Lực lượng tuần duyên Philippines thông báo đã gỡ thành công đoạn phao chắn dài khoảng 300m “để bảo vệ quyền của ngư dân” Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough.
Ngày 24/9, Manila tố cáo và lên án Trung Quốc tạo ra “hàng rào nổi” ngăn cản ngư dân Philippines vào đánh bắt trong khu vực bãi cạn Scaborough. Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khẳng định: “Rào chắn này gây nguy hiểm cho hàng hải, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế. Nó cũng cản trở việc tiến hành các hoạt động đánh bắt cá và sinh kế của ngư dân Philippines”; đồng thời nhấn mạnh: Bãi cạn Scarborough là “một phần không thể thiếu của lãnh thổ quốc gia Philippines”.
Vụ việc hâm nóng trở lại một sự việc trong năm 2012. Thời điểm đó, sau một thời gian giằng co, Trung Quốc đã dùng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ kiện Biển Đông đình đám của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển.
Sau quá trình thụ án phức tạp, bất chấp Trung Quốc từ chối không tham gia, ngày 13/7/2016, PCA đã ra phán quyết bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều đó đồng nghĩa Philippines thắng kiện.
Tuy nhiên, trên thực địa, mọi sự vẫn như cũ do Trung Quốc không công nhận kết quả của PCA. Cũng kể từ đó, dù ngư dân Philippines vẫn đánh bắt hải sản trong khu vực bãi cạn Scarborough, nhưng bị giám sát chặt chẽ của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Tình hình trở nên xấu hơn khi người kế nhiệm tổng thống Duterte là ông Ferdinand Marcos Jr thực hiện chủ trương “thoát Trung”, trở lại quan hệ mật thiết với đồng minh Mỹ. Chưa hết, nhà lãnh đạo này còn lên truyền thông ném về phía Bắc Kinh những tuyên ngôn được coi là không thể mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh: “Đất nước này sẽ không để mất một tấc đất nào. Chúng ta sẽ tiếp tục bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền phù hợp với hiến pháp của chúng ta và luật quốc tế…”.
Thậm chí, hồi tháng 2/2023, dù phủ nhận việc kích hoạt “hiệp ước phòng thủ tương hỗ với đồng minh Mỹ”, nhưng ông Marcos vẫn như cố ý “nói gần nói xa” đến khả năng này trong trường hợp Trung Quốc có các động thái nghiêm trọng hơn vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc “chiếu laser cấp độ quân sự” vào các tàu Philippines vừa xảy ra trên Biển Đông.
Đáp lại những hành động “không biết điều” của Manila, để trả đũa, gần đây, Bắc Kinh gia tăng giám sát bằng cách dựng hàng rào nổi để kiểm soát, khống chế hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Philippines trong khu vực.
Sự chịu đựng dường như tới giới hạn. Thay vì cam chịu như những lần trước, lần này, Philippines không chỉ “khẩu chiến” mà còn “thực chiến”.
Lại cũng đích thân nhà lãnh đạo Marcos lên tiếng. Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Philippines tố cáo Trung Quốc, ông Marcos yêu cầu lực lượng này gỡ bỏ phao chắn mà Trung Quốc đặt ở bãi cạn Scarborough.
Sự quyết đoán của ông Marcos khiến dư luận lo ngại một sự việc đang nóng có thể thành nóng hơn. Thậm chí, bằng vào hàng loạt động thái gây hấn quyết đoán trong thời gian gần đây của của Trung Quốc đối với Philippines, trong đó có vụ “xịt vòi rồng” ngăn cản Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ đồn trú (thực chất là một cách để Manila khẳng định chủ quyền) trên chiếc tàu cũ Sierra Madre trong khu vực bãi Cỏ Mây hồi đầu tháng 8 vừa qua, có người còn hoang mang nghĩ tới tình huống sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát quân sự.
Nếu trường hợp đó xảy ra, rất có thể, sau hơn 11 năm, không loại trừ câu chuyện tranh chấp bãi cạn Scarborough có thêm tiếng nổ và mùi khói súng. Khi đó, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ trở nên vô cùng phức tạp, khó có khả năng vãn hồi…
Tới ngày 25/9, những người bi quan mới thở phào khi Philippines cho biết đã gỡ thành công đoạn phao chắn dài khoảng 300m. Lực lượng tuần duyên Philippines còn tung ra video clip thợ lặn của lực lượng này cắt dây, gỡ phao của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn. Điều ngạc nhiên là, bốn tàu tuần duyên Trung Quốc lảng vảng gần đó trước khi Philippines cắt hàng rào, đã không tỏ ra hung hăng khi nhìn thấy giới truyền thông trên tàu Philippines. Thậm chí, phía Trung Quốc còn trực tiếp “dọn” nốt đoạn “hàng rào nổi” mà phía Philippines chưa cắt hết. Nói cách khác, diễn biến được hiểu là Trung Quốc đã “xuống thang”.
Động thái “xuống thang” bất ngờ này khiến dư luận ngạc nhiên. Trung Quốc “sợ công luận chăng”
Khả năng này là không cao bởi lâu nay, là một quốc gia hành xử vô pháp, Bắc Kinh từng nhiều lần “ngồi xổm” lên dư luận.
Nhiều người nghĩ tới khả năng thứ hai: Bắc Kinh sợ một cuộc đối đầu căng thẳng kéo theo sự can dự của lực lượng hải quân Philippines thời điểm này tại Scarborough có thể dẫn đến sự vào cuộc của Mỹ – đồng minh của Philippines.
Ngày 29/4/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller từng gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng: Washington sẽ “đáp trả trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng vũ trang Philippines”, nếu Trung Quốc có các “hành vi khiêu khích và không an toàn” ở Biển Đông, như vụ tàu hải cảnh Trung Quốc chạy cắt mặt một tàu tuần tra Philippines vài ngày trước đó.
Diễn biến ví như “phép thử” cùng cái kết tạm cho là “có hậu” (tính tới thời điểm này) tại bãi cạn Scarborough cho thấy: dẫu đã là một siêu cường quân sự, nhưng một cuộc đối đầu thật sự khốc liệt với Mỹ trên Biển Đông có lẽ vẫn là điều Trung Quốc chưa sẵn sàng và cố tránh.
T.V