng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân. Đồng thời, yếu tố này làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước.

Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách tài chính kế toán của CTCP Cơ khí Đông Anh thừa nhận mặc dù được giảm lãi suất nhưng trong thời gian qua, công ty vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có tỷ giá biến động lớn.

Ông Hùng cho biết, mỗi lần giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khập khẩu. Chính vì thế, bên cạnh việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài, đại diện CTCP Cơ khí Đông Anh cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước có biện pháp để ổn định tỷ giá.

Rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, hoa quả đều đang gặp khó với biến động của USD… Tỷ giá bị đẩy lên cao khiến các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí để nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu, từ đó khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận điều hành tỷ giá là bài toán rất khó. “Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, về mặt kinh tế học là như vậy. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn”.

Phó Thống Đốc đào Minh Tú cũng đồng tình: “Lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá. Nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá”.

Tuy nhiên, theo nhân định của MBS, một vài yếu tố vĩ mô tích cực như dòng vốn FDI tăng tới 24% trong tháng 8, thăng dư thương mại 8 tháng năm 2023 ước đạt 20.1 tỷ USD, … sẽ góp phần “trung hòa” áp lực tăng giá tỷ giá vào cuối năm.

Chưa kể, chu kỳ tăng lãi suất của Fed cũng đã đi đến hồi kết. Ông Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, cho biết chu kỳ thắt chặt tiền tệ sẽ sớm kết thúc. Bloomberg Economics ước tính mức lãi suất cao nhất toàn cầu sẽ là khoảng 6% trong quý III năm nay và đến cuối năm 2024, mức lãi suất cao nhất sẽ giảm xuống còn 4,9%/năm.

MBS dự báo tỷ giá VND/USD có thể dao động trong khoảng 24.300 – 24.500 VND/USD trong những tháng cuối năm, với giả định FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 11 tới.

Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB cũng đưa ra dự báo rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV/23 trước khi giảm xuống mức thấp hơn kể từ quý I/2024. Dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật của UOB là 24.500 trong quý IV/2023, 24.000 trong quý I/2024, 23.800 trong quý II/2024 và 23.600 trong quý III/2024.

Sau cuộc họp của Fed, thị trường tiền tệ Việt Nam cũng ghi nhận một diễn biến đáng chú ý khi NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng. Trong 3 phiên giao dịch gần đây, NHNN đã hút ròng gần 30.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Việc NHNN phát hành tín phiếu, hút tiền về được giới tài chính đánh giá là tín hiệu rất rõ ràng về việc NHNN sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, ổn định tỷ giá trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động đều xuống thấp lịch sử.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu phát hành tín phiếu của NHNN chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay ra được.

Việt Nam đang thực hiện việc hạ lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế VAT… những điều này làm cho chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, do đó lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Ngoài việc bơm hút tiền bình thường ra, việc phát hành tín phiếu cũng là một trong những cách để NHNN rút bớt tiền trong xã hội.

Theo chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam, tăng lãi suất, bán USD hoặc hút tiền đồng về là ba giải pháp mà nhà điều hành có thể cân nhắc sử dụng để hạ nhiệt tỷ giá. Tuy nhiên, việc hút bớt tiền đồng sẽ được nhà điều hành ưu tiên lựa chọn trong bối cảnh hiện tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới