Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnThủ tướng: GDP năm 2023 tăng trên 5%

Thủ tướng: GDP năm 2023 tăng trên 5%

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, GDP năm nay chỉ tăng trên 5%, thấp hơn mức Quốc hội giao, do nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có, bất chấp các nỗ lực tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 23/10.


Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV sáng 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%.

Nỗ lực GPD năm 2023 đạt 5%

Theo đánh giá của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%), nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Báo cáo mới nhất của IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của toàn thế giới là 3%.

Năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thủ tướng thông tin, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng. Ngân sách đang tiết kiệm được 560.000 tỷ đồng dành để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024 – 2026).

Tuy vậy, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận, kinh tế chịu tác động từ yếu tố bất lợi bên ngoài, hạn chế bên trong kéo dài nhiều năm. Sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Trước khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

“Chính phủ nỗ lực phấn đấu, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5% (mức này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao (6,5%). Lạm phát khoảng 3,5-4%”, Thủ tướng nói.

Phấn đấu GDP bình quân đầu người 2024 đạt hơn 4.700 USD

Đề cập nhiệm vụ những tháng cuối năm, người đứng đầu Chính phủ nhận định cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Năm 2024, Thủ tướng nhận định, nền kinh tế dự báo vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn. Chính phủ đặt mục tiêu năm sau, với GDP tăng 6 – 6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.700 – 4.730 USD và lạm phát 4 – 4,5%. Tín dụng tăng trưởng trên 15%; giải ngân đầu tư công trên 95% kế hoạch; giảm 10% chi phí tuân thủ tục hành chính trong kinh doanh.

Thủ tướng cam kết “kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”.

Ngoài điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, mở rộng hợp lý chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và xử lý nợ xấu, chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Cùng đó, thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025. Riêng đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được Chính phủ trình cấp thẩm quyền trong năm sau.

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng phân cấp, phân quyền và chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cải cách tiền lương từ tháng 7/2024

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng…

“Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000km vào năm 2025”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trong năm 2024.

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công từ ngày 1/7/2024. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.

“Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới