Sau cái chết bất ngờ của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 27/10, ĐCSTQ đã kiểm duyệt và chặn các bình luận của cư dân mạng cũng như kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tưởng niệm. Tuy nhiên, rất đông người đã đến nơi ở cũ của Lý Khắc Cường để đặt hoa. Các nhà phân tích cho thấy người dân không hề nhớ đến Lý Khắc Cường mà chủ yếu lợi dụng việc đặt hoa để trút bỏ sự bất mãn với xã hội.
Sau khi truyền thông ĐCSTQ thông báo về cái chết của Lý Khắc Cường vào sáng sớm ngày 27/10, nhiều nền tảng xã hội khác nhau ở Trung Quốc đã bị kiểm duyệt nghiêm ngặt các bình luận liên quan đến ông Lý Khắc Cường, nhiều bình luận bị khóa và các từ khóa liên quan cũng bị chặn.
Trên Weibo, hầu hết các cuộc thảo luận về “cái chết của Lý Khắc Cường” đều đã được lọc hoặc xóa, chỉ còn lại các biểu tượng cảm xúc như “ngọn nến”, “mặt khóc” và những dòng chữ đơn giản như “Chúc một chuyến đi tốt đẹp”.
Một số cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ kiệt tác “Thật tiếc không phải là em” (可惜不是你) của ca sĩ Malaysia Leong Tĩnh Như trên mạng xã hội để bày tỏ hy vọng rằng người chết không phải là Lý Khắc Cường.
Nhưng weibo đã nhanh chóng chặn kết quả tìm kiếm “Thật tiếc không phải là em” (可惜不是你). Đêm hôm đó, kết quả tìm kiếm “Leong Tĩnh Như” lại bị chặn. Đồng thời, WeChat cũng đóng khu vực bình luận dưới bản gốc và bản cover của “Thật tiếc không phải là em”, không cho cư dân mạng để lại tin nhắn.
Từ ngày 27/10 rất đông người dân đã tự phát đến nơi ở cũ của Lý Khắc Cường để đặt hoa bên ngoài tòa nhà số 80 đường Hồng Tinh, đại lộ Huy Châu, thành phố Hợp Phì. Đêm hôm đó, con đường tràn ngập hoa cúc vàng và trắng, cùng nhiều bó hoa kèm theo thiệp chúc ông một chuyến đi vui vẻ. Trong số đó có những người ký tên “Nữ sinh trung học số 8” và “Sinh viên đại học An Huy”.
Ngày 28/10, rất đông người dân tiếp tục đến đặt hoa, tưởng niệm, lực lượng chức năng đường phố mặc áo xanh và cảnh sát túc trực tại hiện trường. Một số người có mặt tại hiện trường treo biểu ngữ với dòng chữ: Tưởng nhớ Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Một người làm truyền thông tại Trung Quốc tên Vương Minh (hóa danh) nói với The Epoch Times rằng, Lý Khắc Cường đã nói sự thật bằng hết khả năng của mình khi ông còn nắm quyền. Ví dụ, vào năm 2020, khi các phương tiện truyền thông đang quảng bá những lời dối trá như thành tựu to lớn của chính sách ‘xóa đói giảm nghèo’ và Trung Quốc là một quốc gia phát triển. “Lý Khắc Cường đã đứng lên và cho rằng thu nhập hàng tháng của 600 triệu dân Trung Quốc rất thấp, không quá 1.000 nhân dân tệ. Điều này thật đáng khen ngợi, rất nhiều người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo đều rất có tình cảm với ông ấy”.
Tuy nhiên, Vương Minh cho biết: “Nhiều người đến nơi ở cũ của Lý Khắc Cường để tỏ lòng kính trọng, không phải vì nhớ Lý Khắc Cường. Họ tận dụng cơ hội này để bày tỏ sự không hài lòng nào đó với cuộc sống, công việc, v.v.”.
“Bởi vì dưới sự kiểm soát áp lực cao của chính quyền nên dân chúng bất bình rất lớn. Toàn xã hội như một cái nồi áp suất. Hơn nữa, môi trường kinh tế không tốt, nhiều người thất nghiệp, mọi người đều không có cảm giác an toàn”.
Vương Minh cho biết: “Vào ngày 18/10, dữ liệu tìm kiếm nhập cư của Trung Quốc – chỉ số WeChat đạt hơn 500 triệu. Điều đó có nghĩa là, trong bối cảnh môi trường tổng thể không tốt, suy nghĩ của người dân đã thay đổi và chuyển hướng, một sự việc bất ngờ như vậy cũng có thể trở thành bước đột phá để nhiều người bộc lộ sự bất mãn với thực tế”.
“Có thể sẽ có một phong trào sinh viên trong trường học, và một số sinh viên có thể tưởng nhớ Lý Khắc Cường, đặc biệt là sinh viên Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Họ có thể nhân cơ hội này để tổ chức một số hoạt động. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, ngay cả khi có một hoạt động như vậy, cũng khó có thể nói liệu có thể đạt được kết quả gì hay không, tôi cho rằng sẽ không có nhiều chấn động”, ông nói.
Vào ngày 27, Triệu Lan Kiện, một nhân viên truyền thông Trung Quốc ở Hoa Kỳ, đã đăng một đoạn video quay cảnh mọi người đặt hoa trên bục X kèm theo dòng chữ giới thiệu: “người dân Trung Quốc phớt lờ sự đàn áp của chính quyền và mạo hiểm để tưởng nhớ ông Lý Khắc Cường”.
Ông nói rằng tất cả các trường đại học ở Trung Quốc hiện đã được thông báo, yêu cầu giám sát chặt chẽ việc các hoạt động của sinh viên để ngăn chặn tình trạng bất ổn. Một số người dân đã nhận được cuộc gọi từ đồn cảnh sát địa phương, yêu cầu không in những lời chia buồn về Lý Khắc Cường.
Ông tin rằng trong vài ngày tới, có thể sẽ diễn ra các cuộc diễu hành quy mô lớn ở Trung Quốc để tưởng nhớ Lý Khắc Cường. ĐCSTQ đang lên kế hoạch ngăn chặn các buổi lễ tưởng niệm hoặc diễu hành quy mô lớn.
Luật sư Phúc lợi công cộng Trung Quốc Trương Ngang (hóa danh) nói với The Epoch Times: “Các buổi lễ tưởng niệm trong dân chúng, chắc chắn sẽ được chính quyền duy trì ổn định. Bởi vì sự kiện Lục Tứ (4/6/1989) nổ ra sau cái chết của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, nên chính quyền rất lo lắng về sự tái diễn của sự kiện Lục Tứ đó. Hiện tại, chính quyền đã sử dụng mọi công nghệ cao, người dân có bày tỏ chút tiếc nuối đối với Lý Khắc Cường thì chính quyền sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát tình hình, tránh để nó lan rộng”.
“Người dân phàn nàn rất nhiều vì kinh tế suy thoái, đặc biệt là chính sách ‘zero Covid’ kéo dài 3 năm đã khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc trả nợ, hiện tại nhiều người sống không bằng chết. Chính quyền lo lắng người dân sẽ lợi dụng cái chết của Lý Khắc Cường để bày tỏ sự bất bình với chế độ, từ đó gây ra tình trạng bất ổn”.
Ông Giới Lập Kiến, Bí thư Chấp hành Tổng bộ liên hợp Đảng Dân chủ toàn quốc Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Tình hình hiện tại ở Trung Quốc không giống như thời Hồ Diệu Bang, lúc đó có nhiều người dám hành động, và Hồ Diệu Bang thực sự là một nhà cải cách, người dân đã đặt hy vọng vào ông, Lý Khắc Cường không thể so sánh được, mặc dù tỷ lệ tán thành đối với Lý Khắc Cường cao hơn Tập Cận Bình nhưng nhiều người khá thất vọng với 10 năm nắm quyền của ông và cảm thấy ông chưa đạt được thành tích gì đáng kể”.
Ông Giới Lập Kiến tin rằng, “trong hai năm qua, chính quyền ngày càng nghiêm ngặt hơn trong việc kiểm soát người dân. Dù bạn đi đâu, bạn đều bị kiểm soát. Các phương pháp giám sát bao gồm mạng lưới, ứng dụng di động của mọi người và luật chống gián điệp, trong đó khuyến khích con cái theo dõi cha mẹ, thầy cô giáo, càng quản thì càng nghiêm. Dưới loại khủng bố trắng này, việc lợi dụng sự việc Lý Khắc Cường để phản kháng thì khả năng thành công rất thấp”.
T.P