Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHồng vệ binh, con bài củng cố quyền lực của Mao Trạch...

Hồng vệ binh, con bài củng cố quyền lực của Mao Trạch Đông

Sau những thất bại của “Đại Nhảy Vọt” khiến cho Trung Quốc chìm trong nạn đói, giữa thập niên 60, Mao Trạch Đông muốn giành lại quyền ảnh hưởng trước thế lực đang lớn mạnh của Đặng Tiểu Bình, đã đề ra “Cách mạng Văn hóa”. Cách mạng Văn hóa được đánh giá là bước ngoặt đưa đất nước thoát khỏi sự lạc hậu và nghèo nàn. Thế nhưng, đến cuối cùng, cuộc Cách mạng Văn hóa đã mang tới cho Trung Quốc một cơn ác mộng mang tên Hồng vệ binh.

Thâu tóm quyền lực cho Mao Trạch Đông

Thất bại của kế hoạch “Đại Nhảy Vọt” đã khiến tiếng tăm Mao Trạch Đông bị ảnh hưởng ít nhiều. Người dân không còn tin tưởng tuyệt đối vào ông nữa. Trong khi đó, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, những người có sức ảnh hưởng trong bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ đã cố hết sức để sửa sai với hy vọng là cứu vãn được một phần những hậu quả do Đại Nhảy Vọt để lại.

Năm 1961, Lưu Thiếu Kỳ từng được công nhận là người sẽ kế thừa Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, cũng chỉ một năm sau, vì phản đối các chính sách của Mao, ông không còn được tin tưởng. Sau khi Mao Trạch Đông thành công trong việc khôi phục lại uy tín vào những năm sau đó, sự suy bại đến với Lưu Thiếu Kỳ như một điều tất yếu.

Năm 1966, Lưu Thiếu Kỳ, chính thức khai màn Cách mạng Văn hóa. Thế nhưng, ông và các đồng minh chính trị đã nhanh chóng mất quyền kiểm soát cuộc cách mạng này.

Mao Trạch Đông đã sớm lợi dụng phong trào này để dần dần độc chiếm quyền lực chính trị và tiêu diệt những kẻ thù của ông ta.

Ngày 29/5/1966, tại Đại học Thanh Hoa, Mao chỉ đạo một nhóm thanh niên và thành lập ra Hồng vệ binh với mục đích chính là trừng phạt những lực lượng, những cá nhân đi ngược lại với nền văn hóa mới do Cách mạng Văn hóa đề ra. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là vỏ bọc hoàn hảo cho những mưu toan chính trị của ông ta. Hồng vệ binh thời kỳ này bị Mao và phe cánh tiêm nhiễm về doping chính trị, truyền bá những tư tưởng hận thù và tận diệt những kẻ được cho là chống phá lại bộ máy nhà nước, dẹp loạn luôn các thành phần đi ngược hoặc là phản đối Mao Trạch Đông.

Ông ta ưu ái lực lượng này tới nỗi đã đích thân viết cho họ một bức thư ngỏ bày tỏ sự hậu thuẫn nồng nhiệt và tích cực, cũng như thái độ cực kỳ trung thành của Hồng vệ binh. Rồi ra lệnh phát sóng các tuyên ngôn của các tổ chức này trên đài phát thanh quốc gia và sau đó là công bố trên khắp các tờ Nhật Báo. Được Mao Trạch Đông ủng hộ, các đơn vị Hồng vệ binh đã nhanh chóng phát triển khắp Trung Quốc từ hàng nghìn cho tới hàng triệu thành viên.

Tác dụng thành lập Hồng vệ binh của Mao, sau đó đã chính thức phát huy khi hai đối thủ nặng ký nhất của Mao là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình cùng một số quan chức cấp cao khác nhanh chóng bị gạt bỏ khỏi các chức vụ đương nhiệm và cùng với gia đình phải chịu đựng hàng loạt các chỉ trích và sự lăng nhục.

Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và rất nhiều người khác bị tố cáo là theo phe tư bản. Ông bị gán cho cái mác là kẻ phản bội, buộc phải chuyển giao chức Phó Chủ tịch Đảng cho Lâm Bưu. Đến năm 1967, Lưu Thiếu Kỳ và vợ là Vương Quang Mỹ đã chịu quản thúc tại gia ở Bắc Kinh.

Đại hội Đảng lần thứ 9/1969, Chu Ân Lai tuyên đọc bản án khẳng định rằng, Lưu Thiếu Kỳ là kẻ phản bội, là nội gián, là ‘chó săn’ chạy theo bè lũ đế quốc, những kẻ theo chủ nghĩa xét lại và bọn phản động quốc gia Đảng. Lưu Thiếu Kỳ đã qua đời ngay sau Đại hội.

Tháng 2/1980, hai năm sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Hội nghị lần thứ 55 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11 đã ban hành quyết định về việc phục hồi danh dự cho Thiếu Kỳ. Tuyên bố việc khai trừ ông là không công bằng, xóa bỏ luôn cái mác ‘phản Đảng’, ‘phản bội’ và ‘chó săn’ gắn liền với vị lãnh đạo này vào thời điểm ông qua đời. Nó cũng khẳng định rằng Lưu Thiếu Kỳ là một nhà cách mạng vô sản, nhà Mác-xít vĩ đại, công nhận ông là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lâm Bưu bị quy trách nhiệm là đã ngụy tạo bằng chứng chống lại Lưu Thiếu Kỳ, hợp tác với Bè Lũ 4 tên, khiến Lưu Thiếu Kỳ phải chịu sự mưu hại chính trị và đày đọa thể xác.

Một buổi truy điệu trọng thị cấp quốc gia được tổ chức cho Lưu Thiếu Kỳ vào ngày 17/5/1980. Tro tàn của ông được giải xuống biển ở Thanh Đảo theo đúng di nguyện cuối cùng.

Trước khi bình ổn quyền lực, Đặng Tiểu Bình cũng là mục tiêu mà Mao Trạch Đông nhắm mũi dùi Hồng vệ binh tới. Trước đó, trong các bài báo phát hành trên toàn quốc, Hồng vệ binh gọi ông là ‘tên thứ hai’ đi theo đường lối tư bản của Trung Quốc (sau Lưu Thiếu Kỳ). Mùa hè năm 1967, hàng ngàn Hồng vệ binh khi đấu tố Đặng Tiểu Bình tại nhà của ông đã bắt ông quỳ xuống đất, hai cánh tay giương cao về phía sau. Đây là cách xử tội mà Hồng vệ binh rất thích. Con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Phổ Phương bị tổ chức này tấn công, đánh què cả hai chân. Đặng Thục Bình, em trai của Đặng Tiểu Bình còn chịu số phận đen tối hơn. Sau khi anh trai bị tố là phần tử phản cách mạng, ngay lập tức ông cũng bị liên lụy. Vì bản thân vốn là địa chủ nhỏ, nên ông bị liệt vào thành phần ‘địa chủ’. Cuối cùng bị đấu tố, tra tấn đến mức không chịu nổi và phải tự vẫn, qua đời vào ngày 15/3/1971.

Không chỉ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình mới là nạn nhân của Mao và Hồng vệ binh, những danh tướng như Bành Đức Hoài hay Hạ Long đều bị cho vào tầm ngắm dù họ chỉ qua lại với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Hồng vệ binh khi đó, dưới sự bảo kê của Mao, đã trở nên quá đáng sợ.

Năm 1966, các nhà sử học hiện đại đã ước tính rằng Hồng vệ binh đã bắt giữ khoảng 22.000 đối tượng phản cách mạng. Nhiều người đã bị giết, bị tra tấn đến chết hoặc tự tử do không chịu được nhục nhã. Trong vòng tháng 8, 9 năm đó riêng ở Bắc Kinh đã có 1.772 người bị sát hại. Tại Thượng Hải trong tháng 12 thì có tới 704 vụ tự tử. Với những con số gây ám ảnh này, sự nghiệp lãnh đạo Trung Quốc của Mao Trạch Đông từ thời điểm đó cho tới khi ông qua đời trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Mặc dù sau này Hồng vệ binh bị trừ khử, nhưng không thể phủ nhận trong thời gian tồn tại tổ chức này đã giúp cho Mao Chủ tịch rất nhiều trong việc thâu tóm quyền lực, duy trì thế thượng phong gần như là mãi mãi và khiến cho Mao Trạch Đông gần như không có đối thủ.

Hủy diệt văn hóa dân tộc

Mao Trạch Đông lúc này chẳng khác gì lãnh đạo một tổ chức tà giáo, xúi giục Hồng vệ binh làm những chuyện đi ngược lại với đạo đức và pháp luật. Việc đóng cửa nhiều trường phổ thông và đại học trên khắp Trung Quốc được thực hiện một cách ráo riết. Ông còn chỉ đạo cho Hồng vệ binh phá hủy các tòa nhà cổ, các đền đài, các tác phẩm nghệ thuật, tấn công các giáo viên, quản lý trường học, lãnh đạo đảng và cả phụ huynh. Điều gây tai hại hơn nữa là Mao Trạch Đông cấm tuyệt đối mọi sự can thiệp của lực lượng cảnh sát. Nếu dám làm trái thì sẽ bị xem là phản cách mạng. Thậm chí, Cách mạng Văn hóa đã nâng cao uy tín cho Mao Trạch Đông nhiều tới mức mà nhiều làng xã đã áp dụng tập tục cầu nguyện lãnh tụ trước mỗi bữa cơm.

Câu chuyện về những học sinh tra tấn hiệu trưởng cho đến tắt thở chắc chắn là một trong những sự kiện gây ám ảnh nhất khi nhắc tới hệ lụy của Hồng vệ binh gây ra trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa này. Các giáo viên hoặc hiệu trưởng khi đó thường bị chính các học sinh của họ dán nhãn là trí thức hoặc nhà tư bản để đấu tố đàn áp.

Các vụ thảm sát diễn ra tồi tệ nhất ở phía Nam tỉnh Quảng Tây, nơi tra tấn, sát hại người xảy ra hàng loạt. Cách mạng Văn hóa dùng người đấu người. Thậm chí Hồng vệ binh còn tận lực hạ sát cả mèo vì lý do mèo là đại diện của sự suy đồi tư sản. Các tiểu tướng Hồng vệ binh đến những vùng nông thôn hẻo lánh áp bức người dân nghèo, ép buộc họ phản đạo, đoạn tuyệt với các ngôi chùa được cho là mê tín phong kiến.

Buổi tối, Hồng vệ binh từ Bắc Kinh tổ chức một cuộc họp phê bình toàn làng. Người dân phải báo cáo với những Hồng vệ binh từ Bắc Kinh về cuộc đấu tranh giai cấp và tiến trình của cuộc Cách mạng Văn hoá trong ngôi làng của họ. Những người địa chủ, phú nông, những phần tử cách mạng, những người tín ngưỡng đều bị tập trung lại và bắt quỳ dưới đất. Lúc bị tra khảo, mũ của một ông lão bị hất tung. Hóa ra ông là một nhà sư đầu trọc. Một vài nam sinh đã nghĩ cho việc Phật giáo cấm kết hôn và đột nhiên tự hỏi là tại sao không tạo ra sự trái ngược với quy định của Phật giáo? Bọn chúng nảy ra suy nghĩ đen tối và đầy tội lỗi – đó là tìm vợ cho ông sư lão.

Một thế hệ bỏ đi

Điên cuồng vì quyền lực của Hồng vệ binh lúc bấy giờ, nhiều thanh thiếu niên đã không màng tới chuyện học hành mà chỉ muốn theo gương những kẻ đầu trâu mặt ngựa đó, dưới mác to lớn là Hồng vệ binh được Mao chủ tịch thành lập. Rất nhiều những câu tuyên truyền cửa miệng cho rằng, “Chỉ cần tuyệt đối trung thành với Mao chủ tịch, ngoài ra không ai cả” là có thể trở thành thành viên của tổ chức này. Sau đó, muốn ức hiếp, muốn bức hại ai thì cũng đều không thành vấn đề. Vì vậy mà những người trẻ, ngoài những thế hệ đầu tiên được xem là có học (bao gồm học sinh, sinh viên), thì những tầng lớp sau đều thất học và mù chữ. Có lẽ căn bệnh mù chữ, thất học đã khiến chúng trở nên tàn bạo hơn.

Thế nhưng, chính vì trở thành những kẻ dốt nát mà khiến cho tuổi đời của lực lượng này ngắn lại. Bởi cái sự hỗn loạn, căm thù ngày càng tăng cao của tổ chức này có thể đe dọa tới giang sơn của Mao Trạch Đông lúc bấy giờ. Một phần là vì những kẻ thù lớn nhất của Mao đã bị loại bỏ, nên ông ta cũng tính tới kế sách để dẹp cái đám tặc tử này.

Tháng 12/1968, Mao Trạch Đông cho triển khai Phong trào Tiến Về Nông Thôn, đưa hàng trăm ngàn thanh niên Hồng vệ binh từ các thành phố lớn về các vùng nông thôn để sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người nông dân. Thực chất là tống họ về cái nơi mà họ ít có thể gây loạn nhất. Đồng thời dập tắt ngọn lửa bành trướng của những thanh niên quá khích, với mong muốn Hồng vệ binh sẽ dần dần và mãi mãi đi vào quên lãng.

Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi từ 15 – 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là “thế hệ bỏ đi”. Vì học hành dang dở, họ chỉ có thể sống bằng nghề làm nông cho tới cuối đời. Những ai nhận ra sai lầm của mình có lẽ sẽ chấp nhận cải tạo để trở thành một con người bình thường. Thế nhưng, có những kẻ quen thói hung tàn thì sớm bị cuộc đời loại bỏ. Cho dù có huênh hoang thế nào, cũng không còn được quyền cưỡng bức, ức hiếp người như trước đây nữa.

Vào đầu những năm 2000, làn sóng hối lỗi của những Hồng vệ binh đã nở rộ. Các thành viên của Hồng vệ binh không ngừng nhớ lại những khoảnh khắc mất nhân tính của mình. Trong số họ, chẳng có ai sống hạnh phúc tới cuối đời, những kẻ đập phá đền chùa thì con cháu nhận bảo ứng sau này, kẻ đập mẹ, đánh cha thì ôm căn bệnh nan y cho tới chết, không có tiền chạy chữa thuốc thang.

Tổ chức Hồng vệ binh đã giúp cho chính quyền của Mao Trạch Đông dựng nên trở nên cực kỳ vững mạnh và củng cố cho quyền lực của ông ta. Nhưng kèm theo đó, người đời cũng nhìn ra tội ác lớn nhất của ông: Đó là tạo ra một băng đảng được xem là thảm họa cho người dân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới