Đó là tham vọng chấm dứt chiến tranh trên Dải Gaza, đem lại hòa bình không chỉ cho Palestin, Israel mà là cho cả Khu vực Trung Đông. Trung Quốc, trong thế kỷ XXI tự xác định vị trí trung tâm của một cường quốc, phải có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế quan trọng.
Bắc Kinh đầy hào hứng và tự tin ở vị trí của một ông anh hào hiệp là vì gần đây “người hùng” Trung Quốc đã dàn xếp xong những bất hòa giữ Ả- rập Xê-út (Arab Saudi) và Iran. Tại Bắc Kinh, hôm 10/3/2023, Ả-rập Xê-út và Iran đã ký thoả thuận về bình thường hoá quan hệ song phương. Đây được coi là thời khắc mang tính thay đổi cuộc chơi đối với Trung Đông sau những thập niên đối đầu. Điều này cũng khẳng định ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở vùng đất nhiều dầu mỏ.
Trung Quốc cũng thường xuyên lên tiếng về những giải pháp chấp dứt cuộc chiến Nga-Ukraine khi đã gần hai năm trôi qua nhưng căng thẳng giữa hai bên chưa hạ nhiệt, khi mà cuộc tổng phản công của Ukraine đã “thất bại hoàn toàn”- theo nhận định của Tổng thống Nga Putin. Nếu giải pháp đàm phán hòa bình mà Bắc Kinh đưa ra được thực hiện và đem lại kết quả thì Trung Quốc đã thật sự là sứ giả hòa bình.
Vậy lần này, một phép thử mới, Bắc Kinh có thể đóng góp được gì để vãn hồi hòa bình trong khu vực? Thông điệp được đưa ra của Trung Quốc vẫn là những cụm từ bằng chằn chặn, dễ nhớ và… khó làm. Thông điệp như sau: “Đồng thuận quốc tế, chấm dứt giao tranh, hạ nhiệt tình hình, tạo điều kiện tốt”.
Còn theo diễn giải của Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh thì mục tiêu của ông Trạch Tuyển – Đặc phái viên của chính phủ đang ngược xuôi qua các thủ đô các quốc gia Ả Rập – là: “Chúng tôi hướng tới việc tập hợp sự đồng thuận quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan chấm dứt giao tranh, hạ nhiệt tình hình và tạo điều kiện cần thiết cho giải pháp chính trị”.
Trong một Thông cáo đặc biệt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có câu: “Hiện tại, Trung Quốc đang liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan trong cộng đồng quốc tế để thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt tình trạng thù địch”.
Thông báo này bám sát “ý chỉ” của nhà lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình. Hôm 19/10, tiếp Thủ tướng Ai Cập Moustafa al-Madbouly bên lề Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, ông Tập với vẻ mặt đầy xót xa, thương cảm, nói rằng: “Chúng tôi mong muốn mang lại nhiều hơn nữa sự ổn định cho Trung Đông”.
Tại sao lại là cuộc tiếp đón nhà lãnh đạo Ai Cập? Là vì Ai Cập có một vị trí chiến lược trong cuộc chiến nóng bỏng này; có quan hệ “tay ba” với cả Israen, Palestin và lực lượng Hamas. Ai Cập có chung đường biên giới dài hơn 250 km với nhà nước Do Thái; đường biên giới dài 11km với dải Gaza do Hamas kiểm soát. Hiện chỉ có duy nhất Cửa khẩu Rafah của Ai Cập có thể chuyển hàng cứu trợ nhân đạo từ Ai Cập vào Dải Gaza.
Tranh thủ cơ hội tốt (tất nhiên đó là cơ hội không ai mong muốn) – cuộc xung đột, leo thang căng thẳng ở Trung Đông- Trung Quốc thể hiện vai trò ngoại giao của một cường quốc. Qua đây nước này muốn chứng tỏ rằng, chúng tôi là một tác nhân đáng tin cậy trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp, quan trọng. Khi uy tín của Trung Quốc lên cao đồng nghĩa với việc uy tín của Mỹ thấp xuống. Bởi Mỹ đang mất đi vị thế và uy tín trong thế giới Ả Rập, kể từ sau các sự kiện ở Iraq, và gần đây là ở Afghanistan.
Bồi thêm đòn chính trị-ngoại giao, Trung Quốc nhận rõ khoảng trống ảnh hưởng ở đó và tham vọng… lấp đầy. Tình hình lúc này có vẻ như lý tưởng cho Trung Quốc, bởi Mỹ được coi là đồng minh lớn của Israel nhưng sẽ rất khó thuyết phục người Ả Rập.
Phép hòa giải này của Trung Quốc vốn không lạ, bởi từ lâu nước này biết cách luồn lách, thỏa hiệp qua các mối liên hệ chồng chéo trong một khu vực đầy phức tạp về địa chính trị, cũng như về tôn giáo. Như chúng ta đều biết, nguồn gốc sâu xa của cuộc xung đột Israel – Palestine bắt nguồn từ mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng từ xa xưa trong lịch sử, liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa.
Và lần này mâu thuẫn tích tụ cao hơn, bị chi phối nhiều hơn từ các thế lực chính trị, cho nên muốn hóa giải cuộc xung đột Israel – Hamas không hề đơn giản, khi bối cảnh hoàn toàn khác. Các nước Ả Rập chỉ đóng vai trò tạo cầu nối. Trung Quốc muốn giữ vai trò hòa giải thì phải làm trung gian giữa Chính quyền Palestine- Israel – Phong trào Hồi giáo Hamas.
Trung gian hai bên đã khó. Trung gian ba bên càng khó khăn gấp bội. Trong khi lợi ích của Trung Quốc ở Israel, ở Dải Gaza tạm gọi là ngang bằng. Trung Quốc ủng hộ Palestine đòi được công nhận là một Nhà nước có chủ quyền đầy đủ, đồng thời Trung Quốc lại có quan hệ kinh tế khăng khít với nhà nước Do Thái (là đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này). Có một điểm gây đau đầu chính quyền Bắc Kinh là, Nhà nước Do thái lại là đồng minh thân cận của Mỹ. Trong khi đó, Washington đã và đang hậu thuẫn hết mình cho Israel trong cuộc trừng phạt Hamas.
Dù sao Bắc Kinh vẫn đang leo dây. Cái dây vừa trơn vừa dài là phép thử cho tham vọng quốc tế của họ. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành “Thủ lĩnh của mặt trận mới”, mặt trận ấy nhằm chống lại phương Tây, tạo dựng một trật tự thế giới mới. Ngày nay, Trung Quốc đã từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” và chuyển sang “hành động thể hiện”.
Đương nhiên, để trở thành bá chủ thế giới, Trung Quốc còn phải ráo riết thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, bởi Biển Đông là vùng biển giàu có, vùng biển chiến lược quan trọng nhất trên thế giới.
H.Đ