Sunday, September 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCái bắt tay nghiêng ngả EU

Cái bắt tay nghiêng ngả EU

Liên minh Châu Âu (EU) được xem là Tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất và quyền lực nhất trên thế giới. Nhưng mấy năm gần đây có nhiều rạn nứt. Một sự kiện mới nhất là “cái bắt tay giữa hai nguyên thủ” nghiêng ngả EU.

Đó là cái bắt tay vô tư giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã thể hiện rõ thiện chí tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 17/10 vừa qua. Thiện chí đó thể hiện sinh động qua cái bắt tay xiết chặt, không mảy may toan tính.

Lãnh đạo nhiều nước trong EU vô cùng… kinh ngạc! Tại sao ông Orban lại bỗng chốc ném luật pháp quốc tế vào sọt rác? Bởi theo họ khi tiếp xúc với ông Putin phải nhìn trước ngó sau, vì cách đây chưa lâu, vào hôm 17/3/2023, ông từng bị Tòa hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt. Lý do của Tòa là, Tổng thống Putin bị cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga.

Sau đó, Moscow đã phản ứng dữ dội với phán quyết của ICC. Nga cho rằng, mọi quyết định của Tòa án này là vô hiệu đối với Nga. Điện Kremlin khẳng định: Chúng tôi coi hành xử của Tòa là rất thái quá và không thể chấp nhận được.

Mặc dù vậy nhiều nước trong EU vẫn cho rằng, thái độ của Thủ tướng Hungary là thiếu khôn ngoan, không nên gây hiểu lầm và những căng thẳng không đáng có. Đáp lại, hôm 26/10, khi tới thủ đô Brussels, Bỉ, tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU gồm 27 quốc gia, Thủ tướng Hungary Viktor Orban gây một cơn bão khi nói rằng, ông tự hào về cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo ông việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở với Nga là rất quan trọng đối với “chiến lược hòa bình” của nước này.

Trong khi đó nhiều nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu yêu cầu ông Orban phải xin lỗi các thành viên trong khối EU, vì đã trót bắt tay ông Putin một cách “vô duyên” (!) Cách tiếp cận đơn phương đó biểu tượng bằng việc bắt tay với ông Putin, và người ta lo ngại ông đã làm suy yếu ý thức đoàn kết của EU.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho rằng, hành động của ông Orban “gửi một thông điệp rất sai lầm tới bất cứ ai. Chúng ta không có quyền làm điều đó”. Ông Nauseda nói: “Điều rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng này của cuộc chiến, là phải đoàn kết, không chia rẽ chính sách đối ngoại của chúng ta.”

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng, thái độ của ông Orban không chỉ làm suy yếu Brussels mà còn củng cố cho Moscow, “thực sự thì điều này có lợi cho Điện Kremlin, họ muốn thấy chúng ta bị chia rẽ”.

Trước yêu cầu này, ông Orban liên tục nói không. Rằng, sao lại phải xin lỗi? Hungary có chính sách rất rõ ràng và minh bạch. Điều này không giống như hầu hết các chính sách khác, và có thể không theo đuôi chiến lược của những nước khác.

Phát biểu với phóng viên báo chí, ông Orban nói: “Nga và Hungary có chung nước láng giềng là Ukraine. Chúng tôi có chiến lược hòa bình. Chúng tôi muốn làm mọi thứ theo cách của chúng tôi để có được hòa bình. Vì vậy, Hungary luôn mở mọi đường dây liên lạc với Nga. Nếu không sẽ không có cơ hội cho hòa bình. Chúng tôi tự hào về chiến lược đó”.

Một số vị nguyên thủ tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU tỏ vẻ thất vọng, than rằng, mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Hungary, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và cũng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ khiến phương Tây tẩy chay. Điều này thể hiện rõ khi Đại sứ các nước NATO tại Hungary đã họp khẩn ngay sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Orban. Các nhà ngoại giao của NATO đã cảnh báo về “những lo ngại an ninh” chung quanh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Hungary.

Chẳng hạn, tuy là thành viên của NATO và EU, nhưng Hungary phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, và không tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Hungary cũng là một trong những trở ngại đối với kế hoạch mở rộng thành viên của NATO, bởi Budapest được coi là đối thủ tiềm năng chính trong cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine.

Qua sự kiện này, thêm một lần nhận rõ, rạn nứt trong lòng EU đang ngày càng nhiều và càng lớn. Đó là sự chia rẽ gia tăng giữa phía Đông và phía Tây châu lục. Trong khi những quốc gia sát biên giới với Ukraine (như các nước vùng Baltic và Ba Lan) khản cổ kêu gọi thực thi công lý qua các biện pháp trừng phạt và ủng hộ quân sự mạnh mẽ cho Ukraine thì các nước ở Tây Âu (như Italy, Pháp và Đức) lại đòi nhượng bộ Nga.

Đó còn là khi cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế trở nên sâu sắc, các quốc gia sẽ càng cách xa tiền tuyến. Họ sẽ càng ủng hộ việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Tuy các nước Đông Âu cũng chịu hậu quả về kinh tế, nhưng lãnh đạo của những nước này vẫn muốn duy trì lập trường cứng rắn. Lập trường ấy là, hòa bình chỉ có thể đạt được khi Ukraine đẩy Nga khỏi lãnh thổ và Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Châu Âu có vẻ như quên một điều, rằng châu lục này cũng chứng kiến chia rẽ giữa Bắc và Nam Âu suốt từ cuộc khủng hoảng nợ công cách đây một thập niên. Từ đó sẽ dẫn đến suy thoái trong tương lai gần, hoặc thậm chí là suy thoái kèm lạm phát. Thêm nữa là sự khác biệt về chi phí đi vay (borrowing cost) giữa các nước ở Bắc và Nam Âu, trong đó đáng chú ý nhất là giữa Đức và Italy ngày càng gia tăng.

Sắp tới có thể Đức sẽ kêu gọi các nước EU hỗ trợ Berlin giảm nhẹ tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng thay vì cung cấp tài chính để giải quyết vấn đề kinh tế của các nước khác. Do vậy, Đức đã ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận tiết kiệm khí đốt của EU.

Vậy là tình hình EU có nhiều việc cũng rối như canh hẹ. Tại một Hội nghị thượng đỉnh lớn mà những đòi hỏi nhỏ (lời xin lỗi) không được thực hiện. Rồi những quan điểm khác nhau về hòa bình-chiến tranh, cụ thể là cuộc xung đột quân sự kéo dài Nga-Ukraine; cuộc xung đột Hamas – Israel đang ngày càng căng thẳng đang dẫn đến bất hòa, chia rẽ sâu sắc trong các tổ chức đa phương.

Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các tổ chức quốc tế cần nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế. Mọi cuộc xung đột phải được giải quyết thông qua con đường ngượi giao, đàm phán hòa bình. Cần có những trọng tài quốc tế có đủ uy tín và sức mạnh chứ không phải là những “trọng tài” sớm nắng chiều mưa, ngả theo một liên minh hay một khu vực.

Thế giới ngày nay đã khác. Nó không dễ nằm trong tay các nhà tài phiệt, các cường quốc ôm mộng bá chủ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới