Nghị sĩ Anne-Marie Trevelyan – Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết, sự ổn định tại Biển Đông là ưu tiên của tất cả các quốc gia.
Trong ngày 25.10 – ngày đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 “Thu hẹp vùng biển xám, Mở rộng vùng biển xanh” đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài phiên khai mạc và bài diễn văn chính của Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, đã có 3 bài phát biểu quan trọng và nhiều bài phát biểu trong 4 phiên thảo luận chính, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin.
Nghị sĩ Anne-Marie Trevelyan – Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam và Vương quốc Anh là đối tác gần gũi trong các vấn đề an ninh biển. Bà nhấn mạnh, những gì đang diễn ra tại Biển Đông là mối quan tâm toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xung đột làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Anh luôn mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác và ủng hộ phát triển bền vững và cùng ứng phó với những thách thức chung để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Anh luôn tôn trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hoà bình và thịnh vượng tại khu vực; khẳng định tăng cường cam kết với ASEAN và các quốc gia thành viên thông qua các dự án cụ thể như Quỹ Hành tinh Xanh (Blue Planet Fund), thoả thuận thành lập Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Bà khẳng định, Anh sẽ tiếp tục duy trì cam kết tại khu vưc vì hoà bình và sự ổn định tại Biển Đông là ưu tiên của tất cả các quốc gia.
Ông Martin Thümmel – Ủy viên phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Đức – đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông gần đây, đặc biệt vụ việc tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển Trung Quốc đâm va các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ngày 22.10.2023.
Ông Thümmel nhắc lại sự cần thiết của việc tuân thủ đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Để bảo đảm sự thịnh vượng và định hình trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế cần đến sự hợp tác của các nước ở khu vực. Hai năm trước, Đức đã đưa ra Bản hướng dẫn chính sách về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó một khía cạnh quan trọng là triển khai hiệu quả luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
ASEAN đóng vai trò chính trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và cách tiếp cận xây dựng ở khu vực. Phân định vùng biển giữa Indonesia, Malaysia, Việt Nam và các cuộc đàm phán đang diễn ra có tác dụng thúc đẩy hợp tác ở khu vực.
Đức cũng nhấn mạnh việc xác định các vùng biển phải tuân theo quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS. Chỉ từ cấu trúc đất liền mới có thể xác định các vùng biển, lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Phán quyết Toà Trọng tài năm 2016 đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc, theo đó không có cấu trúc nào ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuyên bố chung Đức – Pháp – Anh về tình hình Biển Đông nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đức cũng tăng cường hợp tác xây dựng năng lực an ninh biển cho các nước ở khu vực như cảnh sát biển của Philippines và Malaysia. Đức đã điều động tàu hải quân đến Biển Đông vào năm 2021, năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì hiện diện để ủng hộ sự ổn định của an ninh khu vực trong thời gian tới.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 diễn ra ngày 25-26.10 với 8 phiên về các chủ đề đa dạng. Ngày 26.10, hội thảo sẽ tiếp tục 4 phiên thảo luận chính về các chủ đề: (i) Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông; (ii) Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?; (iii) Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ và (iv) Tiếng nói của thế hệ kế cận.
T.P