Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững cú “tạt đầu” chuyên nghiệp

Những cú “tạt đầu” chuyên nghiệp

Ngày 26/10 vừa qua, Mỹ đã công bố đoạn video ghi lại khoảnh khắc một máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ bị máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc tiếp cận một cách “thiếu chuyên nghiệp”.

Một vụ tạt máy bay do thám Mỹ của máy bay Trung Quốc tháng 5/2023

Theo thông báo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, vụ việc diễn ra ngày 24/19, khi chiếc B-52H của không quân Mỹ tiến hành các hoạt động thường lệ trên Biển Đông, trong không phận quốc tế, thì bị chiếc máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc áp sát, bay qua phía trước và bên dưới cánh. Khoảng cách áp sát được cho là chỉ 3 mét. Nghĩa là, thiếu chút nữa, một vụ va chạm có thể xảy ra, hậu quả sẽ khôn lường.

J-11 là loại máy bay tiêm kích phản lực đa năng do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) sản xuất, có khả năng cơ động cao, bay ở độ cao tối đa 19.000m, tốc độ leo lên 300m/s. Tốc độ tối đa của J-11 đạt Mach 2.35 và tầm hoạt động 3.530 km. J-11 trang bị pháo 30 mm GSh-30-1 cùng nhiều loại tên lửa, bao gồm tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar PL-12, tên lửa không đối không tầm ngắn PL-9, dẫn đường bằng tia hồng ngoại (AAM). Lâu nay, J-11 được coi là niềm tự hào của không quân Trung Quốc, thường mang sánh với các loại chiến đấu cơ tối tân của các cường quốc quân sự.

Trở lại thông tin của trên của giới chức quân sự Mỹ, nhiều người nhận ra ngay hữu ý của nước này nhấn mạnh sự việc diễn ra khi chiếc B-52 đang hoạt động “thường lệ”. Nghĩa là gì? Nghĩa là, cùng với phản ảnh một vụ việc nghiêm trọng, Mỹ muốn “tố” Trung Quốc như một kẻ gây sự quá quắt, ngang ngược đến kỳ cùng.

Suy cho cùng, việc Mỹ giận dữ trong trường hợp này là điều có thể hiểu được. Sự việc về cái gọi là tiếp cận một cách “thiếu chuyên nghiệp” của Trung Quốc đối với máy bay (và cả tàu chiến) Mỹ đâu phải hy hữu hay thi thoảng mới xảy ra. Ngược lại, nó đang có xu hướng thành “chuyện thường ngày” vậy.

Đầu tháng 10 này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố số liệu cho biết: máy bay quân sự Trung Quốc đã thực hiện các hành động tiếp cận gần máy bay Mỹ gần 200 lần kể từ năm 2021. Chưa cần các nhà phân tích quân sự hay chuyên gia quốc tế, ai cũng thấy, 200 lần – đó là con số quá lớn, thật sự đáng lo ngại. Con số đó không chỉ phản ảnh trạng thái gầm gừ nhau giữa hai đối thủ, cũng là hai cường quốc khổng lồ về kinh tế và quân sự, tính tới thời điểm hiện nay, mà còn cho thấy, cùng với thời gian, sự căng thăng lại gia tăng thêm, và Trung Quốc không giấu diếm ý đồ đe dọa Mỹ bằng các vụ áp sát, tiếp cận trên trời dưới biển.

Chứng minh cho nhận định đó, nhiều người dẫn ra các vụ “tiếp cận” đáng ngờ xảy ra trong thời gian gần đây. Như vụ máy bay J-16 của Trung Quốc bay tạt qua phía đầu mũi của chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ ngày 26/5/2023 chẳng hạn. Hoặc trước đó, vào tháng 12/2022, cũng đã xảy ra một vụ việc tương tự giữa máy bay Trung Quốc và máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ, buộc máy bay Mỹ phải hốt hoảng đổi hướng để tránh va chạm.

Trên không đã thế, trên biển nào có khá hơn.Thi thoảng, Trung Quốc lại cho tàu chiến làm cú “cắt mặt” tàu Mỹ khiến thủy thủy đoàn Mỹ hốt hoảng. Nhiều người nhớ lại, ngày 4/6, trùng ngày kết thúc Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore, Hải quân Mỹ công bố một video về vụ việc mà họ gọi là “sự tương tác không an toàn” ở eo biển Đài Loan, trong đó một tàu chiến Trung Quốc “cắt mặt” chỉ cách mũi tàu khu trục Mỹ USS Chung-Hoon 137 m, khi tàu này cùng tàu hộ vệ Canada HMCS Montreal thực hiện chuyến quá cảnh “thường lệ” qua eo biển Đài Loan.

Hệ thống và phân tích các vụ việc “cắt mặt, cắt mũi” nguy hiểm mới thấy, là bên chủ động gây ra các tình huống nên gần như Trung Quốc chẳng mấy hô hoán la làng. Ngược lại, Mỹ hóa ra thành “nạn nhân” nên thường là bên thất thanh kêu la, tố cáo.

Thậm chí, Mỹ còn tỏ ra lo lắng trước về những vụ “tương tác không an toàn” có thể dẫn đến các tình huống “mất kiểm soát quân sự” giữa Mỹ và Trung Quốc – những tình huống mà nếu xảy ra, hậu quả của chúng sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chính thế, trước và trong Đối thoại Đối thoại Shangri-La – diễn đàn an ninh cấp cao hàng đầu thế giới, tổ chức tại Singapore đầu tháng 6 năm năm nay có sự tham dự của hơn nửa nghìn đại biểu từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cố tình ngồi gần để có được cuộc trao đổi ngắn về vấn đề kiểm soát quân sự giữa hai quóc gia, với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Chuyện không thành. Sau đó, trong chuyến thăm Trung Quốc trung tuần tháng 6, ngoại trưởng Mỹ Blinken cố công lần nữa câu chuyện này, nhưng cũng chỉ nhận được từ phía Trung Quốc những thông điệp được cho là “không rõ ràng”, đúng như dự cảm của ông Blinken trước chuyến đi, rằng: “Chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang tới đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc”.

Thế nên, ngẫm cho cùng, xảy ra thêm một hay nhiều hơn các vụ tiếp cận một cách “thiếu chuyên nghiệp” như vụ J-11 với máy bay B-52 vừa qua cũng đâu có gì khó hiểu. Ngược lại, nó chỉ chứng tỏ rằng cách gây sự của Trung Quốc rất chuyên nghiệp mà thôi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới