Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Vành đai và Con đường”, một tương lai… không chắc chắn

“Vành đai và Con đường”, một tương lai… không chắc chắn

Tên chính thức của “Vành đai và Con đường” là “Nhất đới, Nhất lộ”. Một chiến lược thời đại của Trung Quốc cuốn cả thế giới vào trung tâm của sự chú ý. Kể cũng là ghê gớm! Nhưng nó đang đứng trước “một tương lai không chắc chắn”.

Không chắc chắn nghĩa là nó sẽ sụp đổ, sẽ tan theo mây khói bất cứ lúc nào. Đây không phải nhận định chủ quan của riêng ai có thái độ kì thị với Trung Quốc mà là tiếng nói chung tại Hội nghị kỷ niệm 10 năm “Sáng kiến vĩ đại” này.

Sáng kiến của Sáng kiến, đó là việc tổ chức rầm rộ 10 năm ra đời “Nhất đới, Nhất lộ”. Bằng cách gì Bắc Kinh đã lôi kéo tới quê hương mình 130 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới? Cuộc đại lễ này chủ yếu là để đánh giá, tán thưởng, ký kết hợp tác. Lại cũng có vị nguyên thủ cho rằng, hãy mau đến quê hương Vạn Lý Trường Thành mà học cái cách quảng bá hình ảnh của họ trong thời toàn cầu hóa, thời trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thay thế bộ óc con người.

Cuộc “Đại hội thế giới” diễn ra trong hai ngày 17 và 18/10/2023. Đầu tiên Bắc Kinh muốn các quan khách nước ngoài tận mắt chứng kiến cái Dự án hạ tầng khổng lồ đầu tư tới hơn 1.000 tỉ USD. Công trình thế kỷ này nối liền ba châu Á-Âu-Phi, được ví như bức tượng đài phô trương sức mạnh của đất nước hơn 1,4 tỉ dân này.

Khen Trung Quốc giỏi, chuyện ấy đương nhiên. Khi nói về đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các cử tọa tai to mặt lớn đều có chung cái gật đầu thán phục. Rằng, Dự án “Vành đai và Con đường” (BRI – Belt and Road Initiative) đã gặt hái nhiều thành công trong thập niên đầu.

Có vị nguyên thủ châu Âu cho rằng, phải thấy những bước chuyển “rất đáng kinh ngạc” của BRI. Kinh ngạc ở chỗ, hơn 150 quốc gia đã tham gia, Liên Âu vốn bao gồm những quốc gia “khó tính” nhưng cũng đã có 18 trong số 27 tham gia vào Dự án.

Không còn nghi ngờ gì nữa, giờ đây Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của khối các nước đang phát triển. Dự án còn mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều nước đang phát triển. Rất nhiều tuyến đường bộ và đường sắt đã mọc lên nhờ có BRI.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian 5 năm vừa qua, đà tiến của Vành đai và Con đường đã khựng lại. Trung Quốc phải “chữa cháy” bằng cách mở rộng mạnh mẽ hoạt động cho vay “giải cứu”, trong bối cảnh BRI bị cho là thất bại sau một loạt vụ xoá nợ, những dự án ngập bê bối và các cáo buộc tham nhũng ở những quốc gia tham gia Sáng kiến.

Chướng ngại vật ở đây là gì? Điều dễ thấy là khoản nợ khó đòi, nếu không muốn nói là mất trắng. Báo The Economist phân tích: “Trong những năm đầu của chương trình, Trung Quốc đã cho các nước nghèo vay một cách hào phóng mà không có những đánh giá rủi ro thích hợp. Nhiều khoản vay trong số đó hiện đã trở nên khó đòi, buộc Bắc Kinh phải thận trọng hơn.

Mặc dù BRI đã thu hút 1.000 tỉ USD trong thập niên đầu tiên và đạt đỉnh vào năm 2018, với 120 tỷ USD đầu tư, nhưng đến nay đã giảm gần một nửa so với thời kỳ hoàng kim. Chẳng những không đòi được nợ mà ông chủ Trung Quốc còn bị cáo buộc là bên cho vay “vô trách nhiệm”. Người ta quy kết, Trung Quốc đã làm cho nhiều quốc gia vỡ nợ, hoặc lọt vào “bẫy nợ”.

Việc đầu tư xây dựng ở Sri Lanka là một minh chứng. Những công trình được xây dựng rất tốn kém nhưng “chẳng để làm gì” như cảng Hambantota và tháp Lotus được xem là biểu tượng cho cuộc khủng hoảng nợ của nước này. Còn ở Ecuador, tại con đập thủy điện khổng lồ Coca Codo Sinclair đã xuất hiện hơn 7.000 vết nứt, phá nát kết cấu của đập. Đập này do nhà thầu Trung Quốc thiết kế và xây dựng gần… ngọn núi lửa đang hoạt động.

Một chướng ngại vật trực tiếp nhất là sự ghẻ lạnh của Mỹ. Đòn trừng phạt kinh tế dai dẳng và quy mô ngày càng lớn của Mỹ khiến cho quan hệ hai nước rơi với thế đối đầu. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới Đại Dự án của Bắc Kinh.

Trước những cú thôi sơn khiến cho chàng hiệp sĩ BRI hoa mày chóng mặt, ông chủ lớn ở Trung Nam Hải buộc phải tính toán. Trước hết là quyết định không thể dàn trải các đầu tư. Làm như thế sẽ đỡ phải tung thêm nguồn vốn vay khổng lồ và có điều kiện thu hồi số tiền đã cho vay còn tồn đọng. Thu hồi được vốn lại phải ưu tiên tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ.

Một hướng tiếp cận mới của Trung Quốc là, bổ sung các tiêu chuẩn quốc tế về sinh thái, xã hội. Theo đó, những “Con đường Tơ lụa mới” sẽ có những thay đổi đáng kể. Các dự án sẽ phải đáp ứng các nhu cầu đặc thù hơn, hoặc phải chấp nhận các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn và bảo vệ sinh thái hơn.

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn cổ súy cho quan điểm lên án phương Tây thống trị thế giới. Bắc Kinh cùng chung quan điểm với Moscow trong việc xây dựng một “Trật tự thế giới mới”. Theo hướng điều chỉnh đó, Trung Quốc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế như là một “phản ứng tích cực”.

Để cứu vãn những sai lầm của Dự án BRI, tháng 9/1921, Trung Quốc công bố “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (Global Develop¬ment Initiative), tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo các nhà bính luận quốc tế, đây là nỗ lực rất lớn của Trung Quốc, coi trọng song phương nhưng thừa nhận cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế.

Mặc dù Bắc Kinh đã tung chưởng mới nhưng tại Hội nghị vừa rồi, các nguyên thủ, các nhà ngoại giao nhận rõ một điều, rằng nước chủ nhà còn lúng túng lắm. Những giải pháp được đặt ra mang tính chính trị nhiều hơn. “Sáng kiến toàn cầu’’ chẳng qua chỉ là sự nối dài của chính sách trong nước.

Theo chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Trung Á Niva Yau (trung tâm tư vấn Atlantic Council): “BRI chỉ là bước đầu tiên trong chiến lược xây dựng trật tự thế giới mới của Trung Quốc”. Đây là một nhận định có cơ sở. Các vấn nạn về tham nhũng, hủy hoại môi trường và nợ không bền vững của các dự án BRI đã buộc Trung Quốc phải tìm cách sửa đổi. Có điều các sáng kiến mới đây, như Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã triển khai trong hai năm qua không nhằm mục tiêu thay thế BRI. Nó chỉ là những bổ sung cho tham vọng áp đặt các mục tiêu toàn cầu của Trung Quốc.

Và thế giới một lần nữa lại nhắc nhau cảnh giác, bởi tuy nói rằng “Một Vành đai, một Con đường” nhưng người dân Trung Quốc còn lâu mới được tự do trong một xã hội không cởi mở. Tầm nhìn toàn cầu của Trung Quốc không phải là tầm nhìn thời đại mà nó chỉ được xây dựng trên nền tảng của các chính sách trong nước, hướng tới mục tiêu cao nhất bá chủ thế giới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới