Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiƯớc tính thiệt hại kinh tế nếu xảy ra xung đột Israel...

Ước tính thiệt hại kinh tế nếu xảy ra xung đột Israel – Iran

Trong trường hợp xấu nhất nếu xảy ra xung đột giữa Israel và Iran, thế giới sẽ rơi vào suy thoái và mất 1 nghìn tỉ USD GDP.

Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel vào cảng ở thành phố Gaza, ngày 10.10.2023.

Bloomberg dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái với giá dầu tăng vọt nếu Iran tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas.

Theo Bloomberg Economics, các nhà phân tích đang xem xét tác động đến tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo ba kịch bản có thể xảy ra: Xung đột phần lớn chỉ giới hạn ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine; xung đột lan sang Lebanon và Syria; và đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi cả ba kịch bản đều có khả năng khiến giá dầu tăng vọt, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn, thì một cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel sẽ gây ra thiệt hại nặng nề nhất.

Theo các nhà phân tích, xung đột càng lan rộng thì tác động của nó càng mang tính toàn cầu hơn là khu vực… Xung đột ở Trung Đông có thể gây chấn động khắp thế giới vì khu vực này là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng và là tuyến đường vận chuyển quan trọng.

Trong trường hợp đó, giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu có thể sẽ tăng lên 6,7% so với dự báo hiện tại của IMF cho năm 2024 là 5,8%. Tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ giảm 1% so với dự báo hiện tại cho năm tới, xuống còn 1,7%. Đây sẽ là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982, và xét về mặt tiền tệ, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 1 nghìn tỉ USD.

Năng lực sản xuất dự phòng ở Saudi Arabia và UAE có thể không cứu vãn được tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 1/5 nguồn cung dầu hàng ngày của thế giới đi qua. Các nhà phân tích cảnh báo cũng sẽ có sự chuyển dịch né tránh rủi ro cực đoan hơn trên thị trường tài chính.

Các nhà phân tích khẳng định, các tác động sẽ được cảm nhận nhanh chóng bởi vì nhiều quốc gia vẫn đang phải chống chọi với lạm phát do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraina đối với Nga, vốn đã định hướng lại thương mại toàn cầu, bao gồm cả các dòng dầu và khí đốt. Họ cảnh báo rằng, một cuộc chiến khác tại khu vực sản xuất năng lượng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Tuy nhiên, Bloomberg lưu ý, xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel vẫn là “kịch bản có xác suất thấp”.

Bạo lực giữa Hamas – lực lượng kiểm soát Gaza – với Lực lượng Phòng vệ Israel trong tuần qua đã khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giao tháng 12 đóng cửa ở mức 90,8 USD/thùng vào ngày 13.10, tăng từ khoảng 84 USD/thùng một tuần trước đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới