Không phải Tokyo “nhảy” vào Biển Đông đòi chia phần. Chuyện là mới đây, Tokyo tuyên bố sẵn sàng hợp tác cùng Mỹ, Philippines bảo vệ quyền tự do trên Biển Đông và cam kết giúp Manila tăng cường năng lực an ninh.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (giữa) phát biểu trước Quốc hội Philippines ngày 4/11.
Tuyên bố được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra trong phát biểu ngày 4/11, trước Quốc hội Philippines, trong chuyến thăm nước này. Cùng với việc nêu rõ: “Ở Biển Đông, sự hợp tác ba bên để bảo vệ quyền tự do trên biển đang được triển khai”, ông Kishida khẳng định: “Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao năng lực an ninh của Philippines, qua đó góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Với các chuyên gia quốc tế, tuyên bố của Tokyo không làm họ ngạc nhiên. Cái gì đến, trước sau gì cũng đến. Vấn đề chỉ là đến vào lúc nào, trong bối cảnh nào? Xét theo góc nhìn đó, đây là thời điểm chín muồi để quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines leo lên tầm cao mới, hay nói cách khác: đạt đến “thời kỳ hoàng kim” – như sự hào hứng của ông Kishida.
Như câu tục ngữ cổ đại mà những người làm chính trị xưa cũng như nay, phải thuộc vì sự chí lý và sâu sắc: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Hàm ý câu này là: hai đối tượng có thể cùng nhau và nên làm việc cùng nhau chống lại một kẻ thù chung.
Nhật Bản và Trung Quốc là kẻ thù chăng? Vừa đúng lại vừa không.
Thù là chuyện trước kia, liên quan đến các sự kiện: chủ quyền đối với quần đảo không có người ở trên biển Hoa Đông: Tokyo kiểm soát và gọi là Senkaku; Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư (chỉ trước đó hai ngày: ngày 1/11, Bắc Kinh và Tokyo có cuộc khẩu chiến cáo buộc nhau đưa các tàu tuần tra đến khu vực tranh chấp này, đồng thời cho biết đã yêu cầu các tàu của đối phương rời vùng biển này); tội ác man rợ quân đội Thiên hoàng gây ra, trong đó có vụ “Thảm sát Nam Kinh” hồi chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945); và một số vấn đề khác, trong đó có cả câu chuyện Đài Loan.
Tuy nhiên, bên cạnh những cay cú, hậm hực, cả hai bên Trung – Nhật không thể chối bỏ một sự thật: họ đang là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau, phụ thuộc nhau về kinh tế. Thế nên, một sự đoạn tuyệt là điều chẳng thể. Nói cách khác, về chính trị, có thể là thù, nhưng về kinh tế, Tokyo và Bắc Kinh lại là …bạn.
Trong quan hệ đa chiều, phức tạp này, cái khó ứng xử có phần nghiêng về Bắc Kinh. Là bởi, chen vào mối bang giao Nhật – Trung, còn là Mỹ – một đồng minh chiến lược của Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhờ khai thác quan hệ đồng minh đó, từ đống tro tàn, Nhật Bản nhanh chóng vươn lên thành cường quốc kinh tế hàng đầu với quy mô thứ hai (sau Mỹ), và chiếm vị trí đó trong thời gian dài trước khi bị Trung Quốc soán ngôi gần đây.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, để kiềm chế tham vọng vươn lên vị trí siêu cường số 1 của Bắc Kinh, với Washington, Tokyo trở thành quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài việc là căn cứ đồn trú lực lượng tại khu vực Bắc Á, Nhật Bản hiện có vai trò cực kỳ quan trọng hỗ trợ Mỹ ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh qua việc gây sức ép nhiều nước trên phạm vi toàn cầu đi theo những dự án của Trung Quốc, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI). Gần đây, cùng với Hà Lan, Nhật Bản đã có động thái phối hợp với Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu máy móc sản xuất chip tối tân mà Nhật là một trong những quốc gia có ưu thế – nhằm “dìm” chết nỗ lực phát triển mũi nhọn công nghệ này của Trung Quốc…
Nếu chỉ khoanh trong các động thái trên, trong mắt Bắc Kinh, Tokyo vẫn còn biết điều và chừng mực. Bởi Trung Nam Hải không chỉ hiểu mà thậm chí còn chia sẻ cái khó của Nhật Bản trong vai trò một đồng minh chiến lược với siêu cường số 1 thế giới.
Giận thì giận, nhưng Bắc Kinh cũng vẫn có thể kiềm chế việc Nhật, cùng với Philippines, tham gia một số cuôc tập trận chung với Mỹ trên Biển Đông, bởi cả hai cùng là đồng minh của Washington. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Kishida còn nóng hổi mới đây, rằng: Nhật sẵn sàng hợp tác cùng Mỹ, Philippines bảo vệ quyền tự do trên Biển Đông và cam kết giúp Manila tăng cường năng lực an ninh, thì…khó nghe và… xóc óc quá.
Khó nghe vì nó y chang giọng đàn anh Mỹ. Trong khi đó, dưới con mắt Trung Quốc, Nhật cơn cớ gì mà nhúng chân vào Biển Đông? Cái gọi là “Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao năng lực an ninh của Philippines, qua đó góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực”, và “hai bên bắt đầu đàm phán về một hiệp ước song phương mới, được gọi là Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA), để tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung” – như lời ông Kishida mà báo chí đưa ra rả mấy ngày này – nghe không chỉ cao đạo, ngạo mạn, mà còn như “đấm” vào tai Bắc Kinh vậy.
Mỹ vin cớ “tự do hàng hải” cho tàu bè nghênh ngang đi lại trên Biển Đông, Bắc Kinh, thời điểm này còn nhẫn nhục chịu đựng vì tự biết vẫn còn ‘dưới cơ”. Nhưng Nhật Bản thì lại là câu chuyện khác. Khác bởi xét về quy mô và sức mạnh quân sự, Tokyo thời điểm này chẳng thể hơn Bắc Kinh nếu không nói là nước dưới. Khác vì, nếu dám hành xử kiểu “lành làm gáo…”, hẳn Tokyo đã gây sự thật, biến các cuộc đấu khẩu liên quan quần đảo Senkaku/Điều Ngư thành đấu súng thật sự rồi…
Thế nên, nếu cần, rất có thể Trung Quốc sẵn sàng xắn tay “chơi” tới bến một khi Bắc Kinh cảm thấy Tokyo vượt “lằn ranh đỏ” (cách diễn ngôn Bắc Kinh thường dùng diễn tả những hành động giới hạn của đối phương) trên Biển Đông.
Là phán đoán vậy thôi. Lạ là với các tình huống, sự kiện nhạy cảm liên quan cái gọi là “chủ quyền”, cả ở biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, Bắc Kinh thường phản ứng vỗ mặt mau lẹ. Vậy mà sau tuyên bố của ông Kishida trong chuyến công du Philippines, tới thời điểm này, Bắc Kinh vẫn chưa lên tiếng?
Chưa chứ không phải không. Đành chờ tới “hạ hồi” vậy.
T.V