Monday, January 20, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh

Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh

Đó là mong muốn của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những nước đang có vùng chồng lấn, xảy ra tranh chấp lãnh thổ kéo dài trên Biển Đông.

Những vụ va chạm gần đây giữa Trung Quốc với Philippines, Việt Nam, Đài Loan… cũng liên quan chủ yếu đến cái gọi là “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc. Sự kiện mới nhất là, hôm 2/11 Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này, sau sự cố liên quan đến tàu quân sự của hai nước tại Bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tuần.

Trong khi đó, tuyên bố của quân đội Trung Quốc nói ngược lại: Một tàu quân sự Philippines đã “xâm nhập trái phép” vùng biển gần Bãi cạn Scarborough. Những điều Manila nói là “không có cơ sở pháp lý và chỉ nhằm mục đích làm gia tăng căng thẳng” trên Biển Đông.

Dường như tình hình trên Biển Đông ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường. Và các cuộc đàm phán song phương, đa phương vẫn dừng lại ở những tuyên bố ngoại giao. Sau đàm phán tình hình vẫn không có gì tiến triển. Bắc Kinh tiếp tục cho tàu chiến xâm nhập vào khu vực thuộc chủ quyền của nước khác; xây dựng hạ tầng cơ sở trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này chiếm giữ trái phép; tăng cường diễn tập tấn công Đài Loan, v.v..

Cần nói rõ rằng: Tình hình Biển Đông trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI ngày càng diễn biến phức tạp. Tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết. Cạnh tranh hàng hải mở rộng cả về phạm vi và mức độ. Chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng tăng nhanh từ 10 đến 100% trong một thập niên gần đây. Riêng Trung Quốc, đã tăng ngân sách quốc phòng lên 7,2% trong năm 2023. Con số cụ thể là hơn 1,5 nghìn tỷ tệ (gần 225 tỷ USD), theo báo cáo tài chính của Chính phủ.

Tình hình đáng lo ngại như thế gây tâm lý hoài nghi, ẩn chứa nhiều bất trắc. Hiện nay, cạnh tranh tại khu vực đã lan rộng trên nhiều phương diện. Vùng nổi lẫn với vùng chìm, cùng những nhập nhằng giữa đáy biển, vùng trời, ngoài không gian và không gian ảo, có thể dẫn đên nhiều hậu quả tiềm tàng. Đáng lo ngại nhất là các “vùng xám” mới hình thành trên biển.

Cụm từ “vùng xám” (grey zone) xuất hiện nhiều trong các phân tích của giới chuyên gia về Biển Đông, chỉ những hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong đó, lực lượng dân quân biển hay các tàu dân quân biển được Trung Quốc sử dụng triệt để trong việc hiện thực hóa chiến thuật này.

Thuật ngữ “vùng xám” trên biển không phải là một thuật ngữ pháp lý mà chỉ là một thuật ngữ được dùng để ám chỉ hay chỉ trích tình trạng căng thẳng. Tình trạng ấy được tạo nên bởi hoạt động có chủ ý của con người. “Chiến thuật vùng xám” thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp. Tuy nhiên, nó được duy trì dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự.

Hoạt động “vùng xám” diễn ra hằng ngày trong giao thoa giữa những phạm trù khác nhau, giữa dân sự và quân sự, giữa hòa bình và xung đột, giữa hợp pháp và chưa được pháp luật quản lý, giữa đời thực và không gian mạng. Nó làm gia tăng đáng kể rủi ro đối đầu, gây mất ổn định việc quản lý bằng luật pháp và trật tự khu vực. Nó làm xói mòn luật pháp quốc tế, niềm tin cũng như ý chí chính trị cần thiết cho hợp tác.

Chính vì thế, các nước ASEAN chủ trương: Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh. Vùng xám cần phải thu hẹp để hướng tới mục tiêu không gian biển trở nên minh bạch và hòa bình hơn. Còn việc mở rộng vùng biển xanh nhằm xác định những tiềm năng của biển trong tương lai, hướng tới sự hợp tác của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

Điều đáng lo ngại là, những năm gần đây các sự kiện trên Biển Đông ngày càng có xu hướng xảy ra… theo “kế hoạch”. Mặc dù có những kẻ vẫn cãi chày cãi cối rằng, có xung đột là do bất khả kháng, nó “nằm ngoài dự tính”. Khi những biến cố có nguy cơ leo thang nhanh chóng, khó kiểm soát thì dễ trở thành khủng hoảng quốc tế.

Qua các kênh truyền thông quốc tế, chúng ta có thể thấy khá rõ các hoạt động “vùng xám”. Đó là việc sử dụng các lực lượng phi chính quy, tiêu biểu là các đội tàu dân quân biển, để thực hiện các hoạt động liên quan vũ lực trên biển. Không còn băn khoăn gì nữa khi khẳng định, yêu sách chủ quyền “đường đứt đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra và không chịu từ bỏ chính là một minh định “về chiến thuật vùng xám”.

Đấu tranh là để tồn tại, để ngăn chặn tư tưởng bá quyền, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Mặc dù còn có nhiều căng thẳng, song khu vực này vẫn là nơi mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng. Có thể thấy rõ qua Hiệp định mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (Việt Nam là một trong những nước tham gia ký kết đầu tiên).

Nỗ lực hòa nhập và nghiêm chỉnh thực thi luật pháp quốc tế, các nước trong khu vực sẽ có nhiều cơ hội hơn trong hợp tác và đối thoại với láng giềng, giải quyết kịp thời những tuyên bố chủ quyền chồng lấn, chủ yếu thông qua đàm phán, đối thoại. Giải quyết được nhiều điểm cụ thể như vậy chính là chúng ta đã mở rộng vùng biển xanh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới