Liên quan câu chuyện Biển Đông, không thể không nhắc tới Philippines như một quốc gia quả cảm tiến hành vụ kiện mà tới nay vẫn được coi là hy hữu. Nhiều khả năng, sắp tới, Manila sẽ thêm một lần quả cảm tương tự.
Vụ kiện hy hữu đó chẳng ai quên, nhất là những người quan tâm theo dõi diễn biến trong vùng biển nhiều năm nay đã thành nóng bỏng này.
Cho dù “đường 9 đoạn” có nguồn gốc từ “đường chữ U” thời Trung Hoa Dân Quốc, nhưng câu chuyện Biển Đông chỉ thực sự “nóng” lên khi Bắc Kinh đơn phương đưa yêu sách “đường 9 đoạn” vào Công hàm gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) tháng 5/2009. Nếu căn cứ theo “đường 9 đoạn”, gần 80% diện tích Biển Đông là của Trung Quốc; các bên còn lại, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, chỉ còn khoảng 20%.
Cũng bắt đầu từ đó, ngư dân các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, thậm chí cả Indonesia – bên không có yêu sách chủ quyền – thường xuyên là nạn nhân các cuộc đâm húc, ngăn chặn, cướp phương tiện đánh bắt hải sản…, ngay khi họ hành nghề trên các ngư trường truyền thống. Trên Biển Đông, các nước này cũng thường xuyên bị Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động thăm dò địa chất và khai thác dầu khí…
Năm 2012, Philippines và Trung Quốc diễn ra vụ tranh chấp bãi cạn Scaborough. Gầm gừ nhau mãi, cuối cùng, ông Aquino – Tổng thống Philippines khi ấy – đã không thắng nổi thủ đoạn ranh mãnh của những cái đầu là hậu duệ của Tào Tháo ở Bắc Kinh. Kết quả, Philippines mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough về tay Trung Quốc. Cú bị lừa cay đắng này đã đẩy cơn phẫn nộ của Manila lên tột độ. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22 tháng 1 năm 2013, Philippines đã đệ đơn khởi kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) về một số tranh chấp giữa hai nước liên quan việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông.
Cho dù Trung Quốc từ chối vụ kiện, nhưng quá trình tố tụng vẫn tiến hành. Sau 3 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài (PCA) đã ban hành Phán quyết về vụ kiện với phần thắng thuộc về Philippines.
Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, ông Benigno Aquino, vị tổng thống quyết liệt và quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ kiện kết thúc nhiệm kỳ. Người kế nhiệm là ông Duterte chủ trương theo đuổi đường lối đối ngoại “thân” Trung Quốc, đã lặng lẽ cất Phán quyết vào hộp bàn. Tới “hoàng hôn” nhiệm kỳ, khi ông Duterte tỉnh ngộ về cái gọi là “thiện chí” và những lời hứa hão viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh, thì đã muộn. Ý nghĩa tích cực duy nhất của sự ngộ ra muộn màng đó chỉ là ở chỗ giúp tổng thống kế nhiệm Ferdinand Marcos Jr “thoát Trung” một cách lặng lẽ để mặn mà trở lại với người đồng minh bên kia đại dương là Mỹ sau hồi “ông chẳng bà chuộc”.
Từ bấy đến giờ, câu chuyện vụ kiện Biển Đông hy hữu của Philippines, ngoài việc làm bẽ mặt Bắc Kinh chút ít, dường như chìm dần vào quên lãng, chỉ ồn ào lên chút ít hồi năm 2021 với lẻ tẻ hoạt động kỷ niệm 5 năm Phán quyết ban hành.
Nhưng hóa ra, đó chỉ là bề ngoài. Còn bên trong, các quốc gia liên quan, cùng với tỏ ra mềm mỏng về hình thức, vẫn âm thầm chuẩn bị cho những tình huống Trung Quốc gây hấn ngang ngược hơn. Như Việt Nam chẳng hạn, năm 2019, qua miệng một quan chức ngoại giao cấp thứ trưởng, quốc gia này từng đã úp mở khả năng “kiện Trung Quốc” về pháp lý.
Bất ngờ nhất là Philippines. Ngỡ như sau vụ kiện đình đám thắng lợi mà kết quả thực tế chẳng được gì, quốc gia này đã chán ngấy và thấm thía câu “vô phúc đáo tụng đình” (phàm kiện tụng nhau trước công đường thì cầm chắc buộc vào thân sự phiền toái). Vậy mà không. Cuối tháng 9 vừa qua, sau khi sau khi Cảnh sát biển Philippines báo cáo thiệt hại nghiêm trọng do các hoạt động của Trung Quốc gây ra đối với môi trường biển ở rạn san hô Rozul và bãi cạn Escoda (còn gọi là Sa Bin, thuộc cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Philippines cũng tuyên bố chủ quyền), Manila đã thông báo sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan các cáo buộc cho rằng các hoạt động của Bắc Kinh đã phá hoại môi trường ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi phần phía đông của Biển Đông).
Trong một phát ngôn cứng rắn, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Jesus Crispin Remulla khẳng định nước này “sẽ theo đuổi các vụ kiện chống lại Trung Quốc vì đã có rất nhiều bằng chứng”.
Liên quan tuyên bố của ông Jesus Crispin Remulla, nhiều người nhớ lại, nội dung Phán quyết của PCA ban hành năm 2016 có phần nói về trách nhiệm của Trung Quốc, rằng: Toà xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt…
Như vậy, nếu trong hồ sơ vụ kiện sắp tới, Philippines nêu thêm được “rất nhiều bằng chứng”, thì, theo các chuyên gia chính trị quốc tế, khả năng Manila thắng lợi một lần nữa là điều hoàn toàn có thể.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao tận 7 năm sau vụ kiện Biển Đông, Philippines mới đề cập khả năng thực hiện một vụ kiện thứ hai về vấn đề môi trường?
Câu trả lời với nhiều người là: Manila quá cay cú vì trong vài tháng vừa qua, Trung Quốc dường như nhằm vào Philippines để gia tăng các cuộc gây hấn. Và họ liệt ra hàng loạt thí dụ ngang ngược của Trung Quốc, như: dùng tàu hải cảnh “chiếu lase quân sự” vào một tàu của của Philippines; “xịt vòi rồng” chặn đường tàu tiếp tế Philippines ở bãi Cỏ Mây; “hàng rào nổi” ngăn cản ngư dân Philippines vào đánh bắt trong khu vực bãi cạn Scaborough…
Kinh nghiệm vụ kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông trước đây cho thấy, theo đuổi vụ kiện tới cuối cùng là điều gian nan. Tuy nhiên, đối với cộng đồng quốc tế, nhất là các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bất luận kết quả thế nào cũng không thể không khâm phục tinh thần quả cảm và tiên phong của Philippines vậy.
T.V