Liên tục 5 đợt đại phẫu ngân hàng diễn ra 25 năm qua. Sau các đợt tái cơ cấu, có ngân hàng lột xác, có ngân hàng biến mất, có ngân hàng yếu vẫn hoàn yếu. Nhìn một cách tổng quát, sức khỏe hệ thống đã mạnh lên đáng kể.
Trong vòng 25 năm qua, hệ thống ngân hàng nước ta đã trải qua 5 đợt tái cơ cấu, mỗi lần tái cơ cấu đều xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết của tình hình kinh tế trong nước và tác động diễn biến kinh tế thế giới.
Cuộc đại phẫu lần 1: Nợ xấu từ 13% giảm còn 5%
Lần thứ nhất, giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, công cuộc tái cơ cấu ngân hàng kéo dài từ năm 1998 đến năm 2003. Ngày 29/10/1999, Thủ tướng có Quyết định số 212/1999/QĐ-TTg về Đề án “Chấn chỉnh và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam”.
Kết thúc lần 1, toàn hệ thống đã sắp xếp, chấn chỉnh 14 ngân hàng thương mại. Cụ thể, đã đóng cửa, rút giấy phép 1 ngân hàng thương mại, sáp nhập 7 ngân hàng, cho ngân hàng khác mua lại 1 ngân hàng, hợp nhất 1 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với 1 công ty tài chính cổ phần. Đồng thời, chuyển 4 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị.
Cũng trong giai đoạn này, nợ xấu đã giảm từ 13% giai đoạn 1996-1998 xuống 5% năm 2003.
Cuộc đại phẫu lần 2: Hàng chục ngân hàng nông thôn tiến lên thành thị
Lần thứ hai, giai đoạn Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới 2005-2008, ngành ngân hàng lại bước vào công cuộc tái cơ cấu theo Đề án cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn theo Quyết định số 1577/QĐ-NHNN ngày 9/8/2006, chuyển nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị.
Kết thúc quá trình tái cơ cấu lần 2 này, đã có tổng cộng 12 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, quy mô tài sản toàn hệ thống năm 2010 tăng 10 lần so với năm 2001. Lợi nhuận chung năm 2010 của hệ thống ngân hàng tăng hơn 20 lần so với năm 2001, nợ xấu năm 2010 là 2,16%.
Mặc dù vậy, sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng giai đoạn này được cho là ẩn chứa nhiều yếu tố “vốn ảo”, dẫn tới sự yếu kém trong giai đoạn sau.
Cuộc đại phẫu lần 3: Loạt nhà băng biến mất, 9 ngân hàng ngân hàng thương mại yếu kém bắt buộc tái cơ cấu
Lần thứ ba, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Cũng trong giai đoạn này, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (Quyết định 843/2013/QĐ-TTg ngày 31/5/2013).
Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần 3 được triển khai trong bối cảnh nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm ngày 30/9/2012 ước tính lên đến hơn 17,2%, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém. Mục tiêu trọng tâm tái cơ cấu giai đoạn này là xử lý nợ xấu, lành mạnh hoá tình trạng tài chính để giải quyết các ngân hàng yếu kém.
Tại lần tái cơ cấu này, có 9 tổ chức tín dụng yếu kém nằm trong diện bắt buộc tái cơ cấu bao gồm: Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank, Western Bank và GP.Bank.
Đây cũng là giai đoạn hình thức mua bán sáp nhập nở rộ. SCB, TinNghiaBank và Ficombank sáp nhập thành SCB; Habubank sáp nhập vào SHB; Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và WesternBank sáp nhập thành PVcomBank; DaiABank sáp nhập HDBank, MHB sáp nhập vào BIDV; MDBank sáp nhập vào MSB…
Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn sóng gió nhất của hệ thống ngân hàng. Sau cuộc đại phẫu này, một loạt thương hiệu ngân hàng biến mất gồm: Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Western Bank, Đại Á, Phương Nam, Đại Tín, MHB, MDBank.
Kết thúc giai đoạn này, số lượng ngân hàng thương mại đã giảm từ 42 ngân hàng còn 34 ngân hàng. Có 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng là GPBank, VNCB và OceanBank và 1 ngân hàng bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt là DongABank.
Ngân hàng tái cơ cấu thành công nhất giai đoạn này là TPBank, nhờ sự rót vốn “tiền tươi thóc thật” cùng kinh nghiệm quản trị điều hành dày dạn của Tập đoàn DOJI.
Kết thúc giai đoạn tái cơ cấu này, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 20%, nợ xấu giảm xuống dưới 3%.Tuy vậy, kết thúc giai đoạn này, một số ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém
Cuộc đại phẫu lần 4: “Bảo kiếm” xử lý nợ xấu ra đời, chặt bớt vòi sở hữu chéo
Cuộc đại phẫu hệ thống ngân hàng lần thứ 4 được triển khai nhằm thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg (Quyết định số 1058) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn này, điểm nhấn lớn nhất là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đây cũng là giai đoạn xử lý nợ xấu đạt nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, nợ xấu nội bảng liên tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (năm 2016: 2,46%; năm 2017 là 1,99%; năm 2018 là 1,9%; năm 2019 chỉ còn 1,63%; cuối năm 2020 là hơn 2%). Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, ước tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2020, hơn 1,1 triệu tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, gồm khoảng 67% là do các tổ chức tín dụng tự xử lý, còn lại là bán nợ cho VAMC.
Cũng trong giai đoạn này, năng lực tái chính của hệ thống ngân hàng được cải thiện, vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đã tăng mạnh 41,3%. Hệ số an toàn vốn đảm bảo quy định. Các chỉ tiêu sinh lời như ROA, ROE trong giai đoạn này cũng ghi nhận sự cải thiện rõ nét, từ mức tương ứng 0,52% và 6,26% năm 2015 lên mức 0,9% và 12% cuối năm 2020.
Sở hữu chéo ngân hàng giai đoạn này cũng giảm đáng kể nếu xét về hình thức. Đến hết ngày 30/9/2020, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã khắc phục hết (trong khi năm 2012 có 7 cặp), sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp chỉ còn tại 1 cặp (trong khi tháng 6/2012 có 56 cặp).
Dù vậy, sở hữu chéo thực tế vẫn rất phức tạp, khó nhận diện. Sự đổ vỡ của SCB giai đoạn sau đó là ví dụ điển hình.
Cuộc đại phẫu lần 5: Xuất hiện thêm ngân hàng bị giám sát đặc biệt, nợ xấu tăng vọt trở lại
Cuộc tái cơ cấu ngân hàng lần thứ 5 được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Tâm điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần này vẫn là xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém (gồm 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt – SCB, DongABank và một số ngân hàng có nợ xấu cao khác).
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CB, DongABank). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi các tổ chức tư vấn định giá phát hành chứng thư thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp của 3 ngân hàng mua bắt buộc. Kiểm toán Nhà nước đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước, 3 ngân hàng mua bắt buộc, đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán trước khi gửi Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán theo quy định.
Riêng với SCB, Ngân hàng Nhà nước cho hay, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Phát biểu trước Thường vụ Quốc hội ngày 16/10, Thống đốc cho hay, việc xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa.
Thống đốc cho biết thêm đây là việc cần có thời gian. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt và Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành cũng đã trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền và hiện nay cũng đang tích cực triển khai.
Trước đó, Thống đốc cho hay, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)…
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang trình Quốc hội Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự luật được bổ sung thêm nhiều quy định kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng xử lý hiệu quả hơn nợ xấu, đồng thời giúp Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn hiệu quả hơn sở hữu chéo.
T.P