Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ quản lý chặt công chức ra nước ngoài

TQ quản lý chặt công chức ra nước ngoài

Sau ba năm dịch bệnh, Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới, nhưng những hạn chế ra nước ngoài đối với công chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước vẫn không hề suy giảm.

Hộ chiếu Trung Quốc.

Gần đây, hơn chục công chức và viên chức doanh nghiệp nhà nước đã từng hoặc hiện đang làm việc tại Trung Quốc nói với Reuters rằng, các hạn chế của chính phủ đối với họ đã mở rộng kể từ năm 2021, bao gồm lệnh cấm đi ra nước ngoài, tần suất và thời gian đi lại cũng bị giới hạn chặt chẽ hơn, quy trình phê duyệt cũng rườm rà, trước khi khởi hành còn phải tham gia lớp huấn luyện bảo mật.

Trong đó có hai nhân viên ngân hàng đã làm việc gần 20 năm tiết lộ, nhân viên cấp thấp của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) chi nhánh Bắc Kinh và Thượng Hải chỉ được ra nước ngoài mỗi năm một lần vì lý do cá nhân và chỉ được ở lại tối đa 12 ngày. Khi hai nhân viên này nộp đơn xin nghỉ phép vào đầu năm nay, họ mới phát hiện ra những hạn chế mới.

Luật sư Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), cựu trưởng bộ phận pháp lý của Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng gần đây ông cũng nghe nói rằng “việc ra nước ngoài rất phức tạp”.

“Không chỉ công chức, giáo viên mà theo tôi biết, người dân bình thường hiện nay cũng không có cơ hội đổi hộ chiếu”, ông Lương nói.

Người thân và bạn bè của luật sư Lương đều là công chức ở cấp cơ sở. Ông tiết lộ: “Giáo viên phải nộp hộ chiếu. Về mặt lý thuyết, sau khi được lãnh đạo phê chuẩn và xét duyệt thành phần thì có thể lấy lại hộ chiếu và ra nước ngoài, nhưng hiện tại các lãnh đạo đều không muốn chịu trách nhiệm, về cơ bản là không thể ra nước ngoài”.

Ông Lưu Thiệu Thuần (Liu Shaochun), nguyên Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp quận Quân Sơn, thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, cũng nói với The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng mở rộng kiểm soát việc công chức ra nước ngoài.

Ông Lưu cũng từng bị yêu cầu giao nộp hộ chiếu cá nhân vào năm 2015, ông cho biết: “Việc thu hộ chiếu của cán bộ cấp huyện trở lên và hạn chế ra nước ngoài đã bắt đầu từ năm 2014”.

“Sau đó mở rộng tới cán bộ khoa học kỹ thuật và những người cấp dưới, rồi lại mở rộng sang những người ăn lương nhà nước, bác sĩ, giáo viên, bí thư chi bộ thôn; hay như trưởng thôn hoàn toàn không phải là quan chức, cũng không phải công chức, hộ chiếu của họ cũng bị tịch thu”.

Ông Lưu Thiệu Thuần nói: “Việc thu giữ hộ chiếu như vậy là vi phạm pháp luật, họ cũng biết điều đó. Nhưng dù sao thì vẫn phải làm như vậy, phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo cao nhất của các cấp đều rất coi trọng việc này”.

Ông Lưu thấy rằng có đối đầu cũng vô ích. “Họ nói rõ ràng rằng, nếu không giao hộ chiếu, hậu quả tự chịu, sẽ sử dụng hình thức kỷ luật, pháp luật nào đó nếu cần thiết”.

“Sau đó [cấp trên] còn nhấn mạnh rằng nếu không giao hộ chiếu thì cũng chẳng thể xuất ngoại được. Hộ chiếu và số chứng minh nhân dân của anh đã có trong hệ thống xử lý của công an. Chỉ cần một cuộc điện thoại là có thể vô hiệu hộ chiếu của anh”.

“Khi xuất cảnh, họ cũng có thể nhập số hộ chiếu của bạn vào hệ thống máy tính và kiểm soát xuất cảnh, bạn sẽ không thể rời đi”.

Ông Lưu Thiệu Thuần nói: “ĐCSTQ bắt đầu kiểm soát từ nhóm công chức trước. Nếu không giao hộ chiếu, bạn sẽ bị treo lương, bị xử phạt và khai trừ. Họ sẽ không ra tay từ tầng lớp nông dân, vì nông dân không có tiền lương, điều trị y tế, bảo hiểm lao động và các phúc lợi khác”.

Vào tháng Bốn năm nay, một báo cáo do tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố cho thấy, Trung Quốc vẫn đang mở rộng phạm vi áp dụng chính sách hạn chế xuất cảnh. Hạn chế xuất cảnh đã trở thành một trong số nhiều công cụ được chính quyền Bắc kinh sử dụng để tăng cường kiểm soát người dân trên mọi khía cạnh đời sống.

Báo cáo cho rằng việc ĐCSTQ mở rộng các hạn chế xuất cảnh là thiếu cơ sở pháp lý và thiếu tính minh bạch, hơn nữa gần như rất khó để khiếu nại.

Vào tháng Bốn năm nay, cơ quan lập pháp tối cao của Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã thông qua “Luật Phản gián điệp” phiên bản sửa đổi. Theo đó, chính quyền có thể ban hành lệnh cấm xuất cảnh với bất kỳ cá nhân nào được cho là có khả năng “gây nguy hại đến an ninh quốc gia” sau khi rời khỏi Trung Quốc, hoặc với những người bị điều tra vì “gây tổn thất lớn cho lợi ích quốc gia”. Tới tháng Bảy, ĐCSTQ bắt đầu thực thi “Luật Phản gián điệp” mới và mở rộng định nghĩa về gián điệp.

Luật sư Lương Thiếu Hoa chỉ ra, các quan chức cấp cao của chính quyền và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ biết được một số quyết sách cũng như thông tin, họ có thể sẽ làm rò rỉ cơ mật nhà nước, nhưng công chức và viên chức bình thường sẽ không dễ mà gây ra vấn đề này.

Ông nói, những người bình thường không có nhiều tiền và không biết nhiều thông tin, nhưng lại bị kiểm soát việc đi lại, có “một nguyên nhân rất lớn là có thể liên quan đến hoàn cảnh chung, tức là ĐCSTQ bị tách rời khỏi thế giới. Ngoài ra, mỗi công dân đều cần đổi ngoại tệ khi xuất ngoại, số tiền này đều được tiêu ở nước ngoài, chính phủ cũng sẽ không vui, vì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm đáng kể”.

Biểu hiện thiếu tự tin của ĐCSTQ
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, ông Lưu Thiệu Thuần, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cấp quận, chỉ ra rằng việc ĐCSTQ mở rộng các hạn chế xuất cảnh đối với công dân là một biểu hiệu của sự thiếu tự tin.

Vào tháng Một năm nay, sau khi từ chức, ông Lưu Thiệu Thuần đã bị “vần vò” rất lâu thì mới sang được nước Mỹ.

Ông cho biết, ông phải chạy ra nước ngoài vì lo sợ rằng sau khi bị thu giữ hộ chiếu sẽ không còn cơ hội xuất cảnh nữa. “Con trai tôi đã ở nước ngoài được mười năm. Trước đây, chính quyền không cho phép ra nước ngoài thăm thân. Những lần con trai tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, tôi đều không có cơ hội tham dự lễ tốt nghiệp”.

“Lần này tôi muốn tham gia đám cưới của con tôi. Tôi gần như mất con trai, mối quan hệ gia đình cũng gần như không còn, tôi đã phải nói với họ (lãnh đạo) như vậy thì họ mới miễn cưỡng đưa hộ chiếu cho tôi”, ông Lưu nói.

“Họ xem xét mọi thứ rất nghiêm ngặt. Theo quy định, trong vòng 9 ngày làm việc họ phải phê duyệt xong cho tôi nhưng họ đã kiểm tra tôi tới 37 ngày. Họ đóng 8 con dấu vào một mẫu đơn và ký tên của hơn chục lãnh đạo rồi mới cho phép tôi lấy hộ chiếu”.

“Lý lịch của tôi rất trong sạch, lý lịch tư pháp của tôi cũng trong sạch. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Viện Kiểm sát, Công an, các cấp lãnh đạo, tổ đảng đều được liệt kê vào biểu mẫu này. Họ phê duyệt và đóng dấu từng lớp một”.

“Cột cuối cùng trong mẫu đơn của tôi viết rằng, sau khi xác minh, đồng chí này không có vấn đề gì trong khoảng thời gian 5 năm từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2022″.

Lưu Thiệu Thuần nói rằng ông không hề tham nhũng, không có vấn đề về tác phong hay chính trị, không có vấn đề gì cả. Sau đó ông mang đơn này đến Bộ Tổ chức, nhưng Bộ Tổ chức lại làm khó và yêu cầu ông đến Cục An ninh Quốc gia, rồi lại đến Bộ Tài chính, v.v., mất hơn 30 ngày.

Ông nói, “Việc thu hộ chiếu của công chức không từ một ai cho thấy ĐCSTQ không tự tin, không tin tưởng những người trong hệ thống, nó tạo ra hiệu ứng cánh bướm và hiệu ứng ớn lạnh cho toàn dân, từ đó tạo nên một ‘nhà nước cảnh sát’, biến quốc gia thành một nhà tù lớn, nó đã học tập rất nhiều từ Triều Tiên” (‘nhà nước cảnh sát’ là thuật ngữ được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó dùng lực lượng cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán, kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân).

Cựu quan chức này nói, “ĐCSTQ luôn nói về ‘ba điều tự tin’: tự tin vào đường lối, tự tin vào lý luận và tự tin vào chế độ. Nhưng họ quá lo lắng về việc người trong thể chế bỏ chạy ra ngoài. Vậy là còn chút tự tin nào không?”.

“Mục đích của ĐCSTQ là thêm một lớp dây thép gai vào bức tường ngăn cách do nó dựng lên, cộng thêm việc nó buộc toàn dân phải cài đặt ‘phần mềm chống lừa đảo mạng’ trên điện thoại di động, giám sát công chức qua ‘phần mềm học tập cường quốc’, lắp đặt camera khắp nơi trên đường phố ngõ hẻm, thiết lập hệ thống nhận dạng khuôn mặt, quốc gia này giống như một nhà tù, nhốt tất cả người Trung Quốc vào đó”.

Ông Lưu Thiệu Thuần nói: “Thu giữ hộ chiếu chỉ là một bước trong quá trình bế quan tỏa cảng và Triều Tiên hóa”.

Những năm gần đây, trong khi chính quyền ngày càng thắt chặt các hạn chế xuất cảnh đối với công dân, ngày càng nhiều người Trung Quốc cố gắng tìm kiếm con đường chạy ra nước ngoài theo nhiều cách khác nhau.

Có cư dân mạng đăng bài nói rằng, các công chức, giáo viên đại học, luật sư và kỹ sư trong các công ty niêm yết đã từ bỏ công việc lương cao ở Trung Quốc và sẵn sàng ra nước ngoài để bưng bê phục vụ, rửa bát đĩa, giao đồ ăn và làm công việc dọn dẹp.

Luật sư Lương Thiếu Hoa cho biết: “Quả thực có những người đã thức tỉnh, bao gồm giáo viên đại học, công chức, luật sư và người dân bình thường. Sau khi thức tỉnh, họ nhận ra rằng chế độ độc tài của ĐCSTQ, đặc biệt là sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, không còn hy vọng gì nữa”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới