Thế giới ngày nay đang có nhiều mâu thuẫn lớn cần hóa giải. Muốn giảm bớt mâu thuẫn, mỗi “phe” cần có người cầm trịch có đủ uy tín quốc tế, có đủ tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Mỹ và Trung Quốc đang tỏ ra là những người muốn đảm nhận vai trò cầm trịch.
Không còn là thời kỳ thế giới có “hai phe bốn mâu thuẫn” như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thời nay, chưa có khái niệm rõ rệt nào về “phe” hay những mâu thuẫn chủ yếu. Cũng đúng thôi, vì đây là thời kỳ thế giới coi trọng hơn đến lợi ích dân tộc, đến sự hợp tác quốc tế, vì sự hòa bình an chung toàn cầu, không còn chú ý đến hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
Điều này Bắc Kinh, từ rất sớm, đã tuyên bố với toàn thế giới rằng: mèo trắng hay mèo đen (cũng tốt) miễn là bắt được chuột.
Nhưng dù sao sang thiên niên kỷ thứ ba, vẫn hình thành các thế lực lớn, đứng đầu là các siêu cường. Có thể hình dung, một bên là Mỹ và phương Tây, một bên là Trung Quốc, Nga và các đồng minh. Xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Hamas và Israel thì đứng đằng sau các bên tham chiến là hai “phe” này. Đã hình thành cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” là vì thế. Ukraine chẳng qua chỉ là bãi chiến trường để Mỹ và NATO gửi súng đạn và đô la sang.
Gần đây, Trung Quốc đang cố gắng, đang tỏ ra là một “nhà hòa giải lý tưởng” để chứng tỏ mình là “ông Thiện”. Họ tuyên bố không đứng về phe nào cả, chỉ đứng về phía chính nghĩa, vì hòa bình và an ninh thế giới. Còn Mỹ thì thừa hiểu mọi động thái của Trung Quốc. Nhà Trắng cũng có nhiều bước đi khôn ngoan.
Chúng ta hãy xem Bắc Kinh đang có động thái gì?
Trong thời gian qua, khi lò lửa ở Trung Đông bùng cháy, để bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh, Trung Quốc đã can dự nhiều hơn. Việc hòa giải thành công hai cường quốc đối thủ trong khu vực là Iran và Ả Rập Xê Út gần đây chính là trái chín trong vườn quả ngoại giao bền bỉ của Bắc Kinh.
Vấn đề được giới nghiên cứu quan tâm là, cách tiếp cận ngoại giao theo kiểu “Bác Cả” này của Trung Quốc (vốn dĩ khác biệt so với các đối thủ phương Tây, đứng đầu là Mỹ) có thể giúp cường quốc châu Á khẳng định vị thế “nhà hòa giải lý tưởng” cho cuộc chiến điên rồ Israel – Hamas hay không ?
Mới đây trên trang mạng RTS của Đài Phát thanh – Truyền hình Thụy Sĩ nêu câu hỏi: “Phải chăng Trung Quốc đang đường hoàng đi vào Trung Đông ?”. Nhà mạng đặt câu hỏi này là vì, hôm 10/03/2023, tại Bắc Kinh, trước sự bất ngờ của thế giới, Iran và Ả Rập Xê Út vui mừng thông báo, sau 7 năm “không thèm nhìn mặt nhau”, hai nước đã nối lại bang giao.
Ngày 19/10, tiếp Thủ tướng Ai Cập Moustafa al-Madbouly bên lề Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn: Bắc Kinh mong muốn “mang lại nhiều hơn nữa “ổn định” cho Trung Đông.
Theo nhà nghiên cứu về Nam – Trung Á Didier Chaudet, nhìn lại lịch sử quan hệ Trung Quốc – Trung Đông, thấy rõ điều này, trái với phương Tây (kể cả Nga), Trung Quốc có một tầm nhìn dài hạn trong đối ngoại, một chính sách trung lập rõ ràng, gần như bất biến. Đây chính là một ưu điểm rất được các đối tác Trung Đông thừa nhận.
Việc hòa giải thành công hai nước thù địch Iran và Ả Rập Xê Út cho thấy, Trung Quốc có một bước đột phá ngoại giao ngoạn mục. Liệu có phải vì Trung Quốc có một lập trường rất trung lập trong khu vực? Bắc Kinh đã tách ra khỏi mối quan hệ đầy căng thẳng, ngờ vực trong của khu vực. Và đây chính là sự khác biệt lớn nhất trong cách tiếp cận Trung Đông của Trung Quốc so với các cường quốc Âu – Mỹ.
“Ích bạn, lợi mình”, Trung Quốc nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Nhu cầu về nguyên liệu thô của khu vực ngày càng lớn. Các nước trong vùng vừa muốn bán hàng, vừa muốn xây dựng các mối quan hệ ngoài phương Tây, vốn rất phức tạp. Đó là sự giao thoa giữa hai nhu cầu phát triển theo thời gian. Bắc Kinh thấy rất rõ và tránh đưa ra các lời hứa thiếu cân nhắc hay áp đặt một quan điểm tư tưởng cực đoan.
Đối với các nước vùng Trung Đông, họ đã phát triển các mối quan hệ tốt đẹp dựa trên một nền tảng lành mạnh, đó là thương mại, tìm kiếm lợi ích chung, tìm cách bảo vệ các lợi ích quốc gia của mỗi bên, không ý thức hệ, không áp lực.
Đây cũng chính là phương cách để Trung Quốc cạnh tranh với thế thống trị ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông trong giai đoạn này.
Trong khi các nước châu Âu và Mỹ là những nước muốn áp đặt theo một cách hoàn toàn ngẫu nhiên một tầm nhìn nhất định về thế giới, một hệ tư tưởng nhất định, nhưng họ cũng không thực hiện điều đó một cách có hệ thống, thì Trung Quốc khôn ngoan hơn.
Trung Quốc đưa người đến làm làm ăn, bảo vệ lợi ích của các nước trong khu vực, cố gắng mua những thứ mà ở xứ họ không có… điều này làm cho mọi việc trở nên đơn giản hơn. Rõ ràng, điểm khác biệt lớn so với phương Tây là Trung Quốc có được một chính sách dài hạn tại Trung Đông.
“Con Đường Tơ Lụa Mới” của Trung Quốc không khác gì hơn là sự củng cố chính sách ngoại giao kinh tế đã tồn tại ít nhất từ mười năm qua. Mọi việc rõ ràng hơn, đối tác biết mình đang đối mặt với điều gì và họ biết rõ điều đó sẽ không thay đổi. Phải chăng vì để gần gũi với người Trung Quốc mà việc giảng dạy tiếng Hoa giờ đây đang bùng nổ ở Trung Đông?
Rõ ràng, sự can dự của Trung Quốc vào Trung Đông ngày càng lớn. Thế nhưng, Trung Quốc đang vấp phải sự kháng cự của các vấn đề về an ninh, nhất là phải đối mặt tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech.
Thấy rõ tử huyệt này, Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm các đồng minh tại nhiều nước Hồi giáo khác nhau, kể cả ở Trung Đông. Làm như vậy để họ có thể chiến đấu chống lại bất kỳ mối nguy hiểm thánh chiến nào. Cố nhiên, đây là “mặt trận mới”, chưa có kinh nghiệm gì, cho nên Trung Quốc cần đến sự tham vấn, giúp đỡ từ nhiều nước trong khu vực.
Hiện Trung Quốc đã có sự trợ giúp từ cơ quan mật vụ Pakistan. Phe Taliban ở Afghanistan cũng đang bảo đảm các lợi ích của Trung Quốc và chiến đấu chống các nhóm khủng bố có thể muốn tấn công Trung Quốc.
Cái mà Trung Quốc vững dạ hơn chính là khu vực rộng lớn Trung Đông. Các nước trong khu vực này có thể giúp Trung Quốc bảo vệ các lợi ích, nhất là lợi ích như là công việc của chính mình, bảo vệ công dân Trung Quốc như bảo vệ công dân của mình.
Đương nhiên, Trung Quốc có trở thành “nhà hòa giải lý tưởng” hay không thì câu trả lời là: Hãy đợi đấy! Vì muốn người khác đến được với nhau thì người cầm trịch phải đàng hòang, tử tế. Khi Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài LHQ về sự vô căn cứ của “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông; khi Trung Quốc liên tục xâm lấn, gây căng thẳng trên Biển Đông” thì sự hòa giải ấy chỉ có tác dụng trong một hoàn cảnh, trạng thái tình huống, không thể là giải pháp bền vững.
H.Đ