Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoan nghênh và… thủ thế

Hoan nghênh và… thủ thế

Có một sự kiện diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 27 đến 31/10 đang được dư luận quốc tế quan tâm. Người ta không thể không chú ý bởi vì đây là sự kiện mang tính ngoại giao-quân sự; là sự kiện lúc đầu là “nội bộ” nhưng dần dần mang tầm quốc tế.

Cái giỏi của Trung Quốc là thế. Họ khôn khéo kéo thiên hạ vào cuộc, bàn đủ thứ chuyện trên giời dưới biển, nói toàn chuyện hay ho về mình, nhưng không cẩn thận là sa bẫy ngoại giao.

Sự kiện vừa nhắc ở trên là Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10. Gần 30 năm qua, sự kiện này trở thành Hội nghị thường niên lớn nhất của Trung Quốc và ngày càng có sự tham gia của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Diễn đàn Hương Sơn tổ chức lần đầu vào năm 2006, theo kế hoạch hai năm họp một lần. Thế nhưng, từ năm 2014 bắt đầu diễn ra thường niên. Năm 2017 phải hoãn một lần. Từ năm 2018 chính thức đổi tên thành Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh. Thêm định danh Bắc Kinh vào chính là dán nhãn quốc tế, là tạo tính hợp pháp cho Diễn đàn. Đó lại thêm một cái giỏi nữa của Trung Quốc, cũng là “chiến thuật bắp cải”, gỡ dần từng lớp.

Lúc mới hình thành tổ chức này, Diễn đàn được “đỡ đầu” bởi Hiệp hội khoa học quân sự Trung Quốc (CAMS). Hiệp hội cho biết, đây là một hoạt động ngoại giao kênh 2 với sự tham gia của các học giả không có chức quyền. Sau đó Diễn đàn được nâng trọng lượng lên thành hoạt động ngoại giao kênh 1,5 với sự tham gia của các quan chức (bên cạnh các học giả “có chữ mà không có chức”) nhằm tăng thêm tiếng vang, phục vụ cho “hoạt động ngoại giao quốc phòng của Trung Quốc”.

Thế rồi, do tình hình Biển Đông ngày càng nóng bỏng, mà chính Trung Quốc là tác nhân gây phức tạp, căng thẳng, cho nên nước chủ nhà quyết định tăng tốc tổ chức Diễn đàn, từ hai năm một lần sang hằng năm, để “tăng cường hợp tác, kịp thời ứng phó tình hình”. Điều này có học giả ví von, Trung Quốc quẳng người ta xuống ao rồi hô hoán tìm cách cứu vớt.

Gọi là hội nghị mang tầm quốc tế, nhưng nội dung thì do Bắc Kinh quyết định. Nội dung bao trùm nghe thật khoái lỗ nhĩ: “Tinh thần của chúng ta là dung thứ lẫn nhau và bình đẳng truyền thông… nhằm thu thập tất cả trí tuệ, mở rộng sự đồng thuận, nâng cao sự hợp tác và thúc đẩy nền hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

À, thì ra ông bạn tốt này mời chúng tôi đến để chơi, kết hợp bàn luận chút công việc. Khách chỉ việc nói theo vấn đề đã định sẵn là dựng xây hòa bình và ổn định cho châu Á – Thái Bình Dương, thứ “hòa bình và ổn định” trong khuôn khổ mà Trung Quốc đặt ra.

Qua 9 lần tổ chức Diễn đàn, nếu ai quan tâm theo dõi và tổng kết, có thể thấy rõ, đây chẳng khác nào một hệ thống loa “một kênh” (thay vì “hai kênh” hay “đa kênh”). Tại Diễn đàn lần này, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có hồi kết, chiến tranh nóng bỏng tại khu vực Dải Gaza có nguy cơ lan khắp Trung Đông, Trung Quốc hy vọng sử dụng diễn đàn này để thúc đẩy tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về một thế giới an toàn hơn, đưa các nước đang phát triển lại gần nhau hơn. Diễn đàn kêu gọi các nước đang phát triển chống lại sự đối đầu giữa các khối và “tâm lý chiến tranh lạnh”.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10/2023 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa có Bộ trưởng quốc phòng mới sau khi ông Lý Thượng Phúc bị miễn nhiệm chức vụ này hôm 24/10. Ông Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương dẫn đầu đoàn Trung Quốc.

Diễn đàn đã đón các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và các tổ chức tư vấn, cũng như các chuyên gia và học giả nổi tiếng của hơn 100 quốc gia. Trong số này có tới 22 Bộ trưởng quốc phòng và 14 chỉ huy quân đội các nước. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn hôm 30/10. Mỹ cử phái đoàn do bà Xanthi Carras, Giám đốc phụ trách chính sách Trung Quốc tại Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.

Đáng chú ý là Việt Nam, đoàn do ông Phan Văn Giang, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu. Và ông Giang cũng được mới phát biểu trong phiên khai mạc. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã có một vị thế, uy tín quốc tế lớn.

Được phát biểu ở top đầu, ông Phan Văn Giang nhắc lại chủ trương “bốn không” của Hà Nội trong lĩnh vực quốc phòng. Ông giải thích: “Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương của Việt Nam với các nước được thực hiện công khai, minh bạch và không làm phương hại đến lợi ích của các nước khác”.

Ông Giang cũng đưa ra 5 trọng tâm, mong muốn các quốc gia hưởng ứng, trong đó có “tôn trọng sự đa dạng, tính đặc thù, điều kiện riêng của từng quốc gia, nhưng luôn hướng tới sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức, trách nhiệm, hành động trước các vấn đề an ninh toàn cầu. Kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương; củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế đa phương cũng như cơ chế hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực và thế giới”.

Rất sách lược, dùng chiến thuật “tâm công”, ông Phan Văn Giang dẫn hai câu nói của Khổng Tử: “Đại đạo chi hành, thiên hạ vi công”, nghĩa là: Khi đạo lý lớn được thực thi thì thiên hạ là của chung. Hai câu nói này nói về “thế giới đại đồng”, hẳn được cả Bắc Kinh và Đài Bắc hài lòng.

Không khí chung ở “Diễn đàn 10” là vẫn nêu cao cảnh giác, sôi sục trong lòng, mềm mỏng vẻ ngoài. Vì sao thế, vì châu Á – Thái Bình Dương đã nhìn rõ một thực tế mới. Rằng các thế lực như Mỹ, NATO, EU… dường như đã trở thành “đồ cổ”, cùng một Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an “hữu danh vô thực”, trong khi luật lệ quốc tế, bao gồm UNCLOS, đường như dễ bị thay thế bằng sức mạnh cơ bắp (!).

Vì thế, các nước trong khu vực phải xích lại gần nhau, mà không nhất thiết phải dựa vào các “ông lớn” nào. Các thách thức an ninh Thái Bình Dương phải cần các giải pháp an ninh Thái Bình Dương.

Mặc cho căng thẳng Trung – Mỹ không hạ nhiệt, song không vì thế mà gây ra sự phân hóa các quốc gia, nhất là khu vực ASEAN. Vì thế, phía sau những bài phát biểu trịnh trọng, những tràng vỗ tay kéo dài, là sự thủ thế, là những tính toán khôn ngoan.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới