Thursday, January 16, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội"Miếng bánh" logistics có thể rơi vào tay doanh nghiệp ngoại

“Miếng bánh” logistics có thể rơi vào tay doanh nghiệp ngoại

Theo các doanh nghiệp Việt, thị trường logistics của Việt Nam hấp dẫn với giá trị 42 tỷ USD, chiếm 20% GDP, sân nhà này có thể rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.

Doanh nghiệp logistics vận chuyển hàng hóa xuống Cảng Cát Lái, TP.HCM

Thời gian giao phải hàng nhanh
Phát biểu tại hội thảo Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam – Con đường phía trước”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, ngành logistics Việt Nam có phát triển nhưng còn nhiều hạn chế và thách thức. Phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa có nhiều năng lực cạnh tranh. Vì vậy, dịch vụ, hàng hóa logistics của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mới ở biên giới Việt Nam, chưa thể bứt phá ra quốc tế.

Theo ông Hải, điều này cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc đẩy mạnh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khung pháp lý để thúc đẩy ngành logistics phát triển. Nhưng trước hết, muốn khắc phục hạn chế thì bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, logistics của Việt Nam đã nhìn thấy con đường phát triển xanh.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp vận tải, kho bãi của chúng ta phải thích ứng nhanh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh trong chuỗi cung ứng để nâng cao cạnh tranh. Chúng ta phải chuyển đổi số trong logistics, đặc biệt là trong vận tải, điều hành trung tâm logistics” – ông Hải nêu rõ.

Ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL cho rằng, cùng với việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thì doanh nghiệp phải chuyên biệt hóa dịch vụ của mình, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay và nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp logistics Việt Nam dịch vụ gì cũng làm nên rất khó giỏi và chuyên sâu. Trong khi đó, dịch vụ logistics cho từng loại hàng hóa thì sẽ có những yêu cầu rất khác nhau.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thì không chỉ quan tâm đến chi phí mà còn đòi hỏi yếu tố thời gian, giao hàng nhanh và an toàn.

Theo ông Brun: “Khi đa dạng hoá nhà cung cấp, doanh nghiệp còn yêu cầu giảm thời gian giao hàng. Thời gian, doanh nghiệp giao hàng nhanh sẽ tăng năng lực cạnh tranh, tạo thêm niềm tin. Doanh nghiệp làm sao để chứng minh những hàng sản xuất tại Việt Nam đều minh bạch, đảo bảm các tiêu chuẩn của việc bảo vệ môi trường”

Thị trường Logistics Việt Nam là “miếng bánh” hấp dẫn
Doanh nghiệp logistics trong nước cũng đang chuyển đổi để năng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay trong hơn 34.000 doanh nghiệp logistics của Việt Nam thì phần lớn là doanh nghiệp nghiệp nhỏ, hoạt động manh mún và phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp ngoại.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng, doanh nghiệp ngoại có nguồn lực vốn lớn, công nghệ tốt và nhiều kinh nghiệm trong kết nối chuỗi cung ứng quốc tế. Thị trường logistics của Việt Nam hấp dẫn với giá trị 42 tỷ USD, chiếm 20% GDP, sân nhà này có thể rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.

Theo bà Huệ, các doanh nghiệp logistics trong nước phải ngồi lại với nhau, phối hợp, chia sẻ và hỗ trợ nhau để phát triển. Ngành logistics hiện nay có nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ về hạ tầng, chính sách… thì trước hết các doanh nghiệp phải tự cứu mình, thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, vì đây là yêu cầu bắt buộc của thị trường.

Về phát triển kết nối hạ tầng hệ thống cảng biển cho logistics, bà Huệ đề nghị: “Những vùng kinh tế chưa tạo được hiệu ứng thu hút đầu tư tốt thì chúng ta nên mở rộng tạo điều kiện nếu chưa ra cảng biển Quốc tế được thì chúng ta mở rộng hệ thống ICD -nối dài của cảng biển, tạo sức hút nếu chúng ta làm những hạ tầng cơ bản thì sẽ sớm thu hút “đại bàng” về làm tổ”.

Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt này, để tồn tại và phát triển thì doanh nghiệp phải tăng khả năng thích ứng, chuyển đổi nhanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới