Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrái đắng đến từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của...

Trái đắng đến từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc được khởi xướng vào năm 2013, với tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỷ USD. Nó thường được coi là dự án tham vọng nhất của thế kỷ 21. Theo đó, TQ dự kiến sẽ xây dựng một vành đai trên bộ, thông qua đường cao tốc, các cây cầu, đường sắt, thuỷ điện, mạng 5G… . Đồng thời, tạo nên một con đường trên biển nhờ mạng lưới các cảng khắp thế giới. Ngoài ra, còn có sáu hành lang kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển người, hàng hóa và dữ liệu.

Một phần của dự án đập thủy điện có sự rót vốn của Trung Quốc tại quốc gia Bờ Biển Ngà ở châu Phi.

Mục đích của BRI là giải quyết tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của TQ (nghĩa là sản xuất, vượt quá nhu cầu tiêu dùng trong nước). Vì vậy – theo hình dung- việc kết nối cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác sẽ thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng thương mại, cũng như củng cố quan hệ ngoại giao. Xa hơn nữa, là tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu

Sau 10 năm, BRI do Chủ tịch Tập Cận Bình công bố thành công hay thất bại? Theo đánh giá của Trung Quốc là thành công, còn theo phương Tây là thất bại. Chúng ta sẽ phân tích đồng thời góc nhìn ở cả hai phía.

Đầu tiên, sau khi vận hành BRI được 3 năm, tức là những cơ sở hạ tầng đáng kể đã được xây dựng ở nhiều nước, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu tăng dần đều. Đến năm 2022, đột phá với mức tăng 61% so với năm 2016. Điều đó được coi là thành công rực rỡ. Tuy nhiên, nếu so sánh với Mỹ – kình địch không có sáng kiến tương tự cũng bình thường thôi, vì cùng khoảng thời gian đó, giá trị xuất khẩu của họ cũng tăng tới 72%.

Thứ hai, một trong những mục đích của BRI là tăng cường hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi, nhằm giữ nguồn nhập khẩu nguyên liệu thô ổn định. Trong đó, năng lượng là mối quan tâm hàng đầu. Tính đến năm 2022, Trung Quốc đã đầu tư 126 tỷ đô la vào lĩnh vực dầu khí của Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu và khai thác mỏ tại Ả Rập Xê Út, Iraq và UAE…. Đó là lý do những nước này là nhà cung cấp dầu với giá cả chiết khấu và ổn định cho Trung Quốc. Mặc dù họ coi đây là điều tốt, nhưng phương Tây lại cho rằng, việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ các khu vực bất ổn về lâu dài sẽ khiến Trung Quốc phải nhận trái đắng.

Thứ ba, thông qua BRI, Trung Quốc đã cho rất nhiều quốc gia vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, thủy điện hoặc cảng biển. Phần lớn trong số đó là những nước có thu nhập thấp và trung bình. Vì vậy, những con nợ này đã rất biết ơn, đặc biệt là trong bối cảnh phương Tây ngừng cho vay các khoản tương tự từ những năm 2010. Bất chấp một số quốc gia rơi vào bẫy nợ phải bán đất để trả cho Trung Quốc, phần lớn các đối tác BRI còn lại vẫn tích cực tham gia dự án. Nhờ vậy, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng mở rộng ở thế giới thứ ba, tức những nước đang phát triển.

Thứ tư, BRI giúp hàng ngàn công ty Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và năng lượng, nhận được rất nhiều hợp đồng tỷ đô và phát triển bùng nổ. Họ không chỉ mang một núi tiền mặt về nước mỗi năm, mà còn tạo ra hàng chục triệu việc làm cho người dân.

Thứ năm, về mặt chiến lược, các tranh chấp và xung đột quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là vấn đề bị quốc tế đưa vào tầm ngắm. Do đó, việc triển khai BRI là một phần trong đề xuất Trung Quốc tiến về phía Tây nhằm giảm sự chú ý tập trung vào vùng biển Đông Á.

Đó là những “thành công” theo đánh giá của Bắc Kinh. Thế nhưng phương Tây lại cho rằng BRI thất bại? Họ lập luận: Kể từ khi sáng kiến được tiến hành, Trung Quốc đã cho những nước tham gia vay tổng cộng khoảng 1.000 tỷ USD. Trung Quốc chơi theo chiến thuật chắc ăn bằng cách buộc các quốc gia vay tiền phải thế chấp chính dự án cơ sở hạ tầng mà nước này xây dựng. Một số trường hợp là bất động sản hoặc tài nguyên. Tuy nhiên, điều không thể ngờ là 240 tỷ đô – tức gần 1/4 số tiền Trung Quốc cho vay – chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng bị rơi vào nợ xấu, phải gia hạn lâu dài. Nó đến từ 22 quốc gia như Argentina, Pakistan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya, Sri Lanka và Mông Cổ…

Nguyên nhân dẫn đến điều này vì tình trạng tham nhũng ở những nước phát triển xảy ra phổ biến. Theo viện nghiên cứu AidData, khoảng 35% dự án BRI của Trung Quốc được các chính phủ sở tại thông qua bằng cách tiếp nhận phong bì dày. Họ không tiến hành thẩm định kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế, xem xét liệu có bù đắp được các khoản vay để xây dựng hay không. Thậm chí, họ sẵn sàng đẩy chi phí dự án quá cao so với thực tế để đút tiền vào túi riêng. Do đó, những dự án được cho là ngớ ngẩn đã ra đời.

Ví dụ, Sri Lanka xây dựng sân bay quốc tế Mattala có chi phí 200 triệu USD nhưng chỉ phục vụ được hai chuyến bay mỗi ngày. Ecuador xây dựng thủy điện 2,24 tỷ USD ngay gần khu núi lửa đang hoạt động, có nguy cơ bị vỡ với hơn 7.600 vết nứt được phát hiện. Ghigittam xây một tuyến đường dài 433 km với chi phí 850 triệu USD được cho là gấp nhiều lần so với thực tế. Hai cựu thủ tướng đã bị kết án tù vì tội tham nhũng. Rất nhiều quốc gia khác cũng xảy ra tình trạng tương tự: dự án phù phiếm, chi phí bị đẩy quá cao, dẫn đến hiệu quả thấp và không thể trả nợ cho Trung Quốc.

Sau 2 năm dịch COVID- 19 hoành hành và lạm phát thế giới tăng cao, nhiều nước tham gia BRI đã tuyên bố phá sản. Điều trớ trêu là nhiều cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh xây dựng được sử dụng làm tài sản thế chấp nhưng không thể tịch thu vì nó vừa ảnh hưởng đến uy tín quốc tế, vừa không mang lại lợi nhuận mong muốn. Ví dụ, trường hợp cảng Hambantota được Sri Lanka bán cho Trung Quốc 99 năm nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần. Theo các báo cáo, chúng không mang lại lợi nhuận nhưng vì có vị trí chiến lược cho các tàu quân sự nên Bắc Kinh đã tiếp nhận. Tuy nhiên, họ cũng phải nhận vô số “gạch đá” từ dư luận quốc tế với những chỉ trích liên quan đến cụm từ “bẫy nợ”.

Có quốc gia “cùn” đến mức đã không trả nợ còn đe dọa chủ nợ bằng cách tiết lộ các điều khoản thỏa thuận cho thế giới biết, nếu không được vay thêm. Đó là trường hợp của Pakistan.

Chính vì sự khó khăn trong việc đòi nợ, chính phủ Bắc Kinh dần đánh mất động lực đối với BRI. Trong 3 năm qua, trái ngược với sự tăng trưởng đột biến trước đó, giá trị của những dự án mới giảm dần đều. Nguyên nhân đến từ cả hai phía: Trung Quốc thận trọng hơn trong việc đánh giá khả năng trả nợ của nước chủ nhà. Ngược lại, nhiều quốc gia cũng sợ đi theo vết xe đổ của Sri Lanka nên không dám thực hiện những hợp đồng lớn.

Ngoài việc ngừng tiếp nhận các dự án có mức rủi ro cao, chính phủ Bắc Kinh cũng kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn tư nhân như Alibaba hay CARL, nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính. Theo đó, sở thích đầu tư vào BRI cũng thay đổi: quy mô tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giảm dần, thay vào đó là các dự án liên quan đến năng lượng, công nghệ và tài chính. Những ngành có thể mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn tư nhân.

Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, BRI của Trung Quốc cũng chẳng khác nào việc mang tiền đi đầu tư nước ngoài giống như Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc. Đó là lý do các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc… sắp chết!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới