Monday, January 20, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBàn về cơ chế Xin - Cho ở Việt Nam

Bàn về cơ chế Xin – Cho ở Việt Nam

Một bài viết trên VnExpress của tác giả Trần Long đã khiến tôi cảm thấy như một khoảng tối nào đó đã được chiếu sáng trong đầu. Bài báo này phân tích về cái tư duy “xin – cho” người Việt Nam và cho thấy nó là một cách tư duy rất lạc hậu, thậm chí là ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xã hội. Tại sao lại như vậy?

Cơ chế xin-cho đang là một thứ máy cái đẻ ra tiêu cực.

Tác giả mở bài bằng thông tin giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Tĩnh đã có một hành động rất bất ngờ khi đề nghị ứng viên viết lại đơn đăng ký tuyển dụng trước khi tham gia vào phỏng vấn. Nghe đến đây, nhiều bạn đã vội vàng cho rằng bà giám đốc này cậy quyền, cậy thế gây khó khăn cho ứng viên. Nhưng không! Hoàn toàn ngược lại. Bà giám đốc này đã yêu cầu nhân viên viết lại đơn, bỏ chữ “xin” trong cái đơn đó.

Tại sao lại phải bỏ? Theo bà giám đốc, mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Người lao động có sức khỏe, có trí tuệ, có kinh nghiệm, kỹ năng và đó là thứ hàng hóa đặc biệt để đổi lấy chế độ đãi ngộ và tiền lương tương xứng. Nhà tuyển dụng có chương trình, có kế hoạch làm việc, có phương án sản xuất kinh doanh và cần một đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu trong từng vị trí. Thỏa mãn được yêu cầu này, hai bên cùng nhau xây dựng mối quan hệ để thực hiện công việc. Nói cách khác, ở đây không có ai cho ai cái gì cả. Vậy tại sao ở đầu lá đơn lại phải bắt đầu bằng chữ “đơn xin việc”?

Sau yêu cầu này, ứng viên tuyển dụng đã có những sự sáng tạo như “đơn đăng ký làm việc”, “đơn đề nghị tham gia ứng tuyển”, “đơn trình bày nguyện vọng công việc” … Bà giám đốc bày tỏ những cách diễn đạt mới này nghe có vẻ không quen tai và đôi khi cũng hơi rườm rà. Nhưng sau rất nhiều lần miễn cưỡng chấp nhận chữ “xin” trong sự ác cảm chị muốn góp phần nhỏ thay đổi một quan niệm cũ, đồng thời định hướng ngay từ đầu cho nhân sự về văn hóa doanh nghiệp trong công ty của mình.

Admin cho rằng, đây là một tư duy cực kỳ tiến bộ của nữ giám đốc. Rõ ràng chúng ta đi làm là mối quan hệ “trao đổi”. Tôi làm việc cho ông, ông trả lương cho tôi. Chúng ta hợp tác đôi bên cùng có lợi. Không có ai thấp hơn ai, nên không có ai phải xin xỏ ai cả. Kể cả làm việc trong nhà nước cũng vậy. Cấp trên có năng lực quản lý được gọi là lãnh đạo, còn cấp dưới có chuyên môn thì họ mới là người trực tiếp giải quyết vấn đề. Thế nên, nếu xét một mối quan hệ công bằng, cấp dưới phải thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhưng không có nghĩa là cấp trên nói gì cũng đúng và càng không có nghĩa là cấp dưới phải xu nịnh cấp trên là người ban ơn. Càng không nên có câu “Cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan mà tôi đã làm được cái nọ, cái kia”. Nhiệm vụ và trách nhiệm của người lãnh đạo là phải quan tâm và tạo thuận lợi để cấp dưới làm việc cho hiệu quả, chứ không phải đó là ơn huệ mà phải cảm ơn. Đáng lẽ ra, cấp dưới mà gặp khó khăn thì phải kiện cho cấp trên mất việc. Thế mới là công bằng.

Tác giả bài viết cho rằng pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền học tập, quyền lao động, quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền tìm hiểu thông tin. Tất cả những quyền cơ bản này đều được Hiến pháp quy định. Nói cách khác, công dân có quyền và thực hiện quyền công dân của mình. Ngược lại, cơ quan thẩm quyền có nghĩa vụ phải đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng của người dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Do đó, mọi sự xin xỏ đều là không hợp lý.

Hiện nay, thủ tục hành chính đã có nhiều thay đổi. Nếu tinh ý, các bạn sẽ nhận ra rằng các mẫu đơn từ trong hệ thống văn bản hành chính nhà nước đã có những cải cách rõ rệt. Chẳng hạn như “đơn xin ly hôn” theo mẫu chuẩn hiện nay sẽ là “đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự”. Hoặc Thông tư 11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng từ “đề nghị” trên các mẫu đơn được ban hành, như “đơn đề nghị cấp chứng chỉ quyết định giá đất”, “đơn đề nghị cấp giấy hành nghề khoan nước dưới đất”.

Như bạn thấy, thay đổi như vậy có người lại cho rằng mấy ông lãnh đạo toàn ngồi nghĩ mấy cái lung tung, chẳng mang lại tác dụng gì. Xin hay Đề nghị thì cũng là cái lá đơn. Nhưng không! Có nhiều cái thay đổi đúng là hơi vô dụng. Nhưng cái thay đổi này thực sự là rất quan trọng, bởi vì nó làm thay đổi tư duy của người dân. Thay vì phải “xin” cơ quan chức năng làm cho họ cái này cái kia, thì dùng từ “đề nghị” sẽ đưa người dân vào mối quan hệ ngang bằng với các cơ quan. Và các cơ quan phải thực hiện “đề nghị”, thậm chí là “yêu cầu” của người dân. Và họ được tạo ra là để làm việc đó, như “Đơn xin cấp chứng chỉ định giá đất” đổi thành “Đơn đề nghị cấp chứng chỉ định giá đất”. Nó có nghĩa rằng pháp luật quy định tôi được quyền cấp giấy chứng nhận định giá đất và ông là cơ quan có nhiệm vụ đó thì ông phải làm cho tôi.

Tuy nhiên, theo tác giả, hiện vẫn chỉ có một phần cơ quan nhà nước thay đổi từ “xin” thành “đề nghị”. Còn nhiều lĩnh vực vẫn cứ là “xin” với “cho”. Ví dụ, trong Thông tư của Bộ Tài nguyên Môi trường, ở Phụ lục số 1 vẫn nhắc đến những tài liệu như sau: Đơn xin giao đất, Đơn xin cho thuê đất, Đơn xin cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hay trong hướng dẫn ghi rằng: Ghi rõ đơn xin giao đất, đơn xin thuê đất hoặc đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất….

Bài viết nhấn mạnh rằng đây không chỉ là vấn đề câu chữ mà đó là kết quả của lối quan niệm tư duy cũ, bởi khi đã “xin” có nghĩa là sẽ tương đương với “cho”. Và khi người dân đặt mình trong tâm thế phải “xin”, đồng nghĩa với cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp dễ tự cho mình được quyền ban ơn, ban phát. Đây là một trong những căn nguyên dẫn tới tệ quan liêu của một bộ phận cán bộ công chức. Thậm chí, trong nhiều trường hợp còn là sự hạch sách vòi vĩnh. Người dân nhìn cán bộ cũng trở nên kém thiện cảm hơn.

Trong tiếng Anh, mở đầu các lá đơn thường là “Application for…”, nghĩa là Đơn về điều gì. Một độc giả sau khi đọc bài viết trên VnExpress chia sẻ rằng: “Tôi sống ở Đức, khi muốn liên hệ với nơi công quyền nào đó, tôi thường gửi mail, viết thư hoặc gọi điện để hẹn đến gặp trực tiếp. Trong thư, tôi không bao giờ viết tiêu đề là Đơn xin A B C gì đó mà viết là Về việc ABC. Gửi quý ông/bà: Tôi có mong muốn…”. Hay một người khác chia sẻ: “Năm 2012, sau khi mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã làm Đơn xin đăng ký hộ khẩu thường trú. Nhận đơn là anh công an khu vực, anh nói, Tôi về viết lại Đơn là “Đơn đề nghị đăng ký thường trú” và nói: Đây là quyền của anh, không có “xin” gì hết”.

Tuy nhiên, một người khác đã chia sẻ về trải nghiệm không vui của mình. Độc giả này nói rằng: “Tôi xây nhà. Tôi làm Đơn thông báo khởi công, địa chính phường không chấp nhận mẫu Đơn và bắt làm lại với mẫu Đơn xin khởi công xây dựng nhà”.

Vậy đó, theo các bạn, nên dùng từ “xin” để thể hiện sự nhún nhường, hay dùng từ khác như “đề nghị”, “yêu cầu” để thể hiện quan hệ ngang bằng?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới