Gần đây, một số người trẻ Trung Quốc làm việc tại châu Phi đã được truyền thông nước ngoài phỏng vấn, qua đó phản ánh những khó khăn kinh tế trong nước Trung Quốc.
Trang BBC tiếng Trung đã phỏng vấn Trần Trác (Chen Zhuo), một nam thanh niên 20 tuổi đến từ một gia đình nông thôn ở miền Trung Trung Quốc. Để tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong vòng 6 tháng từ mùa thu năm ngoái, Trần Trác đã nộp hơn 1.000 hồ sơ vào các công ty trong nước nhưng cho tới khi gần tốt nghiệp anh vẫn không tìm được công việc phù hợp. Cuối cùng Trần Trác đã chọn làm việc ở châu Phi.
Trần Trác học ngành thương mại quốc tế tại một trường đại học bình thường ở Trùng Khánh. Trong lớp có hơn 50 sinh viên, đến khi tốt nghiệp cũng chỉ có hơn chục người tìm được việc làm. Bài viết trên BBC phân tích rằng, trước sự suy thoái kinh tế và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở Trung Quốc, mức độ cạnh tranh trên thị trường lao động rất khốc liệt, đặc biệt là đối với những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học không tên tuổi.
Trong khi đó tại nhiều nước ở châu Phi lại có khá nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc, do đó ngày càng nhiều thanh niên nhắm tới châu Phi để tìm lối thoát. Vào tháng 6 năm nay, bất chấp sự lo lắng của gia đình, sau khi cân nhắc, Trần Trác đã đến Ghana, một quốc gia ở Tây Phi, với tâm trạng thấp thỏm bất an.
Theo bài báo, trước đây, ngoại trừ sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc sẽ không cân nhắc tới việc đi làm ở châu Phi. Bởi ngoài rào cản ngôn ngữ, vấn đề an toàn, khác biệt văn hóa và các yếu tố khác cũng khiến họ do dự ngần ngại. Nhưng dần dần, khi sự cạnh tranh trên thị trường việc làm trong nước ngày càng khốc liệt, châu Phi đã trở thành một điểm đến mới.
Thông tin công khai cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở thành thị Trung Quốc liên tục gia tăng trong sáu tháng đầu năm nay, lần lượt là 17,3%, 18,1%, 19,6%, 20,4%, 20,8% và 21,3%. Dữ liệu này đã liên tục đạt mức cao mới kể từ khi được thống kê. Tới tháng 8 năm nay, giới chức Trung Quốc tuyên bố đình chỉ việc công bố tỷ lệ thất nghiệp đối với mọi nhóm tuổi trên cả nước.
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp leo thang ở Trung Quốc, xu hướng làm việc ở châu Phi ngày càng trở nên phổ biến. Trên Weibo – một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, chủ đề “Với mức lương hàng năm 200.000 nhân dân tệ, bạn có cân nhắc đến châu Phi không?” dường như đã phản ánh rõ điều này. Mức lương 200.000 nhân dân tệ kể trên tương đương với khoảng 670 triệu VND.
Hồi cuối tháng 7 năm nay, chủ đề này cũng từng lọt top tìm kiếm nóng (hot search) trên Weibo, các bài viết liên quan đã thu hút tới 200 triệu lượt nhấp đọc và gần 300.000 người tham gia tương tác.
Trên các nền tảng mạng xã hội khác phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc như Xiaohongshu và Bilibili, những bức ảnh và video về trải nghiệm làm việc ở châu Phi của một số tài khoản cũng thu hút hàng triệu lượt xem. Ở phần bình luận, nhiều người để lại tin nhắn hỏi cách đi châu Phi như thế nào, chọn công ty nào, nơi đó có an toàn không, v.v.
Bà Maria Repnikova, Phó giáo sư ngành truyền thông quốc tế tại Đại học tiểu bang Georgia (GSU) ở Hoa Kỳ, đã nghiên cứu và nhận thấy rằng ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc đang làm việc ở châu Phi: “Họ không chỉ làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước lớn mà còn đến châu Phi theo các nhóm nhỏ hoặc thậm chí là theo hình thức cá nhân để tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp”.
Một số người được phỏng vấn cho biết họ đến châu Phi làm việc với hy vọng thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay trong xã hội Trung Quốc. Cũng có người nói rằng họ đi để thoát khỏi những điều vụn vặt và áp lực của cuộc sống gia đình.
Ông Joshua Eisenman, Phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame tại Mỹ bình luận rằng, nhiều năm qua Trung Quốc luôn hy vọng nền kinh tế sẽ hưng thịnh trở lại để thu hút thanh niên ở nước ngoài quay trở lại Trung Quốc phát triển, nhưng hiện nay lại có những người sẵn sàng đi làm việc xa ở châu Phi, hoặc họ cho rằng phải đi xa như vậy thì mới có thể tìm được cơ hội. Ông nói, tình huống này thực sự gây kinh ngạc, “có thể khẳng định rằng đây là kết quả do tình hình kinh tế vô cùng tồi tệ ở Trung Quốc mang lại”.
T.P