Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển ĐôngTình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng hơn

Tình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng hơn

Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 “Thu hẹp vùng biển xám, Mở rộng vùng biển xanh” tổ chức trong 2 ngày 25 và 26.10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đánh giá, Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng.

Quang cảnh phiên 1 của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 với chủ đề “Biển Đông: Chặng đường 15 năm qua”.

Xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới

Trong phiên 1 của hội thảo “Biển Đông: Chặng đường 15 năm qua”, các đại biểu cho rằng cách đây 15 năm không có nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, Biển Đông được cho là vấn đề tranh chấp song phương của các nước trong khu vực, và các nước không quan tâm nhiều đến các biện pháp quản lý xung đột.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới như:

(i) Đa phương hoá, quốc tế hoá;

(ii) Quân sự hoá các vùng biển và khu vực chiếm đóng;

(iii) Luật pháp quốc tế được đề cập trong quản lý tranh chấp.

Phán quyết của Toà trọng tài 2016 đã vẽ ra một bức tranh pháp lý rõ ràng cho Biển Đông khi quy định rõ quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông như đảo đá, bãi chìm, bãi nửa nổi nửa chìm và bác yêu sách lịch sử của đường 9 đoạn của Trung Quốc.

Tuy nhiên tranh chấp vẫn còn tiếp tục kéo dài căng thẳng do Trung Quốc không công nhận phán quyết, tiếp tục thực thi yêu sách đường 9 đoạn và gần đây mới công bố thành đường đứt đoạn;

(iv) Có nhiều hoạt động “vùng xám” ở trên biển bao gồm sự tham gia chuẩn bị kỹ lưỡng của các bên, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến như tàu thuyền hiện đại, vệ tinh, thiết bị bay không người lái để ghi hình và công bố các thông tin có lợi cho mình.

Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng. Đồng thời, các nước quan tâm hơn đến thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang có một số tiến triển tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số nội dung gây tranh cãi trong đàm phán COC như: phạm vi áp dụng, hiệu lực pháp lý, cơ chế thực thi, vai trò của bên thứ ba…

Những khía cạnh, yếu tố mới nói trên khiến vấn đề Biển Đông ngày càng nhận được sự quan tâm chú ý của cả cộng đồng quốc tế và khu vực, trong bối cảnh vai trò đó, vị trí của Biển Đông trong cuộc cạnh tranh kinh tế và chiến lược toàn cầu và ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.

Bất đồng, khác biệt cơ bản trong quan điểm của các nước lớn

Trong phiên 2 “Các nước lớn và những trách nhiệm lớn: Hợp tác và cùng chung sống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng?”, các học giả đã đánh giá về quan hệ nước lớn nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng, trong đó đề cập đến lợi ích và quan điểm của các nước lớn cũng như ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh công nghệ đến tình hình Biển Đông.

Đa số các học giả đồng tình rằng vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông là quan trọng, ưu tiên của mọi quốc gia và mong muốn tránh xảy ra đụng độ, đối đầu tại khu vực.

Tuy nhiên, trái với mong muốn trên, tình hình Biển Đông hiện nay đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều biến chuyển, năng lực tổng hợp của một số quốc gia thay đổi, đi kèm với đó là mong muốn xây dựng luật chơi mới phù hợp với vị thế nước lớn của mình.

Các học giả cho rằng, quan điểm của các nước lớn về vấn đề Biển Đông có sự bất đồng, khác biệt cơ bản. Một số quan điểm nhìn nhận vấn đề tranh chấp Biển Đông là vấn đề đa phương có ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Trong khi đó, một số quan điểm khác lại nhìn nhận vấn đề Biển Đông qua lăng kính cạnh tranh nước lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lòng tin giữa các nước và do đó khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng thêm.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng hành động xây dựng mạng lưới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép kiểm soát khu vực Biển Đông cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới hòa bình khu vực trong tương lai.

Bên cạnh đó, một số học giả cũng cho rằng các quốc gia vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm và cùng thúc đẩy hợp tác minh bạch trong lĩnh vực công nghệ – kỹ thuật ở khu vực Biển Đông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới