Saturday, November 23, 2024
Trang chủQuân sựCó phải TQ “sợ” Hamas

Có phải TQ “sợ” Hamas

Để trả lời cho câu hỏi trên, nhà bình luận Vương Hữu Quần (Wang Youqun) đã nêu ra 4 lý do chính trong bài bình luận mới đây đăng trên The Epoch Times. Ông là một chuyên gia về Trung Quốc và có bằng tiến sĩ luật của Đại học Nhân Dân Trung Quốc. Ông từng là một trong những người soạn thảo cho ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XV kiêm cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Các chiến binh Hamas người Palestine được nhìn thấy trong một buổi trình diễn quân sự ở quận Bani Suheila vào ngày 20/7/2017 tại Thành phố Gaza, Gaza.

Mới đây, Hamas, nhóm phiến quân bị các nước châu Âu và Mỹ nhận định là “tổ chức khủng bố”, đã phát động vụ tấn công khủng bố lớn nhất nhằm vào Israel trong 50 năm qua.

Hamas đã bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel. Những kẻ khủng bố Hamas đã tiến vào 22 thị trấn và căn cứ quân sự của Israel, giết hại dã man dân thường, bao gồm người già, phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài, đồng thời bắt dân thường và binh lính làm con tin.

Hamas còn đăng tải một lượng lớn video tàn bạo lên mạng: hàng chục cô gái Israel bị nhốt trong xà lim; hàng chục trẻ em Israel bị nhốt trong chuồng thú; lính Israel bị kéo ra khỏi xe tăng và bị đánh đập.

Ngoài ra còn có một video mang tên “Nữ binh sĩ Israel diễu phố” đang lan truyền khắp thế giới. Tuy nhiên, nạn nhân không phải là nữ binh sĩ Israel mà là những du khách người Đức.

Lễ hội âm nhạc ở miền nam Israel đã biến thành thảm kịch khi các tay súng Hamas tràn vào tấn công. Cơ quan cứu hộ Zaka của Israel cho biết ít nhất 260 thi thể đã được tìm thấy tại lễ hội. Mà chủ đề của lễ hội âm nhạc này lại là lên tiếng ủng hộ người Palestine.

Cuộc tấn công khủng bố này của Hamas đã giết chết hơn 1.000 người ở Israel, trong đó bao gồm cả người Trung Quốc, người Mỹ, người Pháp, người Nepal, người Ukraine, v.v.

Ngày 9/10, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer phát biểu khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh rằng: “Sự việc ở Israel những ngày qua thật sốc. Tôi kêu gọi ngài và người Trung Quốc hãy đứng về phía người dân Israel và lên án những hành động tấn công hèn nhát và tàn ác này”.

Ông Schumer nói thêm: “Thành thật mà nói, tôi rất thất vọng với tuyên bố của Bộ Ngoại giao (Trung Quốc), tuyên bố đó không thể hiện sự thông cảm hay ủng hộ đối với Israel trong thời điểm khó khăn này”.

Ngày 9/10, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các phóng viên truyền thông nước ngoài đã đặt ít nhất 14 câu hỏi liên quan đến vụ tấn công khủng bố của Hamas. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh luôn tránh nhắc đến “Hamas”, lại càng không lên án tổ chức này.

Vậy tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không lên án Hamas? Có 4 lý do bao gồm:

Thứ nhất, giống như đánh giá sai trước đây về cuộc chiến Nga – Ukraine, ĐCSTQ không thể nhìn ra sự thật đằng sau cuộc tấn công này của Hamas.

Cuộc tấn công khủng bố lần này của Hamas nhằm mục đích lôi kéo toàn thể người Palestine và toàn bộ thế giới Ả Rập đứng về phía mình để chống lại Israel và biến nó thành cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ sáu.

Tuy nhiên, ngày nay trong thế kỷ 21, tình hình ở Trung Đông đã có những thay đổi lớn và sâu sắc.

Trước hết, sau 5 cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Israel đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc và trở thành quốc gia phát triển hùng mạnh nhất Trung Đông.

Thứ hai, mối quan hệ giữa Israel và Palestine đã có những thay đổi đáng kể. Trên thực tế, người Palestine được chia thành ba nhóm người: nhóm thứ nhất là người Palestine ở Israel; nhóm thứ hai là người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan; và nhóm thứ ba là người Palestine ở khu vực Gaza.

Nhóm người Palestine ở Israel được hưởng các quyền kinh tế và chính trị cơ bản như những công dân Israel và trở thành một bộ phận công dân của Israel. Trong ba nhóm người Palestine, họ có hoàn cảnh sinh sống tương đối tốt hơn và sẽ không coi chính phủ Israel là kẻ thù.

Nhóm người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan nằm dưới sự kiểm soát của Fatah, một phe chính trị lớn của Palestine. Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế và chính trị giữa Israel và Fatah đã được cải thiện và xoa dịu. Về vấn đề phân chia cai trị giữa Palestine và Israel, cả hai bên đều có sự đồng thuận.

Nhưng mâu thuẫn, xung đột giữa Fatah và Hamas lại rất sâu sắc. Trước kia Fatah bị Hamas đuổi ra khỏi Dải Gaza. Israel luôn chống lại Hamas, Fatah ngoài miệng phản đối nhưng thực tế lại chỉ đứng ngoài cuộc quan sát.

Còn nhóm người Palestine ở Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Hamas. Do những hành động khủng bố cực đoan của Hamas đã gây ra sự phẫn nộ của Israel và các nước Ả Rập lân cận như Ai Cập, Jordan, Syria, Arab Saudi, v.v. nên nhóm người Palestine này đang rơi vào tình thế khó khăn nhất. Nhưng nguồn gốc đau khổ của họ không phải là Israel mà là Hamas.

Một lần nữa, quan hệ của Israel với một số nước Ả Rập đã phát sinh những thay đổi lớn.

Israel đã bình thường hóa quan hệ với Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Sudan và Maroc. Quan hệ giữa Israel với Arab Saudi, quốc gia lớn nhất trên Bán đảo Ả Rập, cũng đang tiến tới bình thường hóa.

Nếu Hamas muốn lôi kéo toàn bộ thế giới Ả Rập chống lại Israel, đó là điều không thể. Ngược lại, các quốc gia Ả Rập xung quanh Israel lại có ác cảm với Hamas ở các mức độ khác nhau. Hamas hỗ trợ cho quân nổi dậy chống lại chính phủ Syria nên nhóm này sẽ không thể nhận được sự hỗ trợ thực sự từ chính phủ Syria. Jordan được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nên họ cũng sẽ không lội vào vùng nước xoáy này.

Hamas tuyên bố rằng được Iran ủng hộ. Tuy nhiên, Iran lại bị Mỹ kìm hãm. Ngay sau khi Hamas nói rằng được Iran hỗ trợ tấn công Israel, đại diện của Iran tại Liên Hợp Quốc đã ngay lập tức đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết ủng hộ Palestine. Nhưng chúng tôi sẽ không tham gia vào hành động này của Palestine, vì hành động lần này hoàn toàn là quyết định của Palestine”.

Mục tiêu phản công của Israel rất rõ ràng: Hamas. Sau vụ đột kích thảm sát của Hamas, Israel muốn tiêu diệt tổ chức này, trong thế giới Ả Rập có tiếng nói phản đối nhưng cũng không có nhiều quốc gia thực sự ủng hộ Hamas.

ĐCSTQ không thể nhìn rõ xu hướng lịch sử nêu trên và cho rằng Hamas ngang hàng với Palestine. Bắc Kinh thậm chí còn nói rằng chỉ cần Palestine thành lập một nhà nước thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Israel không hề phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, Israel và Fatah có sự đồng thuận về việc phân chia Palestine và Israel, do đó đây không phải là bản chất của vấn đề.

Bản chất của vấn đề là: Hành vi cực đoan của Hamas đã gây nguy hiểm cho an ninh của Israel và thậm chí là an ninh của toàn bộ Trung Đông.

Thứ hai, về mặt khách quan, việc Hamas tạo ra những rắc rối ở Trung Đông mang lại cho ĐCSTQ – vốn đang gặp khó khăn ở cả trong và ngoài nước – một cơ hội “thở phào”.

Năm 2023, ĐCSTQ đang rơi vào cuộc khủng hoảng đối nội và đối ngoại sâu sắc nhất trong lịch sử.

Về mặt kinh tế, sau khi đại dịch bùng phát, 3 năm “Zero Covid cực đoan” đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc, dẫn đến một tình huống hiếm hoi trong lịch sử kinh tế là thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu của nước này đều đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Về mặt chính trị, nhiều lãnh đạo cấp cao đang “gặp vấn đề”, như Ngoại trưởng vừa bị miễn nhiệm Tần Cương, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Lý Thượng Phúc và người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa, các cựu tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy của Lực lượng Tên lửa và một số thứ trưởng của Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương. Các thế lực chống Tập cũng nhân cơ hội này tiếp tục tung các tin đồn ra thế giới bên ngoài và lại làm dấy lên làn sóng chống Tập.

Về mặt ngoại giao, chính quyền Trung Quốc có quan hệ rất căng thẳng với các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ; họ không có bạn bè thực sự trong cộng đồng quốc tế và bị rơi vào thế cô lập chưa từng có.

Vậy nên, ĐCSTQ rất cần xuất hiện những điểm nóng trên toàn cầu để làm phân tán sự chú ý của thế giới khỏi cuộc khủng hoảng bên trong và ngoài Trung Quốc, đồng thời giảm bớt áp lực to lớn do các vấn đề chồng chất còn sót lại từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

Thứ ba, việc ĐCSTQ có đứng sau vụ tấn công khủng bố lần này của Hamas hay không cũng rất đáng để quan tâm.

Gần 5.000 quả rocket được Hamas bắn trong vụ tấn công khủng bố này đến từ đâu? Lực lượng vũ trang Hamas tiến hành các cuộc tấn công vào Israel từ ba hướng: trên biển, đất liền và trên không. Những trang thiết bị, công nghệ, cơ sở vật chất và vũ khí này đến từ đâu?

Vào ngày 9/10, người phát ngôn của Hamas là Abu Ubaida đã công khai một đoạn video chỉ đích danh “Cảm ơn Iran” và nói: “Vệ binh Cách mạng Iran đã cung cấp cho chúng tôi vũ khí, đạn dược và kinh phí. Họ đã cung cấp tên lửa để phá hủy pháo đài của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, và dạy chúng tôi cách sử dụng tên lửa chống tăng và máy bay không người lái để tiêu diệt xe tăng địch”.

Ngoài Iran, liệu ĐCSTQ có gián tiếp hỗ trợ Hamas hay không?

Năm 2006, một cơ quan tình báo có trụ sở tại Pháp tuyên bố rằng có sự hợp tác giữa ĐCSTQ và Hamas, đồng thời Bộ trưởng Ngoại giao của Hamas đã đến thăm Bắc Kinh. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng đã giúp Hamas chuyển tiền. Năm 2009, có kênh truyền thông Đức đăng bài báo với nhan đề “Tên lửa Hamas sản xuất tại Trung Quốc”.

Thứ tư, ĐCSTQ là chính quyền khủng bố lớn nhất thế giới.

Có thể nói, ĐCSTQ ngày nay lấy lý luận Giả – Ác – Đấu (giả dối, tàn ác, đấu tranh) để cai trị Trung Quốc. Đất nước Trung Quốc giờ đây, dưới sự cai trị của chế độ này, trở thành quốc gia khủng bố và nuôi dưỡng khủng bố lớn nhất thế giới. Sự cai trị của ĐCSTQ được duy trì bằng “báng súng”.

Nhìn lại lịch sử 100 năm của ĐCSTQ, ĐCSTQ là đảng giết người nhiều nhất thế giới.

Cũng chính vì vậy mà ĐCSTQ vẫn thờ ơ trước hành động tàn bạo điên cuồng của Hamas. Yêu cầu ĐCSTQ lên án Hamas chẳng khác nào bắt hổ tự lột da mình.

Trước vụ sát hại dã man khoảng 40 trẻ sơ sinh và trẻ em của nhóm khủng bố Hamas tại làng Kfar Aza phía nam Israel, bất cứ ai trên thế giới vẫn giữ được những giá trị phổ quát và truyền thống sẽ không ngần ngại lên án và phản đối.

Tuy nhiên, ĐCSTQ lại nhắm mắt làm ngơ và bịt tai giả điếc, vì chế độ này theo đuổi hệ tư tưởng Giả – Ác – Đấu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới