Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCâu chuyện về “Mao xoài”

Câu chuyện về “Mao xoài”

Tháng 8/1968, cả Trung Quốc đột nhiên bao trùm trong cơn cuồng loạn đặc biệt; “cơn cuồng xoài”. Khi ấy, xoài được ca ngợi trong các bài thơ, được đặt lên bàn thờ và mang đi diễu hành khắp đất nước. Người dân hân hoan chụp ảnh bên cạnh xoài, rót trà vào cốc xoài, đeo huy hiệu “Mao xoài” và hút thuốc lá hiệu “trái xoài mango”.

Ở Quý Châu, hàng nghìn nông dân tranh giành nhau bức ảnh xoài đen trắng. Điều trớ trêu là hầu hết những người cuồng xoài Trung Quốc chưa bao giờ được nếm thử trái cây này. Người khiến mọi thứ thay đổi không ai khác hơn là “Mao Chủ tịch” như được viết trong một bài thơ trên Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng, vào thời kỳ này.

“Thấy trái xoài vàng,
Như thấy Mao Chủ tịch vĩ đại!
Đứng trước trái xoài vàng,
Như đứng bên cạnh Mao Chủ tịch!
Sờ đi sờ lại trái xoài vàng,
Xoài vàng ấm áp quá!
Ngửi đi ngửi lại trái xoài vàng,
Xoài vàng sao thơm quá!”
(Nhân dân nhật báo)

Dòng chữ trên tấm áp phích năm 1968 này có nội dung “Lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch của chúng ta mãi mãi gắn kết trái tim của mình với trái tim của nhân dân”.

Câu chuyện về sự sùng bái xoài độc nhất vô nhị trong lịch sử có thể kể bắt đầu từ thời điểm mùa thu năm 1968 ở Trung Quốc đại lục, khi đại Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông lên đến cao trào. Trước đó vài năm, cuộc “Đại nhảy vọt” nhằm vượt Anh bắt kịp Mỹ cũng do Mao phát động được thúc đẩy bởi một loạt các cải cách nông nghiệp và công nghiệp cực đoan thảm khốc đã dẫn đến cái chết của khoảng 45 triệu người dân trong nạn đói lớn theo ước tính của các sử gia; uy tín trong đảo của Mao bị đe dọa nghiêm trọng. Để đoạt lại quyền lực của mình và loại bỏ các đối thủ chính trị như Đặng Tiểu Bình, Lưu Thiếu Kỳ, Năm 1966, Mao Trạch Đông đã kéo màn một vở kịch mới tàn khốc hơn chính là “đại Cách mạng Văn hóa” kêu gọi giới trẻ Trung Quốc loại bỏ tận gốc những kẻ phản động tư bản chủ nghĩa và dấu vết của cái gọi là “quá khứ phong kiến”.

Trong bối cảnh hỗn loạn và kinh hoàng của văn cách, Trung Quốc sục sôi cả thập kỷ nhằm thanh trừng đất nước cộng sản ra khỏi mọi tàn dư của tư tưởng tư sản và văn hóa truyền thống Trung Hoa năm nghìn năm. Nhiệm vụ này được hàng triệu Hồng Vệ Binh nô nức đón nhận.

Được ràng buộc duy nhất bởi lòng trung thành với Mao, Hồng Vệ binh nhanh chóng chia thành các phe phái thù địch lẫn nhau và đẩy đất nước vào bạo lực vô chính phủ. Sau hai năm mặc kệ cho máu đổ, cuối cùng Mao quyết định lập lại trật tự và cai trị đám Hồng Vệ binh điên cuồng.

Tháng 7/1968, một cuộc xung đột được gọi là “chiến tranh trăm ngày” đã nổ ra tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, hai nhóm Hồng Vệ binh có tên Binh đoàn tỉnh Khương Sơn và phái 414 đã ném giáo mác, gạch đá và Acid sulfuric vào nhau. Các cuộc giao tranh kéo dài khiến hơn một nửa sinh viên của trường bỏ chạy, cuối tháng 7 ngay cả Mao cũng lãnh đủ. Ngày 27/7 Mao quyết định cử 30.000 công nhân nhà máy Bắc Kinh, những người được gọi là đội công nông tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông đến Đại học Thanh Hoa để ngăn chặn cuộc xung đột, 5 công nhân thiệt mạng và hơn 700 người khác bị thương trong cuộc giao tranh hỗn loạn của sinh viên, đã khiến Mao phải chính thức giải tán Hồng Vệ binh vào ngày hôm sau, lùa lực lượng này về nông thôn.

Để cảm ơn các công nhân, người cầm lái vĩ đại đã quyết định gửi tặng cho họ một món quà, đó chính là một giỏ xoài gồm 40 quả mà ông ta vừa được Ngoại trưởng Pakistan tặng vào ngày hôm trước, nguồn cơn của câu chuyện này.

Mao chưa sẵn sàng để thử loại trái cây mới và được cho là đã tỏ ra ác cảm với nó. Bởi vậy, cũng là dịp tốt để Mao cho đi. Thông điệp chính trị của món quà này rất rõ ràng chính công nhân chứ không phải sinh viên sẽ chịu trách nhiệm về cách mạng văn hóa.

Có thể bạn chưa biết, xoài không hẳn là một loại trái cây phổ biến ở Trung Quốc khi ấy, không mấy người đã từng nghe đến xoài, chưa nói đến việc đã từng nhìn thấy. Bởi vậy nhóm công nhân lần đầu tiên nhìn thấy quả xoài đã nâng niu trái cây lạ; nhận được một thứ quý hiếm và kỳ lạ như vậy từ Chủ tịch Mao khiến mọi người vô cùng phấn khích.

Khi các công nhân quay trở lại làm việc, đại diện quân đội đã chuyển xoài đến các nhà máy kiểu mẫu, một buổi lễ lớn đã được tổ chức tại nhà máy dệt Bắc Kinh để chào đón trái cây. Xoài được phủ bằng sáp để bảo quản lâu hơn và được đặt trong khán phòng, các công nhân xếp hàng khi đi qua và cúi chào khi họ thoáng nhìn thấy nó. Vài ngày sau, khi một quả xoài bắt đầu thối rữa, nó được gọt vỏ cẩn thận rồi đun sôi phần ruột trong một nồi nước lớn, sau đó một buổi lễ khác đã được tổ chức trang nghiêm mỗi công nhân được cho húp một thìa nước đã đun sôi trái xoài thiêng. Mao được cho là đã cười khoái trí khi nghe thấy chi tiết này.

Tại cơ quan in ấn Nhân dân Bắc Kinh, các công nhân đã quyết định ngâm xoài vào trong formaldehyde để bảo quản và tôn thờ vì nhìn thấy xoài cũng như nhìn thấy Mao Chủ tịch. Sử gia Alfreda Murck nghi ngờ rằng có thể chính Mao đã không mong đợi biến xoài thành một biểu tượng sùng bái nhưng cơ hội đến thì ông ta không bỏ lỡ.

Cơ quan tuyên truyền của Đảng nằm trong tay Mao nhanh chóng sử dụng trái xoài như một biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực từ Hồng Vệ binh sang công nhân. Hình ảnh trái xoài được dán lên các áp phíc tuyên truyền thường đi kèm với khẩu hiệu rằng “giai cấp công nhân phải dẫn đầu trong mọi việc”. Một thời gian sau, xoài đã có được ánh hào quang mà không một loại quả Trung Quốc nào có được trong quá khứ.

Tại cuộc mít tinh quốc khánh năm 1968, hình ảnh nổi bật nhất là xoài khổng lồ bằng giấy bồi trên xe giễu hành trên quảng trường Thiên An Môn. Trong khi ở Cáp Nhĩ Tân tượng và ảnh Mao được đem đi diễu hành cùng các trái xoài bằng sáp bọc lụa đựng trong tủ kính nhỏ, các hộp xoài giả này cũng được phát cho hàng nghìn công nhân ở Bắc Kinh để trưng bày tại nhà của họ. Hàng đoàn xe tải đặc biệt chuyên chở xoài làm bằng nhựa, sáp và giấy bồi đi thăm quan khắp các tỉnh thành, trong khi chăn bông, cốc và khay tráng men, hộp đựng bút chì, xà phòng thơm, chậu rửa … đều được trang trí bằng hình ảnh xoài, thuốc lá hiệu trái xoài trở thành mặt hàng bán chạy nhất. Mỗi dòng sản phẩm được giới thiệu có thiết kế xoài đặc trưng đối với những công nhân không nhận được bản sao xoài bằng sáp để trưng trong nhà thì những sản phẩm này mang đến cho họ cơ hội để thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với Mao Chủ tịch. Ngay cả với người không đủ khả năng để mua vẫn có một lựa chọn rẻ tiền hơn chính là “huy hiệu xoài” có hình ảnh nhìn nghiêng của Mao với một giỏ xoài, đó là cách rẻ tiền nhất để thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh tụ cộng sản.

Trong vài năm ngắn ngủi, khi cách mạng văn hóa đập phá đền, chùa, miếu mạo, hủy tượng Phật phỉ báng thần đã thành công trong cuộc vận động tạo thần mới. Người dân không sùng kính thần, Phật nữa mà sùng bái Mao và xoài. Giáo phái xoài Mao không tự dưng mà có, nó là khoảng trống tâm linh mênh mông trong tâm trí người dân bị Mao chiếm đóng. Nhưng ẩn sau sự điên cuồng dường như tự phát của giáo phái xoài Mao này còn có một dòng chảy ngầm cưỡng chế.

Ông Trương Hoành Đồ, một nghệ sĩ sống qua Cách mạng Văn hóa nói rằng, “Tôi không biết có bao nhiêu người tôn thờ trái xoài từ tận đáy lòng.” Đó là một cách đơn giản để mọi người thể hiện lòng trung thành với Mao Trạch Đông và tự bảo vệ mình. Nếu bạn không giả vờ, bạn sẽ không chỉ bị người khác chỉ trích, bạn sẽ chết”.

Sự suy tàn của giáo phái xoài Mao

Một năm rưỡi sau khi việc thay thế Hồng Vệ binh đã đạt kết quả chắc chắn, cơn cuồng xoài ở Trung Quốc suy giảm và xoài dần bắt đầu biến mất khỏi các tuyên truyền chính thức, hình ảnh xoài không còn mang tư cách bất khả xâm phạm, một số người còn thậm chí bắt đầu sử dụng xoài sáp để làm nến khi mất điện.

Năm 1974, khi Đệ nhất phu nhân Philippin đến thăm Bắc Kinh với một hộp xoài làm quà, Giang Thanh- vợ của Mao Trạch Đông đã cố gắng khơi lại lòng tôn kính với xoài bằng cách tặng hộp xoài này cho công nhân. Sau đó, bà Giang tiếp tục đạo diễn một bộ phim tuyên truyền về đấu tranh giai cấp có tên “Bài ca xoài” nhưng Mao Trạch Đông đã chết vào tháng 9/1976 trước khi bộ phim hoàn thành. Đến tháng 10/1976, Tứ Nhân Bang bị tiêu diệt và Cách mạng Văn hóa kết thúc, với cái chết của Mao cơn sốt xoài đã mất đi; biểu tượng chính trị hào quang của trái xoài dần phai nhạt cho đến khi dần biến mất. Đó là cái kết của câu chuyện sùng xoài điên loạn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới