Monday, October 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNguồn gốc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương dân tộc đối...

Nguồn gốc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương dân tộc đối nghịch ở TQ

Lịch sử người Duy Ngô Nhĩ là câu chuyện về một bộ lạc du mục nhỏ từ dãy núi Altai đã cạnh tranh với các thế lực đối địch khác trong khu vực, như là các đế chế Ấn Độ ở phía Nam và phía Tây, cùng với các đế chế Tây Tạng ở phía Đông, để thành lập nên Hãn quốc Duy Ngô Nhĩ vào năm 744.

Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Nguồn gốc người Duy Ngô Nhĩ

Thời hoàng kim, Hãn quốc này đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn lên tới 3,1 triệu km2. Năm 840, do phải chịu nhiều tổn thất từ nạn đói và nội chiến, Hãn quốc Duy Ngô Nhĩ bị liên minh của nhà Đường Trung Quốc và người Kyrgyz (một nhóm dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ khác) xâm chiếm. Trước sự sụp đổ của Hãn quốc này, phần lớn các nhóm bộ lạc trước đây nằm dưới sự kiểm soát của người Duy Ngô Nhĩ đã di cư đến khu vực Tây Bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở lưu vực Tarim của Tân Cương hiện tại. Từ đó nơi này trở thành quê hương mới của họ đến tận ngày nay, với tên gọi là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu bị Hồi giáo hóa vào thế kỷ thứ 10. Đến thế kỷ 16, trở thành một cộng đồng Hồi giáo thực thụ với những ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa và bản sắc dân tộc. Ước tính hiện nay trên thế giới có khoảng 13,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang sinh sống tại nhiều quốc gia khác nhau, nhưng vùng Tân Cương của Trung Quốc lại là nơi mà dân tộc này tập trung đông đúc nhất, với hơn 11,6 triệu người, 80% người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương vẫn sống tại lưu vực Tarim, phần còn lại hầu hết sống ở Urumqi, là thủ phủ của khu tự trị này.

Bên cạnh cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc còn hơn 5.000 người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại tỉnh Hồ Nam, chủ yếu là ở quanh huyện Đào Viên và các khu vực khác thuộc thành phố Thường Đức. Tuy nhiên, người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực này không sùng đạo lắm, vẫn ăn thịt lợn. Họ cũng không nói tiếng Duy Ngô Nhĩ mà nói tiếng Trung Quốc và tiếng Ả Rập. Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ hải ngoại chủ yếu tập trung tại các quốc gia lân cận Tân Cương như là Kazakhstan (với 223.000 người) và Pakistan (200.000 người), Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng từ 100.000 cho đến 300.000 người), Tajikistan (60.000 người) và Uzbekistan (48.000 người). Một số nhỏ hơn sinh sống ở Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út, Jordan, Nga, Nhật Bản, Thụy Điển…

Những nét đặc trưng của người Duy Ngô Nhĩ

Các bản thảo và tài liệu được phát hiện ở Tân Cương đã cho thấy một nền văn minh phát triển cao của người Duy Ngô Nhĩ. Văn hóa của họ đã tồn tại ở vùng Trung Á trong hơn 1000 năm kể từ khi tách khỏi nhà Đường vào thế kỷ thứ 8. Nhưng lại mờ đi rất nhanh chóng khi bị nhà Thanh đánh chiếm. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ XX, các nhà thám hiểm, khoa học và khảo cổ đã phát hiện ra rất nhiều đền thờ trong các hang động, các di tích tu viện, tranh tường cũng như các bức tượng quý giá được người Duy Ngô Nhĩ cổ để lại tại khu vực lịch sử ở Tân Cương. Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật được tìm thấy ở đây tinh xảo đến mức khiến cho nhiều nhà nghiên cứu châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản phải ngả mũ thán phục.

Trong nhiều thế kỷ, người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng với nền âm nhạc sôi động và các điệu nhảy ấn tượng, trong đó, Xa Nam là một điệu nhảy dân gian phổ biến được biểu diễn trong các đám cưới, các dịp lễ hội, hay những bữa tiệc đặc biệt. Âm nhạc Xa Nam thường được mở đầu một cách chậm rãi, sau đó truyền dần qua tiết tấu nhanh hơn, và càng về cuối các điệu nhảy càng trở nên sôi động và hấp dẫn.

Ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ là tiếng Uyghur , hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ so với tiếng Trung Quốc, vì đây là một nhánh của ngữ hệ Thương Kích, được viết bằng chữ Ba Tư Ả Rập. Thời gian gần đây, tiếng Uyghur đang chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tiếng Nga và tiếng Quan Thoại.

Đa số người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hiện nay đều là người theo dòng Hồi giáo Sunni, và họ cũng là dân tộc theo đạo Hồi lần thứ hai ở Trung Quốc sau người Hồi Ninh Hạ. Trong khi người Hồi có ngoại hình và văn hóa giốngvới người Hán, người Duy Ngô Nhĩ lại hoàn toàn ngược lại với những đặc điểm rất khác biệt và dễ bị nhầm lẫn với người nước ngoài.

Phần lớn người Duy Ngô Nhĩ có vẻ bề ngoài cuốn hút, với nước da trắng, gương mặt thanh tú, mắt to và sâu, lông mày dài và rậm, sống mũi cao và thẳng, cùng với dáng người rất Tây. Điều này có lẽ là kết quả của sự pha trộn huyết thống giữa các tộc người Ả Rập, La Mã, Hy Lạp và Ba Tư trên con đường tơ lụa trong suốt 1000 năm.

Cũng vì vậy mà vùng đất Tân Cương hoang vu từ lâu đã nổi tiếng là nơi sinh sản ra nhiều mỹ nữ và được mệnh danh là tuyệt sắc giai nhân, trong đó, có những cái tên nổi tiếng hiện nay như Địch Lệ Nhiệt Ba, Cổ Lực Na Trát và Mạch Địch Na…

Vấn đề giữa Trung Quốc và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Xung đột giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Duy Ngô Nhĩ và chính quyền Trung Quốc luôn là một chủ đề nóng ở đất nước tỷ dân. Có rất nhiều lý do dẫn đến xung đột này, nhưng nguyên nhân khởi nguồn là từ những tranh cãi về lịch sử của người Duy Ngô Nhĩ.

Lập luận của người Duy Ngô Nhĩ

Các nhà sử học Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã luôn cho rằng, người Duy Ngô Nhĩ có lịch sử lâu đời ở Tân Cương là những cư dân bản địa sinh sống trên vùng đất này. Tuy nhiên, từ khi Tân Cương bị cai trị bởi nhà Thanh vào thế kỷ 18, sau đó được thay thế bởi Trung Hoa Dân quốc, cuối cùng là một khu tự trị của Trung Quốc vào năm 1955, người Duy Ngô Nhĩ đã nhiều lần bị đàn áp.

Từ năm 1949, khi quân đội của Mao Trạch Đông nắm quyền kiểm soát Tân Cương, tình trạng di cư ra nước ngoài của người Duy Ngô Nhĩ tăng lên đáng kể. Các làn sóng di cư xảy ra trong nạn đói lớn vào những năm 1950 và 1960, sau đó là Cách mạng Văn hóa đẫm máu.

Hàng trăm nghìn hoặc có thể là hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã trốn sang các nước láng giềng Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Một số khác trốn sang Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Những căng thẳng chính trị mới trong những năm gần đây khiến hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã tiếp tục trốn sang Châu Âu hơn 1.000 người đến Hoa Kỳ. Dân số Duy Ngô Nhĩ ở Hoa Kỳ kể từ đó đã tăng lên ít nhất 9.000 người vào năm 2015.

Người Duy Ngô Nhĩ cho rằng chính phủ Trung Quốc không khuyến khích việc thờ cúng tôn giáo của họ và đã phá hủy hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo, bao gồm cả những công trình lịch sử quan trọng từng có thời gian phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ bị cấm không được che tóc vào mặt theo tín ngưỡng của họ. Trẻ em cũng không được học tiếng Duy Ngô Nhĩ và phải học tiếng Phổ thông của người Hán.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện chính sách là đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ khi chính quyền nước này đã khuyến khích hoặc cưỡng bức một số lượng lớn người Hán di dời tới Tân Cương để sinh sống và làm việc. Nếu như năm 1949, người Duy Ngô Nhĩ vẫn còn chiếm khoảng 76% dân số Tân Cương, trong khi người Hán chỉ chiếm 7%, đến năm 2018, dân số người Hán đã tăng lên 40%, tương đương khoảng 9 triệu người. Ngược lại, tỷ lệ người Duy Ngô Nhĩ đã giảm xuống còn 51%, tương đương với khoảng 12,7 triệu người. Hơn nữa, người Hán còn được ưu tiên nắm giữ bộ máy hành chính, chỉ huy quân đội và làm chủ các cơ sở thương mại, trong khi người Duy Ngô Nhĩ vẫn theo các nghề nghiệp truyền thống, chủ yếu là nông nghiệp.

Tuy được gọi là khu tự trị, nhưng rõ ràng vùng đất Tân Cương đang bị chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cai trị trực tiếp, khắt khe hơn những khu tự trị khác trong nước. Người Duy Ngô Nhĩ đã vô cùng bức xúc và cho rằng họ đang dần trở thành những người lạ trên chính quê hương của mình. Đặc biệt vào năm 2017, người Duy Ngô Nhĩ đã tố cáo Trung Quốc ngược đãi và bắt giữ hàng triệu người dân của họ mà không có bất cứ cơ sở pháp lý cụ thể nào.

Tính đến năm 2020, người ta ước tính trong các trại tập trung của Trung Quốc có tới 1,8 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, nhưng cũng bao gồm cả người Kazakhstan, Kyrgyzstan và các sắc tộc Thổ Nhĩ Kỳ khác.

Năm 2019, có một số báo cáo về việc triệt sản bắt buộc ở Tân Cương. Nhiều phụ nữ của dân tộc này nói rằng họ bị chính quyền cưỡng bức triệt sản bằng cách thắt ống dẫn trứng, bị ép uống thuốc tránh thai hoặc tiêm chất lỏng mà không có lời giải thích nào. Kết quả là vào năm 2019, tỷ lệ sinh ở Tân Cương đã giảm 24% so với năm trước đó. Đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức 4,2% trên toàn đất nước Trung Quốc. Cùng với đó là việc tổ chức chương trình ghép đôi trở thành gia đình người Duy Ngô Nhĩ coi đây là một hành động không thể chấp nhận gọi nó là chiến dịch hiếp dâm tập thể trá hình của Trung Quốc. Nó thể hiện ở việc chính quyền đã bắt buộc hơn 1 triệu người đàn ông Hán phải chung sống với các gia đình người Duy Ngô Nhĩ khi mà phần lớn chồng của họ đang bị giam giữ trong các trại tập trung.

Trung Quốc cũng vướng vào cáo buộc sử dụng cưỡng lao động người Duy Ngô Nhĩ. Theo một báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc công bố, có ít nhất 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị buộc rời khỏi Tân Cương vì mục đích lao động cưỡng bức tại ít nhất 27 nhà máy trên khắp Trung Quốc. Song song với việc giam giữ hàng triệu người lớn, chỉ tính riêng trong năm 2017, ít nhất 500.000 trẻ em Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng bức tách khỏi gia đình và đưa vào các trại mầm non với hệ thống giám sát theo kiểu nhà tù, những người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài Trung Quốc, cũng bị chính quyền dùng gia đình để gây áp lực, bắt phải trở về.

Trước sự đàn áp trên, vào ngày 6/7/2020, Chính phủ Lưu vong Đông Turkestan của người Duy Ngô Nhĩ và Phong trào Thức tỉnh Dân tộc Đông Turkestan đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế (gọi tắt là ICC), kêu gọi cơ quan này điều tra và truy tố các cơ quan chức năng Trung Quốc về tội diệt chủng và các tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã không được chấp nhận vì ICC không có quyền can thiệp vào vấn đề của Trung Quốc.

Lý lẽ của Trung Quốc

Khác với những gì người Duy Ngô Nhĩ nói, Trung Quốc cho rằng người Hán mới thực sự là những người bản địa tại Tân Cương, bởi họ đã ở đó trước khi người Duy Ngô Nhĩ tới. Ngoài ra, quan điểm chính thức của Trung Quốc đã được ghi nhận trong cuốn sách Lịch sử và Phát triển Tân Cương, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ ở đây được hình thành bởi sự hợp nhất của nhiều nhóm dân tộc bản địa khác nhau từ thế kỷ thứ 9, chứ không phải là hậu duệ của những người Uyghur cổ.

Chính quyền cũng bác bỏ những cáo buộc của người Duy Ngô Nhĩ về việc đàn áp và cưỡng bức lao động. Trung Quốc cho rằng dư luận đang thổi phồng vấn đề lên ở Tân Cương và tất cả những gì mà đất nước này đang làm là đều hướng tới sự ổn định xã hội cũng như phát triển kinh tế quốc gia.

Nói về việc thành lập các trại tập trung, Trung Quốc khẳng định đây là phản ứng chính đáng đối với các mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Điều đó nghĩa là Trung Quốc đã gián tiếp công nhận sự xuất hiện của các trại này. Hơn nữa, trước khi có những biện pháp quyết liệt này, phong trào chống chính phủ ở Tân Cương đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và phá vỡ an ninh trật tự của khu tự trị. Người Duy Ngô Nhĩ đã không ít lần phản đối chính phủ Trung Quốc và đòi ly khai hành động được cho là dẫn dắt bởi các thế lực thù địch và chống phá. Như cuộc nổi dậy Barin vào năm 1990, khiến cho 6 cảnh sát thiệt mạng và 13 người khác bị thương; vụ đánh bom xe buýt ở Urumqi vào năm 1997 khiến cho 9 người thiệt mạng và 28 người khác bị thương. Vụ thảm sát Guncha đòi độc lập cho Tân Cương vào năm 1997 khiến 10 người thiệt mạng.

Đặc biệt, tháng 7/2009, một cuộc bạo loạn nghiêm trọng đã diễn ra tại Urumqi, trở thành điểm tin nóng trên các mặt báo Trung Quốc lúc bấy giờ, với sự tham gia của gần 3.000 người. Hậu quả là 197 người thiệt mạng (hầu hết là người Hán) 1721 người khác bị thương. Còn rất nhiều vụ tấn công khác diễn ra trên khắp Tân Cương, đều được cho là do những thành phần chống phá nhà nước người Duy Ngô Nhĩ gây ra. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc phải thực hiện biện pháp răn đe mạnh với phong trào ly khai ở khu tự trị Tân Cương.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiện nay Tân Cương đang giữ vị trí chiến lược trong tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Với đường biên giới trên bộ dài hơn 5.600 km và diện tích là 1 triệu 659.000 km2, lại gần như được bao bọc hoàn toàn với dãy núi cao ở ba phía, nó được coi là một bức tường thành tự nhiên ngăn cách Trung Quốc với những quốc gia láng giềng khác. Các nhà lãnh đạo của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa qua từng thời kỳ đều đánh giá rất cao khả năng phòng thủ của Tân Cương.

Tân Cương cũng là một cửa ngõ vào Afghanistan, Pakistan, qua Trung Á đến Iran, khu vực Caspi, Caukarus, Thổ Nhĩ Kỳ. Vị trí chiến lược này khiến nó trở thành khu vực trọng điểm để phát triển các dự án kinh tế của Trung Quốc nhằm hợp nhất cơ sở hạ tầng Á-Âu trong sáng kiến Vành Đai và Con Đường. Vì vậy mà chính quyền Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây.

Tân Cương cũng được biết đến là nơi có khả năng hình thành nên các nhóm khủng bố, do có đường biên giới với một số nước có tình hình bất ổn như Afghanistan hay thậm chí cả đồng minh Pakistan cũng là nơi dung dưỡng nhiều phiến quân có tư tưởng bài Trung Quốc. Vậy nên chính quyền Bắc Kinh luôn muốn biến Tân Cương trở thành một chốt chặn và chạm hậu cần quân sự ở phía Tây đất nước.

Mặt khác, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm qua đã rơi xuống mức không thể xấu hơn. Đỉnh điểm là lực lượng biên phòng hai nước đã có những trận ẩu đả gây thương vong. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc.

Vậy nên, chính quyền Bắc Kinh đang muốn biến Tân Cương trở thành một căn cứ quan trọng của Chiến khu Tây Bộ, với nhiệm vụ ngăn mọi mối đe dọa từ phía Tây và Trung Á.

Ngoài ra, Tân Cương còn được mệnh danh là “vùng đất của khoáng sản”, với 76 loại khoáng sản đã xác định được trữ lượng. Trong đó, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, đồng, vàng và đất hiếm là những khoáng sản quan trọng nhất ở khu tự trị này. Mặc dù trữ lượng dầu mỏ đã được tìm thấy của nó vào khoảng 10 tỷ thùng, nhưng trữ lượng được ước tính lên tới 8,68 tỷ tấn, tức là khoảng 61 tỷ thùng. Và trữ lượng khí đốt tự nhiên là khoảng 2,5 nghìn tỷ mét khối. Trữ lượng tài nguyên than của Tân Cương cũng được ước tính khoảng 2,19 nghìn tỷ tấn, chiếm 40% tổng trữ lượng của cả nước. Hiện nay, Tân Cương cung cấp 45% sản lượng silicon đa tinh thể được sử dụng làm nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp điện tử và điện mặt trời của thế giới. Ngành công nghiệp bông Tân Cương cũng chiếm 84% sản lượng bông của Trung Quốc và 20% sản lượng bông gòn toàn cầu.

Lịch sử luôn được viết bởi kẻ chiến thắng. Thế nên, rất khó để người Duy Ngô Nhĩ có thể bẻ gãy được những yêu sách của Trung Quốc đang áp đặt lên dân tộc của họ. Đây cũng là vấn đề nan giải mà ngay cả các cộng đồng quốc tế cũng phải bó tay.

Người Duy Ngô Nhĩ đơn độc trong cuộc chiến giành lại tự do

Mặc dù những cuộc nổi dậy gần đây của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đều thất bại, nhưng ở thế kỷ 20, dân tộc này đã từng hai lần thành công giành lấy độc lập và xây dựng nhà nước của riêng mình. Đó là vào tháng 11/1933, với việc thành lập Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Turkick Đông Turkestan (hay còn được gọi là Cộng hòa Đông Turkestan đầu tiên), nhưng nó đã nhanh chóng bị giải thể vào tháng 4/1934.

Tiếp theo, vào tháng 11/1944, người Duy Ngô Nhĩ tiếp tục ly khai thành công và thành lập Cộng hòa Đông Turkestan thứ hai. Tuy nhiên, trong cả hai lần giành được độc lập ấy, dân tộc này đều có sự trợ giúp của Liên Xô và họ cũng chỉ là một quân cờ trong những toan tính địa chính trị của hai cường quốc Xô – Trung.

Sau khi quân đội của Mao Trạch Đông dành phần thắng vào năm 1949, chính quyền ở Matxcơva đã cho rằng việc liên minh chặt chẽ với Trung Quốc sẽ quan trọng hơn nhiều mối quan hệ với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ phức tạp. Kết quả của những toan tính ấy là hàng chục nhà lãnh đạo hàng đầu của Cộng hòa Đông Turkestan thứ hai đều đã bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn vào ngày 27/8/1949, khi họ đang trên đường bay từ Tân Cương đến Bắc Kinh để đàm phán với Mao Trạch Đông. Theo công bố chính thức, chiếc máy bay này đã gặp nạn ở đâu đó giữa thành phố Omsk và Almaty của Nga hiện nay. Nhiều thông tin tình báo cho rằng đây là một vụ thanh trừng được thực hiện bởi Liên Xô. Điều này cũng dẫn tới việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sáp nhập Tân Cương vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 12/1949. Người Duy Ngô Nhĩ lại một lần nữa bị mất nước.

Sau đó, những người theo chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương gần như đã hoàn toàn mất đi các đồng minh quan trọng và nguồn viện trợ từ nước ngoài. Trước tình cảnh bị đàn áp, cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương đã phát đi thông điệp trợ giúp đến các cộng đồng Hồi giáo ở nhiều quốc gia khác, nhưng không được đáp. Ngay cả khi việc Trung Quốc thành lập các trại cải tạo bị coi là vô nhân đạo ở Tân Cương thì cũng có rất ít cuộc biểu tình trên thế giới lên án.

Một hy vọng của người Duy Ngô Nhĩ là những người cùng sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nước này cũng không quá vội vàng trong việc giúp đỡ người anh em họ hàng của mình. Trong khi những người Hồi giáo ở Afghanistan, láng giềng của Tân Cương, lại quá nghèo và đang bận rộn với những vấn đề của chính họ. Hơn nữa, các cơ quan đặc biệt của Trung Quốc có vị thế và ảnh hưởng rất mạnh mẽ tại Afghanistan kể từ khi Trung Quốc cung cấp vũ khí cho các lực lượng thành chiến chống lại Liên Xô.

Kết quả là, trong phong trào quốc tế Hồi giáo, người Duy Ngô Nhĩ vẫn là những người ngoài lề nhất và ít được quan tâm nhất.

Các cộng đồng quốc tế cũng chia thành hai phe, với một bên ủng hộ chính sách của Trung Quốc và cho rằng đó là điều cần thiết để phòng chống tội phạm khủng bố, bao gồm Iraq, Iran, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út…. các quốc gia hậu Xô Viết như là Nga, Belarus, Turkmenistan và Tajikistan; các quốc gia ở Đông Nam Á như là Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines; nhiều quốc gia Châu Phi như là Algeria, Cộng hòa dân chủ Conggo, Angola, Maroc, Sudan…. Trong khi đó các tổ chức và quốc gia lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, bao gồm Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Cộng hòa Séc và Pháp….

Cuộc sống hiện tại của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Ngay sau sự kiện năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào việc phát triển các công nghệ mới nhằm kiểm soát chặt chẽ người dân ở đây. Mục tiêu là để đảm bảo an ninh vẫn được kiểm soát, nhưng sẽ hạn chế việc sử dụng nhân lực hơn. Cũng vậy mà nhiều người Duy Ngô Nhĩ cảm thấy cuộc sống của họ chẳng khác gì việc bị giam giữ lỏng và tổ chức Ân xá Quốc tế đã mô tả cuộc sống của họ ở Tân Cương như một địa ngục đen tối.

Ngoài việc thành lập các trại tập trung, Trung Quốc cũng đang sử dụng một ứng dụng di động để lưu trữ dữ liệu của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Turkick khác. Mục tiêu là theo dõi chuyển động của họ thông qua nhận dạng khuôn mặt, nó được gọi là nền tảng điều hành chung tích hợp. Đây là một hệ thống giám sát chủ yếu được sử dụng ở khu vực Tân Cương. Hệ thống này có khả năng thu thập một lượng lớn dữ liệu như sao kê ngân hàng, hồ sơ bất hợp pháp và hồ sơ điện thoại. Sau đó, cảnh sát sử dụng hệ thống để sàng lọc tổng cộng 36 loại người bị chính quyền coi là có mẫu hành vi xấu. Chúng bao gồm những người trở về từ nước ngoài, mới được trả tự do, tránh tiếp xúc với hàng xóm, tham gia các hoạt động Hồi giáo, không còn sử dụng điện thoại thông minh và các hành vi bất thường khác.

Một hệ thống camera đã được lắp đặt khắp các thành phố và quanh các khu chung cư để kiểm soát việc đi lại của người dân. Chẳng hạn như khi ra vào các chung cư, người dân buộc phải quét nhận diện khuôn mặt. Nếu có thông tin trên hệ thống, họ mới được ra vào. Nếu có bất kỳ người nào bị nghi ngờ là xâm nhập trái phép vào các tổ chức công cộng như ngân hàng, bệnh viện, trung tâm mua sắm, chung cư và công viên, hệ thống này sẽ báo cho cảnh sát tức thời. Nó cũng được sử dụng để kiểm soát tình hình an ninh trên các con phố.

Hiện nay, tình trạng bất đồng sắc tộc ở Tân Cương vẫn còn khá phức tạp. Người Duy Ngô Nhĩ cảm thấy bị thiệt thòi về mặt kinh tế và chính trị so với người Hán. Dù chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách mới để giải quyết tình trạng này, nhưng đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải đáp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới