Friday, November 15, 2024
Trang chủQuân sựVì sao phòng không Nga có thể bắn rơi 24 máy bay...

Vì sao phòng không Nga có thể bắn rơi 24 máy bay Ukraine trong 5 ngày?

Chuyên gia Nga cho rằng máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 đóng vai trò quan trọng trong việc hệ thống phòng không của Nga bắn hạ 24 máy bay chiến đấu của Ukraine trong vòng 5 ngày.

Máy bay A-50 của Nga.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 24/10 cho hay quân đội Nga hiện sở hữu hệ thống phòng không bắn hạ 24 máy bay quân sự của Ukraine trong 5 ngày nhưng không nêu cụ thể tên hệ thống này.

Yury Knutov, nhà sử học quân sự và nhà bình luận chính trị Nga cho rằng máy bay cảnh báo sớm trên không A-50 đóng vai trò quan trọng trong việc hệ thống phòng không của Nga bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Ukraine.

Theo ông Knutov, quân đội Nga có thể đã sử dụng hệ thống phòng không tầm xa S-400 hoặc sử dụng hệ thống S-300 song song với máy bay cảnh báo sớm trên không Beriev A-50 để bắn hạ máy bay Ukraine.

“Nhờ khả năng bay ở độ cao lớn, A50 có thể phát hiện máy bay đối phương cất cánh từ các sân bay quân sự bí mật hoặc các sân bay đã đóng cửa của Ukraine, thậm chí từ các đoạn đường cao tốc”, ông Knutov giải thích.

Đối với tên lửa đánh chặn S-300, nó “vươn tới được một khu vực nhất định nhờ hệ thống dẫn đường quán tính hoặc các lệnh được gửi trực tiếp từ trạm radar đa chức năng của máy bay A50”.

“Sau đó, tên lửa đánh chặn bắt đầu tìm kiếm mục tiêu, xác định chính xác và cuối cùng tiêu diệt mục tiêu. Tầm bắn (của hệ thống phòng không) ở đây có thể rất lớn, lên tới 400 km, thậm chí hơn”, ông Knutov nói.

Việc lực lượng phòng không Nga bắn hạ 24 máy bay Ukraine trong 5 ngày cho thấy “việc sử dụng hiệu quả các hệ thống tên lửa phòng không và sự thay đổi trong chiến thuật của lực lượng phòng không Nga”.

“Điều này cùng với việc sử dụng máy bay A-50 cho phép lực lượng Nga giải quyết vấn đề không chỉ phát hiện máy bay địch mà còn tiêu diệt chúng với hiệu quả cao”, ông Knutov nhấn mạnh.

“Đây là điều sẽ buộc các nước NATO phải cân nhắc xem liệu Ukraine có thực sự cần máy bay F-16 (do Mỹ sản xuất) hay không, bởi loại máy bay này có thể phải đối mặt với số phận tương tự như máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 do Liên Xô sản xuất mà Không quân Ukraine đang vận hành”, ông Knutov cho hay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới