Ngày 24-10, Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) thông báo đã phê duyệt có điều kiện cho một doanh nghiệp nhập khẩu điện tái tạo với công suất lên đến 1,2GW từ Việt Nam.
Xuất khẩu điện tái tạo qua 1.000km cáp ngầm trên biển
Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore (EMA) cho hay đã phê duyệt có điều kiện cho Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) – một công ty con thuộc Sembcorp Industries Ltd, để nhập khẩu 1,2GW điện carbon thấp từ Việt Nam sang Singapore.
Dựa trên đề xuất của Sembcorp Utilities, nguồn điện nhập khẩu sẽ khai thác từ năng lượng gió ngoài khơi và các hình thức phát điện tiềm năng khác thông qua việc hợp tác với Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC).
Theo đó, nguồn điện sẽ được truyền từ Việt Nam đến Singapore thông qua các tuyến cáp ngầm mới trên biển, dự kiến có chiều dài khoảng 1.000km.
Trong khi đó, phía SCU xác nhận việc đã được EMA phê duyệt có điều kiện nhập khẩu điện tái tạo từ Việt Nam, với công suất lên đến 1,2GW.
Phía SCU cho hay các trang trại điện gió này sẽ hoạt động sau năm 2033 nếu tiến độ thuận lợi, phía doanh nghiệp này cũng sẽ phối hợp với PTSC để hoàn tất các bước phát triển dự án, trong đó có giấy phép xuất khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 10-2-2023, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, PTSC và SCU đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.
Chiếm 30% tổng lượng điện của Singapore vào năm 2035
Theo nội dung thỏa thuận, hai doanh nghiệp sẽ hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với công suất ban đầu khoảng 2,3GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển.
Phía Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam cho biết để đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu 30% nhu cầu điện năng vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch cũng như đưa ra lộ trình đánh thuế carbon lũy tiến tăng dần.
Do vậy, các nước như Singapore sẽ sẵn sàng trả chi phí tương xứng cho nguồn năng lượng xanh này và nếu thuận lợi, năm 2030 có thể xuất khẩu điện sang Singapore.
Trong khi đó, Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore cho hay việc phê duyệt của cơ quan này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho SCU trong việc đạt được các giấy phép cần thiết theo quy định cho dự án.
Vào năm 2021, Singapore đã công bố kế hoạch nhập khẩu đến 4GW điện carbon thấp vào năm 2035. Đến nay, Singapore đã phê duyệt có điều kiện nhập khẩu điện cho các dự án từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm 2GW từ Indonesia, 1GW từ Campuchia và 1,2GW từ Việt Nam.
Nếu kế hoạch này thành công, tổng lượng điện nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu nguồn điện của Singapore vào năm 2035.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, PTSC và SCU đề xuất được triển khai dự án xuất khẩu điện với dây truyền tải điện từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến Singapore.
Tuy nhiên, nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam chưa đưa ra mục tiêu cụ thể về xuất khẩu điện, nên cần phải có chủ trương hơn mới có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngoài ra, quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên việc lựa chọn các vị trí điện gió ngoài khơi phục vụ cho hoạt động xuất khẩu điện vẫn còn chờ chính sách.
T.P