Saturday, September 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuốc đảo Cuba – giao điểm của ba vùng biển lớn (phần...

Quốc đảo Cuba – giao điểm của ba vùng biển lớn (phần 2)

Cuba là nước có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thấp nhất khu vực Mỹ La Tinh. Tuy dịch vụ này đã tồn tại từ những năm 1991, nhưng lại chịu sự hạn chế đáng kể từ chính quyền Cuba và chỉ có người nước ngoài, công dân Cuba làm trong các công ty nước ngoài hoặc quan chức cấp cao của chính phủ mới được sử dụng điện thoại di động.

Havana cổ là một trong những nơi thuộc La Havana và được thành lập vào năm 1519 bởi người Tây Ban Nha

II – Quốc gia có 9 di sản thế giới

Tháng 3/2008, Chủ Tịch Cuba khi đó là ông Raul Castro đã dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng điện thoại di động. Có thể nói, đây là một bước tiến quan trọng trong việc nới lỏng một số hạn chế của quốc gia này cũng như tiền đề để người dân quốc gia này có thể tiếp cận với các phương tiện hiện đại nhằm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đa số người dân Cuba không đủ điều kiện để chi trả cho việc sử dụng di động một cách thoải mái do giá cước dịch vụ di động ở đây khá đắt. Vào thời điểm đó, người nước ngoài và các công ty phải trả tới 120 đô la để hòa mạng di động và sau đó trả hơn 0,5 đô la cho mỗi phút gọi trong nước. Chi phí gọi đi quốc tế còn đắt hơn nhiều. Ví dụ như gọi sang Mỹ phải trả 2,7 đô la mỗi phút, Mexico là 2,5 đô la và các nơi khác trên thế giới là 5,5 đô la.

Tiếp theo là Internet, mặc dù là một quốc gia đã đạt được những thành tựu vượt trội trong lĩnh vực giáo dục, nhưng trong lĩnh vực internet thì Cuba được xem là một trong những quốc gia có hạ tầng mạng tệ nhất thế giới, mà một trong số những nguyên nhân lại đến từ chính sách hạn chế thông tin của chính phủ. Vào năm 2014, chỉ có khoảng 30% người dân tại đây có thể truy cập mạng internet.

Không chỉ hạ tầng mạng tệ, người dân Cuba còn phải chịu mức phí truy cập internet rất cao, phần lớn là thường thông qua các mạng wifi công cộng với giá 2 đô la mỗi giờ. Lấy ví dụ như lương của một người lao động bình thường tại Cuba là 45 đô la một tháng. Nếu người đó sử dụng wifi liên tục trong một ngày thì sẽ mất hết nguyên một tháng lương.

Trong những năm gần đây, Cuba đã bắt đầu phát triển dịch vụ di động và cho phép người dân sử dụng điện thoại để truy cập internet, nhưng việc này vẫn phải đối mặt với hạn chế về giá cước và tốc độ truy cập. Mặc dù họ đã lắp đặt các cáp quang dưới biển để cải thiện tốc độ và khả năng truy cập, theo Bộ Truyền thông Cuba vào năm 2019 đã có 7,1 triệu người sử dụng internet tại đất nước này, tương đương 63% dân số. Số điểm truy cập internet công cộng tại Cuba cũng tăng lên và đạt 1.500 điểm. Ngoài ra, thì tốc độ băng thông quốc tế cũng tăng lên 30%.

Khi đến thủ đô Havana, bạn sẽ phải trầm trồ vì những chiếc xe cổ đầy màu sắc di chuyển tại đây. Với dân thích sưu tập, đường phố nơi đây có thể là thiên đường, nhưng với người dân Cuba thì nó là đơn thuần bởi không có lựa chọn nào khác.

Việc bị cấm vận trong một khoảng thời gian dài đã dẫn đến việc không có nhiều thương hiệu ô tô du nhập vào quốc gia này. Điều này đã khiến cho người dân phải dùng những mẫu xe cổ từ nhiều thập kỷ trước. Mặc dù sau năm 2013, việc mua ô tô mới trở nên dễ dàng hơn do sự nới lỏng chính sách từ nhà nước, nhưng giá xe vẫn còn quá cao so với thu nhập của người dân. Vì không có điều kiện sử dụng xe mới, nên người dân Cuba bất đắc dĩ trở thành những thợ kỹ thuật để sửa những chiếc xe cũ kỹ. Phụ tùng cũng khá khan hiếm và chỉ xuất hiện trên thị trường chợ đen.

Ngày nay, những chiếc xe cổ ở Cuba không chỉ đóng vai trò là phương tiện giao thông cho người dân tại đây, mà còn đặc biệt quan trọng trong ngành du lịch. Tuy một số mẫu xe có giá trị cao, nhưng vẫn không thể bán ra do chính sách cấm vận. Dù vậy, những chiếc xe này vẫn là một phần không thể thiếu của bức tranh văn hóa độc đáo và cuốn hút tại Cuba.

Các di sản thế giới nổi tiếng

Du lịch Cuba là một hành trình mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách từ các công trình có giá trị lịch sử hay có kiến trúc cổ điển cho đến những bãi biển tuyệt đẹp và nền văn hóa đặc sắc. Đây cũng là quốc gia có đến 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận.

1, Khu Phố Cổ Havana

Nằm ở trung tâm thành phố Havana, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1982.

Trong thời thuộc địa, thành phố vốn là nơi đầu tiên mà các hạm đội Tây Ban Nha đổ bộ vào Tân Thế giới và trở thành bàn đạp cho cuộc chinh phục Châu Mỹ của đế quốc này. Chính vì vậy, thành phố này hiện không chỉ là trung tâm kinh tế và thương mại hàng đầu của Cuba, mà nó còn là nơi lưu trữ nhiều di tích và công trình kiến trúc lịch sử thời thuộc địa.

Đặc biệt, khi đến với khu phố Cổ Havana, du khách có thể ghé thăm rất nhiều địa danh nổi tiếng, những các công trình hành chính, quân sự hay văn hóa nổi bật gắn liền với những thăng trầm lịch sử, như Pháo đài San Carlos de la Cabaña, Nhà thờ Havana hay Nhà hát Lớn Havana.

2, Trinidad và Thung lũng Vod Ingenious

Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1988. Trinidad là một thành phố thuộc tỉnh Sirnati Ingenious nơi đây có những tòa nhà cổ được xây dựng từ những năm của thế kỷ 18, vô cùng cổ kính, như Tòa Kangero Pallacio, Pallacio Rules… Trong thời kỳ thuộc địa, thành phố này phát triển vô cùng thịnh vượng, phần lớn là nhờ vào sự thành công của ngành công nghiệp mía đường tại địa phương. Trong đó, Thung lũng Vod Ingenious nằm ở tỉnh Twindidas là nơi có rất nhiều những nhà máy đường mía cùng với những trang trại gia súc và đồn điền thuốc lá rộng lớn bậc nhất tại Cuba.

3, Lâu đài San Pedro de la Roca

Được xây dựng vào năm 1637 với mục đích tạo thành một pháo đài vững chắc và kiên cố để bảo vệ hải cảng quan trọng Santiago de Cuba. Tòa lâu đài này được thiết kế dựa trên kiến trúc thời kỳ Phục Hưng và hiện là nơi lưu giữ nhiều công sự phòng thủ quân sự có giá trị lịch sử. Vào năm 1997, Lâu đài San Pedro de la Roca đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

4, Vườn Quốc gia Del Granma

Một vườn quốc gia nằm ở tỉnh Granma phía Đông Nam của quốc đảo này. Vườn quốc gia này đã được đặt tên giống với con tàu đã chở vị lãnh tụ Fidel Castro cùng những người lính đi từ Mexico đến Cuba vào năm 1956 để thực hiện cuộc Cách mạng Dân tộc tại quốc gia này. Vào năm 1999, Vườn quốc gia đã được liệt kê vào danh sách Di sản Thiên nhiên Thế giới của UNESCO vì cảnh quan đa dạng từ những ngọn núi đá vôi, vách đá cheo leo, thác nước hùng vĩ đến những bãi biển đẹp

5, Thung lũng Vinales

Thung lũng Vinales không chỉ nổi tiếng với nghề trồng cây thuốc lá mà còn sở hữu cảnh quan đa dạng. Thung lũng này được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, trải qua quá trình phong hóa theo thời gian đã tạo nên nhiều hang động đẹp tại đây. Nó cũng là nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm và thu hút du khách bởi các hoạt động leo núi. Vào năm 1999, Thung lũng Vinales đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.

6, Thắng cảnh khảo cổ nơi trồng Cà phê đầu tiên ở vùng Đông Nam Cuba

Nằm trên địa phận hai tỉnh Santiago de Cuba và Guantanamo của Cuba. Đây là nơi có những di tích lịch sử quan trọng của nền công nghiệp cà phê thế giới. Vào năm 2000, UNESCO đã công nhận thắng cảnh khảo cổ này là Di sản Văn hóa Thế giới.

7, Vườn Quốc gia Alejandro de Humboldt

Nằm tại tỉnh Holowin và Guantanamo, nó được đặt tên theo nhà khoa học người Đức là Alexander von Humboldt, người đã đến thăm hòn đảo này vào năm 1800. Alejandro de Humboldt đã được ghi vào danh sách Di sản Thiên nhiên Thế giới của UNESCO vào năm 2001 bởi cấu tạo địa tầng, địa chất, sự đa dạng về địa hình và sự giàu có của các loài động thực vật đặc hữu. Hiện đây là nơi sinh sống của Tocororo, loài chim được mệnh danh là Quốc điểu của Cuba. Tocororo sở hữu bộ lông có ba màu là đỏ, xanh và trắng, và đây cũng là 3 màu sắc đặc trưng của quốc kỳ Cuba hiện nay.

8, Thành phố cổ Cienfuegos

Đây là một thành phố nằm ở bờ biển phía Nam của Cuba, được xây dựng từ năm 1819 và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2005.

Trải qua những biến cố lịch sử, nhưng nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn những công trình vô cùng độc đáo mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé tới đây. Có thể kể đến là tòa thị chính Cienfuegos, Trường San Lorenzo….. Nơi đây được biết đến là một trong những biểu tượng của quy hoạch kiến trúc đồng bộ, hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình xây dựng và mang những ý tưởng hiện đại dù được xây vào thế kỷ 19.

9, Trung tâm Lịch sử Camaguey

Đây là một trong những điểm định cư đầu tiên của người Tây Ban Nha ở Cuba. Đến thế kỷ 16, Camaguey đã phát triển trở thành một thành phố quy củ, mang đậm nét châu Âu thời Trung Cổ kết hợp với kỹ thuật xây dựng truyền thống của cư dân bản địa. Và địa danh này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2008.

Tuổi 15 là đánh dấu mốc quan trọng nhất của con gái Cuba

Ngày sinh nhật thứ 15 là một dịp đặc biệt đối với người con gái tại Cuba khi đánh dấu sự chuyển mình từ một thiếu nữ thành một người phụ nữ. Và tầm quan trọng của buổi lễ trưởng thành này thậm chí có thể so sánh với một lễ cưới. Đối với quan niệm của các gia đình tại Cuba, tổ chức buổi tiệc này cho con gái càng lớn càng tốt. Người con gái trẻ sẽ được trang điểm tỉ mỉ và mặc một chiếc váy lộng lẫy, ngồi trên một chiếc xe mui trần hoặc xe ngựa. Sau đó, đi dọc qua các con phố. Địa điểm tổ chức buổi lễ thường là một khách sạn sang trọng hoặc có thể là chính ngôi nhà riêng được trang trí hoa và bóng bay rực rỡ, gia đình sẽ tổ chức một số nghi lễ khác nhau tùy theo phong tục từng vùng miền. Cha mẹ và người thân của cô gái sẽ có mặt ở buổi lễ trước, sau đó cô gái mới được dẫn vào, thường là bởi bạn trai của cô.

Nhiều dịch vụ như chụp ảnh, trang trí, khách sạn, nhà hàng… cũng đã phát triển mạnh mẽ chỉ để phục vụ cho những buổi lễ này. Nhìn chung các buổi lễ trưởng thành thường rất tốn kém. Riêng việc chụp ảnh đã có thể tiêu tốn của các gia đình hàng nghìn đô la. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ thường bắt đầu chuẩn bị, tiết kiệm từ sớm để đảm bảo cho con gái họ có một buổi lễ diễn ra long trọng và khiến gia đình nở mày nở mặt.

Sử dụng Coca từng là bất hợp pháp

Coca-Cola là loại nước giải khát bán chạy nhất trong lịch sử, cũng như là một trong những thương hiệu có mặt gần như ở mọi nơi trên thế giới. Thế nhưng, nó lại từng bị cấm bán ở Cuba.

Vào năm 1906, những nhà máy sản xuất Coca-Cola đã có mặt tại Cuba, thế nhưng sau khi Cách mạng Cuba nổ ra và dẫn đến việc chính phủ quốc hữu hóa tài sản của công ty này, việc sản xuất loại nước giải khát này đã bị ngưng lại hoàn toàn. Sự thay đổi trong cơ cấu chính trị và kinh tế của Cuba cũng đồng thời thúc đẩy chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại, trong đó có việc cấm Coca-Cola xuất khẩu vào quốc đảo này.

Lệnh cấm này đã tồn tại gần 60 năm và mãi tới năm 2015 mới được bãi bỏ. Nhưng việc nhập khẩu thức uống này vào Cuba vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã có những thay đổi và cải thiện trong mối quan hệ giữa hai nước sau này, nhưng việc bán Coca-Cola tại Cuba vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn cho đến thời điểm hiện tại. Hiện nay, bạn chỉ có thể tìm thấy loại nước giải khát có ga này tại các khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm, những nơi phần lớn dành cho khách du lịch.

Đôi khi bạn vẫn có thể tìm thấy một cửa hàng bán lẻ Coca-Cola được nhập khẩu từ Mexico, nhưng với giá gấp đôi bình thường. Trái ngược với Coca-Cola, rượu lại được bày bán rộng rãi và dễ dàng tìm thấy ở khắp mọi nơi.

Ngày lễ Giáng sinh từng bị cấm diễn ra

Khi Fidel Castro tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước này vào những năm 1960, Chính phủ của ông đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để thay đổi và xác định lại hệ thống xã hội và văn hóa. Việc cấm lễ hội tôn giáo, bao gồm cả lễ Giáng sinh, được coi là cách để loại bỏ những yếu tố tôn giáo truyền thống, đồng thời thay thế chúng bằng các giá trị khác và hoạt động chính trị. Ngoài ra, việc cấm lễ Giáng sinh là một trong những động thái nhằm thúc đẩy nền công nghiệp mía đường của đất nước. Vào tháng 10/1969, chính quyền của ông Castro đã tuyên bố một kế hoạch thu hoạch mía đường với số lượng lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Và để tránh gián đoạn vụ thu hoạch, lễ Giáng sinh và lễ chào đón năm mới được chuyển sang tháng 7 và ngày 25/12 đã trở thành ngày làm việc bình thường. Có thể thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1969 cho đến năm 1998, người dân Cuba không hề biết đến kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Đến năm 1998, sau chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ Nhị tới quốc đảo này, ngày lễ Giáng sinh mới được phục hồi. Tuy vẫn còn những hạn chế và kiểm soát từ phía chính phủ, nhưng ngày nay người dân tại Cuba đã có cơ hội tận hưởng và kỷ niệm lễ Giáng sinh một cách tương đối tự do và hòa bình.

(Hết)

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới