Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển ĐôngThế hệ kế cận các nước nhấn mạnh giải pháp hòa bình...

Thế hệ kế cận các nước nhấn mạnh giải pháp hòa bình tại Biển Đông

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại TP.HCM ngày 26-10 cho thấy các vấn đề ở Biển Đông luôn sôi động trên nhiều lĩnh vực. Hội thảo cũng tạo không gian cho thế hệ kế cận của các quốc gia liên quan học hỏi và chia sẻ.

Các đại biểu trẻ thảo luận tại buổi hội thảo ngày 26-10

Hợp tác cảnh sát biển
Trong phiên 5 “Vai trò của cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông”, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển ở khu vực.

Ý kiến của các học giả hầu hết đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao cảnh sát biển, trong đó các nước vừa và nhỏ nên đẩy mạnh hợp tác, tương tác, hành động nhất quán và đoàn kết dựa trên luật pháp quốc tế để tạo sức mạnh tập thể.

Bên cạnh đó, tham dự hội thảo qua hình thức trực tuyến, bà Paola Pampaloni – quyền vụ trưởng Vụ châu Á và Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) – phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương.

Bà Pampaloni cho biết Liên minh châu Âu (EU) có lợi ích chiến lược và kinh tế sống còn gắn liền với an ninh trên không gian biển và sự thịnh vượng của các quốc gia ven Biển Đông. Vì vậy, EU phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ.

Bà Pampaloni cũng khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là “ngọn đèn dẫn đường”, “kim chỉ nam” định hướng cho giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực.

Tài nguyên và cơ sở hạ tầng đáy biển

Phát triển điện gió ngoài khơi, chuyển đổi năng lượng và khai thác tài nguyên đất hiếm là nội dung được thảo luận tại phiên 6 của buổi hội thảo.

Có ý kiến cho rằng việc khai thác điện gió ngoài khơi cần chú ý quy định của UNCLOS 1982 liên quan đến khu vực an toàn 500m và các “biện pháp phù hợp” để bảo đảm an toàn giao thông hàng hải.

Hội thảo cũng nêu lên vấn đề cho việc tài nguyên biển sâu ở khu vực nằm ngoài vùng tài phán quốc gia là tài sản chung của nhân loại và bên nào sẽ có quyền tiếp cận với nguồn tài nguyên này.

Khai thác tài nguyên biển sâu vì vậy không chỉ là vấn đề môi trường mà còn đang trở thành vấn đề địa chính trị trong cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn.

Ngoài ra, hội thảo cũng bàn về cơ sở hạ tầng dưới đáy Biển Đông, trong đó có hệ thống cáp ngầm để kết nối và truyền tải thông tin, dữ liệu.

Mạng lưới cáp ngầm là hạ tầng cứng, không thể di chuyển, cùng với vị trí nằm dưới đáy biển dẫn đến việc khó giám sát và mất thời gian xử lý sự cố, khiến hệ thống này dễ trở thành mục tiêu tấn công và bị phá hoại.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng các quốc gia cần đặt an ninh cơ sở hạ tầng đáy biển là cơ sở hạ tầng thiết yếu, ở mức ưu tiên tương đương với an ninh kinh tế, quốc phòng.

Biển Đông và thế hệ kế cận

Hội thảo năm này dành phiên đặc biệt cho các bài tham luận của đại diện thanh niên từ Úc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA).

Trả lời Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nicolás Antonio, sinh viên khoa luật tại Đại học Philippines, nhấn mạnh về các giải pháp hòa bình cho khu vực.

“Chúng tôi không muốn chiến tranh. Điều chúng tôi muốn là đối thoại và luật pháp, với gốc rễ là các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, anh Antonio nói.

Bên cạnh đó, Antonio cho rằng người trẻ cũng có cách riêng để đóng góp cho các vấn đề hiện tại ở Biển Đông.

“Chúng ta là thế hệ của mạng xã hội, chúng ta có thể dùng tiếng nói của mình để lên tiếng cho những người đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến từ một quốc gia mà những ngư dân là nhóm nghèo thứ hai, tôi tin rằng mình có thể dùng mạng xã hội để giúp câu chuyện của họ sáng tỏ”, Antonio nói thêm.

Theo bạn Đinh Thị Tùng Lâm, sinh viên năm thứ tư ngành luật quốc tế, Học viện Ngoại giao (Việt Nam), việc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay dành một phiên để người trẻ được chia sẻ và lắng nghe là rất hữu ích.

“Tôi nghĩ rằng các vấn đề xoay quanh Biển Đông là rất phức tạp, không chỉ giải quyết trong hiện tại mà còn ở tương lai. Vì vậy, tiếng nói của người trẻ rất cần được lắng nghe và tôn trọng”, Lâm chia sẻ.

Phát biểu bế mạc hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, phó giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh việc cần hướng tới tương lai, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà lãnh đạo trẻ khu vực quan tâm, hiểu biết và có thói quen đối thoại và hợp tác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới