Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinNhà khoa học TQ hơn Mỹ trong công nghệ bội siêu thanh

Nhà khoa học TQ hơn Mỹ trong công nghệ bội siêu thanh

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố thử nghiệm thành công vật liệu bề mặt dành cho phương tiện bội siêu thanh, mà trước đây được cho là không thể đạt được.

Các nhà khoa học tham gia dự án cho biết Trung Quốc đã phát triển loại vật liệu bề mặt mới cho phương tiện bội siêu thanh nhằm đảm bảo nó vẫn nguyên vẹn sau một chuyến bay dài. Công nghệ này trước đây được cho là không thể đạt được, theo tờ South China Morning Post.

Trong một cuộc thử nghiệm do quân đội Trung Quốc tiến hành, vật liệu mỏng này đã được dán lên bề mặt của phương tiện bay bội siêu thanh “lướt sóng xung kích” (waverider). Loại máy bay này sử dụng sóng xung kích do chính chuyến bay của nó tạo ra để cải thiện lực nâng. Mức nhiệt tỏa ra xung quanh phương tiện này đó đã đạt đến hàng nghìn độ C.

Theo phân tích dữ liệu đo từ xa, vật liệu có bề mặt nhẵn, không bị mài mòn đã không chỉ giữ mát cho các bộ phận quan trọng bên trong máy bay mà còn cho phép tín hiệu không dây ra vào không giới hạn. Yếu tố này đảm bảo việc nhận dạng và liên lạc trong suốt chuyến bay được diễn ra thuận lợi.
“Chuyến bay thử nghiệm đã kết thúc thành công hoàn toàn”, nhóm nghiên cứu chia sẻ trên tạp chí Physics of Gases được bình duyệt vào tháng trước. Nhóm không tiết lộ thời gian và địa điểm của cuộc thử nghiệm.

Công nghệ mới được kỳ vọng sẽ giúp phát triển một thế hệ phương tiện bội siêu thanh có thể tái sử dụng với tầm bay xa hơn và tốc độ nhanh hơn, theo ông Nghệ Bang Thành, phó giám đốc Học viện Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, trưởng nhóm nghiên cứu.

Ông Nghệ cùng các cộng sự nói thêm rằng cuộc đua bội siêu thanh đã chuyển sang một giai đoạn mới với “những thách thức và cơ hội to lớn”.

Với tên lửa đạn đạo truyền thống, đầu đạn có thể đạt tốc độ siêu tốc – gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh – trước khi rơi xuống mục tiêu. Tuy nhiên, những chuyến bay bội siêu thanh này rất ngắn, thường chỉ kéo dài vài phút.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và quân đội Mỹ trước đây đã triển khai nhiều dự án nhằm phát triển các phương tiện bội siêu thanh có thể thường xuyên thực hiện các chuyến bay đường dài, như máy bay phản lực.

Tuy nhiên, sau một số thất bại, các dự án này đã bị hủy bỏ, và một trong những lý do chính là không có vật liệu nào có thể còn nguyên vẹn trên bề mặt máy bay sau bất kỳ chuyến bay siêu thanh nào kéo dài 1 giờ trở lên.

Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã hồi sinh chương trình bội siêu thanh nhưng vẫn gặp một số khó khăn. Theo báo cáo gửi đến các chính trị gia của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vào tháng 1, hư hỏng do nhiệt vẫn là vấn đề đau đầu nhất đối với các nhà phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ.

Báo cáo cho biết: “Thách thức cơ bản còn lại bao gồm việc quản lý nhiệt độ cực cao mà tên lửa bội siêu thanh phải đối mặt khi di chuyển với tốc độ cao trong bầu khí quyển trong phần lớn hành trình của chúng”. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng đang tìm cách giảm chi phí trong ngành tên lửa bội siêu thanh, theo trang Defense News.

Trung Quốc, Nga vượt qua Mỹ trong cuộc đua vũ khí bội siêu thanh?

Sau khi đạt được thành công bước đầu, nhóm nhà khoa học Trung Quốc cho biết, giai đoạn thứ 2 của cuộc đua bội siêu thanh tập trung vào phát triển các nền tảng tầm xa, có thể tái sử dụng, sẽ có cả ứng dụng quân sự và dân sự.

Đối với quân đội, những chiếc máy bay bội siêu thanh này có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, thả bom, đánh chặn các máy bay tàng hình hoặc vận chuyển một nhóm nhỏ lực lượng đặc nhiệm đến bất kỳ địa điểm nào trên hành tinh trong 1-2 giờ.

RELATED ARTICLES

Tin mới