Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và cựu Ngoại trưởng Tần Cương đều do một tay ông Tập Cận Bình đề bạt nhưng gần đây đã lần lượt bị cách chức. Biến động nhân sự cấp cao của Trung Nam Hải đang là tâm điểm chú ý của ngoại giới.
Vào ngày 24/10, chính quyền Trung Quốc chính thức tuyên bố ông Lý Thượng Phúc đã bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Quốc vụ viện và Ủy viên Quân ủy Trung ương. Cùng lúc, ông Tần Cương, người đã bị cách chức Ngoại trưởng hồi tháng 7, cũng bị cách chức Ủy viên Quốc vụ viện.
Cả ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương đều được ông Tập Cận Bình thăng chức chỉ trong một thời gian ngắn. Ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 12 năm ngoái. Hồi tháng 3 năm nay, ông Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai cũng được thăng chức Ủy viên Quốc vụ viện, trở thành phó lãnh đạo cấp nhà nước.
Nhưng chỉ vài tháng sau, cả hai ông lại lần lượt “biến mất” và cuối cùng bị cách chức, trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ủy viên Quốc vụ vốn có 5 người thì nay chỉ còn lại 3.
Tiến sĩ Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một học giả văn hóa lịch sử, nhà bình luận thời sự, đồng thời là Phó giáo sư Khoa Nhân văn tại Đại học Feitian, Mỹ đã phân tích trên kênh cá nhân vào ngày 24/10 rằng, có 4 điểm bất thường sau khi ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương lần lượt bị cách chức, nó cho thấy ông Tập Cận Bình không biết nên tin tưởng ai.
Thứ nhất là tới nay chính quyền vẫn chưa công bố lý do cách chức ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương.
Thứ hai là chính quyền không công bố kết quả điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.
Thứ ba là chính quyền chưa công bố người kế nhiệm ông Lý Thượng Phúc.
Thứ tư là chính quyền chưa công bố thời điểm diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Chương Thiên Lượng nói, hiện nay ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc vẫn là Ủy viên Trung ương, nhưng trong ít nhất một tháng tới chính quyền sẽ không triệu tập Phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương. Có khả năng phiên họp sẽ được đẩy sang cuối tháng 12, đã nhiều thập kỷ rồi mới xuất hiện một hiện tượng đặc biệt như thế này.
Trong thời gian ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương mất tích, tin tức hai ông bị điều tra cũng được lan truyền rộng rãi. Nhưng nhà chức trách Trung Quốc luôn lấy lý do sức khỏe để giải thích với thế giới bên ngoài, và không đưa ra lý do nào khác kể cả khi ra công bố cách chức.
Một số nhà phân tích cho rằng chỉ trong vài tháng, hai quan chức ở các vị trí đối ngoại chủ chốt là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng đã lần lượt bị cách chức, điều này cho thấy hệ thống chính trị Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình ngày càng mờ ám.
Ông Dennis Wilder, nhà nghiên cứu cấp cao tại “Sáng kiến Đối thoại Mỹ – Trung về các vấn đề toàn cầu” (Initiative for U.S.-China Dialogue on Global Issues) của Đại học Georgetown, Mỹ viết trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter) vào ngày 24/10 rằng, “Điều vô cùng kỳ quái là, Bắc Kinh vẫn không đưa ra lời giải thích nào cho việc Lý Thượng Phúc hay Tần Cương mất chức. Việc này khiến [chính quyền] Trung Quốc trông có vẻ như đang bị rối loạn chức năng”.
T.P