Năm 2023 là năm có nhiều hoạt động kỷ niệm. Chúng ta kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước do các nước thiết lập quan hệ sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore. Quan hệ đối tác chiến lược này nổi lên như một hình mẫu cho quan hệ của Việt Nam với các nước khác. Chỉ trong năm 2023, Thủ tướng của hai nước đã thăm viếng lẫn nhau, Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam thăm Singapore và gần đây ngày 27-28 tháng Tám, Thủ tướng Singapore đã thăm Việt Nam.
Quan hệ hai bên đã cải thiện nhanh chóng trong hai thập kỷ gần đây. Tuy quan hệ ngoại giao được thiết lập vào ngày 01/8/1973, nhưng trong 20 năm đầu, quan hệ hai nước vẫn bị những đám mây đen che mờ. Đó là sự khác nhau về chế độ chính trị, tư duy kinh tế khác nhau, phương thức quản lý khác nhau và cuối cùng là nghi ngờ lẫn nhau. Những điểm này được thể hiện rõ trong những trang hồi ký của ông Lý Quang Diệu về chuyến thăm Singapore của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt tháng 11/1991 ngay sau khi ông Võ Văn Kiệt nhậm chức.
Tuy nhiên, theo lời mời của ông Võ Văn Kiệt, ông Lý Quang Diệu vẫn đến Việt Nam và thành lập một nhóm đặc nhiệm nghiên cứu cơ sở hạ tầng của Việt Nam như cảng biển, sân bay, đường xá, cầu cống, hệ thống cung cấp điện….. Dựa trên khuyến nghị của nhóm đặc nhiệm, ông Lý Quang Diệu đã có những lời khuyên xác đáng cho Chính phủ Việt Nam. Dần dần, với thời gian, những rào cản đã được vượt qua và lòng tin đã được cải thiện.
Kể từ chuyến đi thăm Singapore đó của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, Singapore đã thấy ở Việt Nam là một đối tác tin cậy, một đối tác cần phát triển quan hệ song phương, đồng thời cũng là một đối tác để xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành một Hiệp hội lớn mạnh có 10 quốc gia thành viên như hiện nay.
Năm 2013 đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hai nước, thành lập quan hệ đối tác chiến lược. Từ đó đến nay, quan hệ hai nước đã thắt chặt dựa trên tin cậy chính trị mạnh mẽ và quan hệ hữu hảo bền chặt giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Theo ông Lý Hiển Long thì ông đã thăm Việt Nam 5 lần trong khi làm Thủ tướng và 20 lần từ trước đến nay.
Tin cậy chính trị mạnh mẽ: Hai nước đã nhanh chóng vượt qua những nghị ky, khác biệt để thúc đẩy quan hệ. Chỉ 2 năm sau chuyến thăm của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, quan hệ hai nước tiếp tục được nâng lên với một chuyến thăm cũng mang tính lịch sử, đó là chuyến thăm chính thức Singapore của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười vào tháng 10/1993. Sự kiện ngoại giao nổi bật trong năm hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao khi lần đầu tiên Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm Singapore. Báo chí Singapore thời điểm đó nhấn mạnh “đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước”.
Trên đà phát triển quan hệ đó, hai nước đã trao đổi đoàn ở nhiều cấp khác nhau, góp phần cải thiện hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ. Quan hệ hai nước giai đoạn này là hữu nghị và hợp tác toàn diện. Mười năm sau, năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định nâng cấp quan hệ đó thành quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Kể từ đó đến nay, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên đã phát triển mạnh trên cả 5 cột trụ được xác định. Đó là làm sâu sắc quan hệ chính trị tin cậy lẫn nhau; tăng cường hợp tác kinh tế; nâng cao hợp tác an ninh – quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, đa phương.
Hai nước đều coi trọng hội nhập kinh tế và tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Cả hai nước hiện có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Cả Việt Nam và Singapore đều tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến Bộ vì Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cả hai nước đều tích cực thúc đẩy đoàn kết nội khối và vai trò Trung tâm của Hiệp hội. Cả hai nước đều thống nhất hợp tác với nhau để bảo đảm ASEAN vẫn giữa vai trò trung tâm trong an ninh khu vực và kiên quyết ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên quy tắc.
Với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam thúc đầy giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982). Là một nước phụ thuộc nhiều vào đường biển để tiến hành thương mại, Singapore mong muốn quyền qua lại bằng tầu thuyền và máy bay ở Biển Nam Trung Hoa được bảo đảm. Do vậy, Singapore cũng muốn có giải pháp hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS-1982.
Như một học giả đã nhận xét: “quan hệ hai nước là tấm gương để các nước ASEAN cũng như các nước trên thế giới thấy được giá trị của hợp tác hòa bình, ý thức trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.
Hợp tác kinh tế: là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 7,2% trong thập kỷ vừa qua. Kim ngạch thương mại năm 2022 là 31 tỷ đô la Mỹ từ mức 17 tỷ đô la Mỹ trong năm 2013. Singapore đã nhiều năm đứng hàng đầu các nước đầu tư vào Việt Nam. Tổng đầu tư của Singapore vào Việt Nam là 71 tỷ đô la Mỹ với xu hướng chuyển dịch sang logistics, kinh tế xanh và kinh tế số, năng lượng tái tạo.
Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore là biểu tượng của mối quan hệ gần gũi và tin cậy lẫn nhau giữa hai bên. Hiện ở Việt Nam đã có 12 khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) và dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm 5 khu nữa. Các khu công nghiệp đã trải rộng trên diện tích 11.000 héc-ta với 900 công ty đang hoạt động và tạo công ăn việc làm cho 300.000 người. Khu công nghiệp VSIP đã minh chứng cho quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa hai nước và đáp ứng nhu cầu của mỗi bên.
Nếu VSIP Bình Dương I tập trung vào sản xuất công nghiệp nhẹ thì VSIP Bình Dương II lại tập trung vào logistics và VSIP Bình Dương III dự kiến được thiết lập sẽ tập trung vào các dự án thông minh bao gồm cả một nhà máy sản xuất điện mặt trời theo tiêu chuẩn hiện hành ở Singapore. VSIP Bình Dương III sẽ còn một nhà máy sản xuất LEGO trung hoà khí thải. Đây là dấu hiệu cho thấy: “Singapore đang đồng hành với sự phát triển của Việt Nam”, như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.
Không chỉ có vậy, thời gian giữa các cuộc thảo luận của hai Chính phủ đến sự ra đời của các dự án là rất ngắn. Thí dụ cụ thể là dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam. Tháng Hai vừa qua, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai nước đã ký về đối tác kinh tế xanh và kinh tế số. Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, một dự án sản xuất điện gió đã được đề xuất nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore tháng Tám vừa qua. Đây là liên doanh giữa Công ty Sembcorp Utilities và Công ty dịch vụ dầu khí của Tổng Công ty dầu khí Việt Nam (PTSC) với mục đích là sản xuất năng lượng xanh xuất khẩu qua Singapore. Theo dự kiến, điều tra quan trắc, khảo sát và đánh giá sẽ được thực hiện trong những tháng tới trên diện tích 200.000 hec-ta ngoài khơi Vũng Tầu – Côn Đảo. Với dự án này, Singapore đang đáp ứng nhu cầu phát triển xanh của Việt Nam.
Các lĩnh vực khác: Quan hệ hai nước không chỉ đóng khung vào quan hệ chính trị hay quan hệ kinh tế. Quan hệ quốc phòng – an ninh cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua. Tháng 2/2022, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Hiệp định về hợp tác quốc phòng; tạo cơ sở để hai bên trao đổi đoàn, thúc đẩy tin cậy trong hợp tác an ninh và quốc phòng. Hai bên cũng đang tích cực làm việc để thống nhất kế hoạch thực hiện Hiệp định trong giai đoạn 2023 – 2025.
Những hoạt động hợp tác tài chính – ngân hàng, giáo dục đào tạo, môi trường giữa hai nước cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Lĩnh vực giáo dục cũng là một điểm nổi bật của hợp tác hai bên. Bắt đầu từ đầu những năm 2000, Singapore đã cấp học bổng đại học và phổ thông cho sinh viên Việt Nam. Rất nhiều sinh viên này đã có đóng góp tích cực cho việc cải thiện quan hệ hai nước.
Trong 5 thập kỷ qua, quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài ngày càng tin cậy lẫn nhau và bền vững. Tuy hiện vẫn còn những khác biệt như cách đề cập vấn đề về Myanmar và xung đột Ukraine, nhưng đây là những vấn đề nhỏ, không ngăn cản được đà tiến rất nhanh chóng của quan hệ hai bên. Trong một thập kỷ qua, hai nước đã là đối tác chiến lược của nhau. Tất cả những gì hai nước đã làm được là cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như lãnh đạo và nhân dân hai nước mong muốn, đồng thời củng cố sự gắn kết, hợp tác trong khối ASEAN.
T.P