Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được hàng chục quả lựu đạn đá cổ trong kho vũ khí dọc Vạn Lý Trường Thành.
Theo đó, 59 quả lựu đạn đá được thực hiện ở khu vực phía tây đoạn Bát Đạt Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành.
Bát Đạt Lĩnh là khu vực được nhiều du khách tới tham quan nhất của Vạn Lý Trường Thành. Khu vực này nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kinh khoảng 80 km về phía tây bắc.
Shang Heng – nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Bắc Kinh – chia sẻ với Tân Hoa Xã, đây là lần đầu tiên một kho vũ khí cổ được phát hiện dọc theo Vạn Lý Trường Thành.
“Những viên đá tưởng chừng như không có gì đặc biệt này có một lỗ tròn ở giữa để nhét thuốc súng. Sau khi đầy thuốc súng và bít chặt lại, những viên đá này sẽ bị ném đi nhằm đánh trúng kẻ thù cũng như gây nổ để đánh bại kẻ thù” – nhà nghiên cứu Shang nói.
Những quả lựu đạn đá được cho là vũ khí của binh sĩ dọc Vạn Lý Trường Thành vào thời nhà Minh (1368-1644).
Các nhà khảo cổ cũng từng tìm thấy khoảng 400 quả lựu đạn trong các cuộc khai quật Vạn Lý Trường Thành nhưng chưa bao giờ chúng được cất trong một kho vũ khí như phát hiện lần này.
SCMP nhận định, kho vũ khí cổ vừa phát hiện cung cấp thêm hiểu biết sâu sắc về chiến lược quân sự thời nhà Minh để bảo vệ Vạn Lý Trường Thành.
Ma Luwei – nhà khảo cổ học chuyên về lịch sử quân sự Trung Quốc – chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu rằng, trong việc bảo vệ Vạn Lý Trường Thành khỏi kẻ thù xâm lược, lựu đạn đóng vai trò quan trọng.
Lựu đạn thường được cất trong các lỗ bên trong những viên đá rỗng cỡ trung bình để dễ dàng xác định vị trí và nhắm vào kẻ thù trong quá trình tấn công.
Dự án khảo cổ Trung Quốc gần đây cũng phát hiện ra một pháo đài bằng đá dọc theo Vạn Lý Trường Thành. Đây là lần đầu tiên một pháo đài như vậy được tìm thấy dọc theo phần tường thành Bát Đạt Lĩnh.
Pháo đài này được sử dụng để bắn đại bác hỗ trợ tự vệ. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều cổ vật làm sáng tỏ cuộc sống hàng ngày và văn hóa của những người đã dành cả ngày sống tại Vạn Lý Trường Thành và ở xung quanh.
Được coi là đoạn có kiến trúc phức tạp nhất của Vạn Lý Trường Thành, đoạn Bát Đạt Lĩnh đã được khai quật 110 lần từ năm 2000 đến năm 2022.
Trong đó, đợt khai quật năm 2021 cung cấp những bằng chứng rõ ràng nhất về cách xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc bao gồm 21.000 km tường nối liền nhau, một số đoạn tường thành có niên đại 2.000 năm. Vạn Lý Trường Thành không phải là một cấu trúc đồ sộ liền mạch bởi có những khoảng trống lớn giữa các phần.
T.P