Căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, từ việc “ăn miếng trả miếng” trong áp thuế tới đối đầu về công nghệ đã ảnh hưởng tới thị trường thế giới.
Các nước phương Tây, trong đó cơ Mỹ và châu Âu, nhiều lần lên tiếng khẳng định không muốn “tách rời” nền kinh tế với Trung Quốc. Theo đó, thuật ngữ được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sử dụng để mô tả chính sách phương Tây với Bắc Kinh là “giảm thiểu rủi ro”. Các chính phủ phương Tây đã đưa ra quan điểm đồng nhất về vấn đề này, muốn giảm thiểu rủi ro an ninh vốn có trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Xu hướng “tách rời”
Theo SCMP, các chính phủ phương Tây từng nhận định việc “tách rời” Trung Quốc sẽ gây ra nhiều rủi ro lớn. Tuy nhiên, “tách rời” không có nghĩa là đột ngột cắt đứt toàn bộ mối quan hệ mà là một quá trình.
Khi đối đầu căng thẳng trong lĩnh vực kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây gia tăng, SCMP cho rằng việc “tách rời” là một quá trình và quá trình này đang diễn ra.
Hiện nay, đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chủ chốt ở Trung Quốc đã giảm mạnh và rạn nứt trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung ngày càng sâu sắc hơn kể từ năm 2018. Lĩnh vực chất bán dẫn toàn cầu đang trải qua quá trình tái cơ cấu cơ bản, dần chuyển khỏi thị trường Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Và theo một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào giữa các quốc gia có liên kết về mặt địa chính trị thay vì các quốc gia có vị trí địa lý gần nhau.
Quá trình “tách rời” khó có khả năng chậm lại. Nhiều công ty đa quốc gia dự đoán sự tách rời giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Các doanh nghiệp đã phải học cách thích nghi với các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt của phương Tây. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn phải thu hẹp hợp tác thương mại nhằm tránh nguy cơ bị gián đoạn hoạt động.
Mối quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc vẫn tương đối ổn định song cũng đã xuất hiện những rạn nứt. Hầu hết các chính sách giảm rủi ro của Brussels sẽ gây ra sự chia rẽ ở mức độ nào đó đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Trong trường hợp có các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư gia tăng thì những rạn nứt này ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Trong đó, các rào cản pháp lý được xây dựng để ngăn chặn dòng hàng hóa và vốn chảy vào Trung Quốc.
Thay vì đưa chuỗi cung ứng về nước, các dự án hợp tác như liên minh Chip 4 do Mỹ triển khai và Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản lại có sự điều chỉnh mục thương mại từ Trung Quốc sang các đồng minh đáng tin cậy. Việc chuyển chuỗi cung ứng sang một nhóm các quốc gia thân thiện sẽ khiến hoạt động trao đổi với Trung Quốc sẽ bị ngừng lại.
Sự đối đầu về mặt kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đã kéo theo những thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu. Trong đó, xu hướng giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang làm suy yếu chuỗi cung ứng, kéo theo các vấn đề về lạm phát và lãi suất tăng cao
Sự thay đổi trên thị trường toàn cầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm đưa hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực chiến lược như xe điện và chất bán dẫn trở lại Mỹ. Trong đó TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang Đức để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc của các công ty đa quốc gia.
Nghiên cứu của Goldman Sachs cho thấy việc đưa sản xuất về nước có thể gây ra hậu quả lạm phát, đặc biệt nếu ngành sản xuất của phương Tây không tăng trưởng đủ nhanh để bù đắp cho lượng nhập khẩu giảm.
Wouter Sturkenboom, chiến lược gia đầu tư chính của EMEA và APAC tại Northern Trust cho biết: “Chúng tôi xây dựng một thế giới toàn cầu hóa vì hai lý do: Hiệu quả và tiết kiệm. Nếu chúng tôi loại bỏ một số thứ đó, chi phí sẽ tăng lên”.
Lạm phát kéo dài ở Mỹ cũng có nghĩa là lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn. Khi giá trị đồng USD tăng, lạm phát cũng sẽ tăng tại các quốc gia nhập khẩu tài nguyên ở châu Âu khi họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa định giá bằng USD.
Mặt khác, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của các thương hiệu xa xỉ, các hãng thời trang phương Tây cũng không tránh được vòng xoáy đối đầu này. Cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố sẽ loại bỏ các thương hiệu xa xỉ của giới tinh hoa phương Tây. Các ngân hàng Trung Quốc cũng yêu cầu nhân viên không mặc đồ châu Âu xa xỉ khi đi làm.
Các nhà phân tích Carole Madjo và Wendy Liu của Barclays cho biết: “Mức độ giám sát mạnh mẽ của chính quyền Trung Quốc bắt đầu chi phối cả hoạt động của những người tiêu dùng giàu có ở nước này”.
Cổ phiếu của ngành thời trang tăng vọt khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 vào đầu năm 2023. Kể từ đó, khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm và căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng, cổ phiếu trong lĩnh vực này sụt giảm. Cổ phiếu ngành thời trang ở châu Âu do đó cũng giảm 16% trong quý 3/2023.
Điểm sáng từ đối đầu phương Tây – Trung Quốc
Khi căng thẳng giữa Mỹ – Trung ngày càng leo thang, nhiều nhà quan sát lo ngại sự cạnh tranh này có nguy cơ chia thế giới thành hai. Dù vậy, trên thực tế chỉ có một vài quốc gia phụ thuộc sâu vào Trung Quốc hoặc Mỹ hứng chịu ảnh hưởng, trong khi phần lớn các quốc gia từ chối chọn phe, thay vào đó những nước này tối đa hóa lợi ích lan tỏa từ cả hai.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trên thế giới. Do đó, Mỹ khó có thể hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế, ngoại trừ một số lĩnh vực nhạy cảm như công nhệ, trí tuệ nhân tạo…
Anna Rosenberg, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại Viện Đầu tư Amundi, cho biết căng thẳng Trung – Mỹ cung cấp “lăng kính mới” để phân tích triển vọng tăng trưởng của các thị trường mới nổi.
Theo đó, trong bối cảnh đối đầu gia tăng với Trung Quốc, Washington đang thúc đẩy xu hướng “kết bạn” nhằm tìm các thay thế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng bằng các quốc gia thân thiện hơn với Mỹ. Và điều này đã đem đến nhiều cơ hội mới cho các thị trường mới nổi.
Nghiên cứu của bà Laura Alfaro, đến từ Trường Kinh doanh Harvard, cho thấy Việt Nam và Mexico hiện là những nước được hưởng lợi chính từ sự thay đổi chuỗi cung ứng của Mỹ.
Trong khi đó, Mông Cổ đang tìm kiếm các khoản đầu tư từ Mỹ vào các hoạt động khai thác đất hiếm, vật liệu dùng trong sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh. Philippines thi đang thu hút khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Mỹ.