Vòng xoáy leo thang trên Biển Đông ngày càng xoáy vào tâm điểm với tốc độ mạnh hơn. Các bên liên quan đến vòng xoáy này chủ yếu là Trung Quốc và Philippines, đương nhiên có sự can dự mạnh mẽ của Mỹ.
Gia tăng căng thẳng bắt đầu từ đầu tháng 8/2023, đến nay đã qua ba tháng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên cớ chủ yếu là do có sự tranh chấp chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lần này chỉ thấy Bắc Kinh và Manila lớn tiếng chỉ trích nhau, và tấn công trên thực địa, còn Hà Nội thì giữ thái độ im lặng. Phải chăng Việt Nam đang vận dụng phép “tọa sơn quan hổ đấu” (ngồi trên núi xen hổ đánh nhau)?
Xin nhắc lại rằng, Bãi Cỏ Mây là thực thể tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Hiện Philippines đang kiểm soát rạn vòng này, dùng xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại đây (từ năm 1999) để làm chỗ đóng quân cho binh lính làm nhiệm vụ canh gác. Con tàu BRP chả khác nào “đó rách ngáng chỗ”.
Bốn “bên” cùng tuyên bố chủ quyền. Bãi Cỏ Mây có đến bốn tên gọi khác nhau. Philippines gọi bãi cạn này là Ayungin, còn Trung Quốc gọi là Ren ai Jiao. Như vậy, đến hiện tại, sau bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây trở thành điểm nóng thứ 2 trên Biển Đông.
Tại điểm nóng thứ 2 này suốt trong mấy tháng qua, căng thẳng tưởng như đã đến lằn ranh đỏ. Sự việc bắt đầu từ hôm 5/8 khi tàu hải cảnh Trung Quốc bấ ngờ sử dụng vòi rồng tấn công tàu tuần duyên và tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây.
Mới nhất là hôm 22/10 xảy ra 2 vụ va chạm liên tiếp giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc. Va chạm xảy ra khi Manila đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho con tàu – “đống rác sắt” Sierra Madre. Sau đó cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố sặc mùi chiến tranh. Cả hai bên cùng ném ra các video để ủng hộ cáo buộc của mình. Chưa “yên tâm”, Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để “cảnh cáo” về việc Bắc Kinh “lấy thịt đè người”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines – bà Teresita Daz – nói: “Bãi cạn Ayungin là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng tôi và chúng tôi có quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với bãi cạn đó. Hành động của Tuần duyên Trung Quốc là bất hợp pháp, nguy hiểm, khiêu khích và đáng trách”.
Đương nhiên là Bắc Kinh nóng gáy. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả: Chính tàu Philippines đã xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc, và “đụng chạm nguy hiểm” với các tàu tuần duyên Trung Quốc. Philippines cần “ngưng gây rắc rối và khiêu khích trên biển”.
Vì sao lần này Manila lại không hề run sợ? Phải chăng là họ tin tưởng vững chắc vào đồng minh Mỹ? Phải chăng họ đang được sự ủng hộ quốc tế, nhất là nhiều nước trong thế giới phương Tây tham góp sức mạnh tinh thần? Vì thế mà Philippines liên tục công bố các hình ảnh và video về việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc chặn sứ mệnh tiếp tế của Philippines tới Bãi Cỏ Mây.
Dịp này Mỹ liên tục đề cập đến Hiệp ước phòng thủ chung khi nói về Biển Tây Philippines. Washington tuyên bố, sự hỗ trợ tinh thần của các nước phương Tây đang trở thành vật chất, giúp Philippines chống chọi với Trung Quốc. Cụ thể các quốc gia này đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung, thậm chí bàn kỹ về việc Philippines sẽ vươn tới vị trí nào trong danh sách các quốc gia sẽ nhận được hỗ trợ quân sự quốc tế.
Tuy nhiên, chính quyền nhiều quốc gia thân cận Mỹ cho rằng, Mỹ cần thực hiện lời hứa hỗ trợ Philippines thông qua các hành động cụ thể. Phải bắt đầu ngay, đừng dền dứ lâu quá, vì Trung Quốc đang thử thách ranh giới đỏ của Washington. Nếu người Mỹ không mạnh mẻ hơn, không làm nhiều hơn thì điều đó sẽ là tín hiệu chứng tỏ rằng Trung Quốc đang thành công trong việc vượt giới hạn.
Mặc dù vậy, Trung Quốc, cho đến lúc này, chưa sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại Philippines. Việc đâm va tàu và phun vòi rồng chỉ là những chiến thuật phổ biến, bẻ đũa từng cái, chứ không thấy có dấu hiệu leo thang toàn diện. Bắc Kinh có dấn thêm một bước dứt khoát hay không tùy thuộc vào phản ứng của Washington.
Theo ông Justin Baquisal – nhà phân tích địa chính trị ở Manila – Trong những ngày qua, cả Trung Quốc và Philippines đều bị áp lực phải tăng cường hành động. Càng tăng áp lực thì càng bị mắc kẹt trong vòng xoáy leo thang rất khó gỡ rối.
Phản ứng của Bắc Kinh về ngoại giao rõ nhất thể hiện qua phát biểu của Người phát ngôn Mao Ninh: Các cam kết quốc phòng của Mỹ với Philippines không được suy yếu quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn ủng hộ các yêu sách phi lý của Philippines thì càng chứng tỏ bản chất ngạo mạn của sen đầm quốc tế.
Thái độ của Nhà Trắng bình tĩnh nhưng cương quyết. Ông Joe Biden khẳng định: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu, hoặc lực lượng vũ trang của Philippines sẽ… kích hoạt Hiệp phòng thủ chung của chúng tôi với Philippines”.
Ông Biden làm thật hay “dọa” thì chỉ có ông mới trả lời được.
H.Đ