Quan chức Trung Quốc kêu gọi Myanmar cùng hợp tác để duy trì ổn định trên biên giới chung, trong bối cảnh quân đội Myanmar đang giao tranh với quân nổi dậy.
Tuần trước, quân đội Myanmar cho biết họ đang cố gắng thiết lập lại trật tự ở khu vực biên giới, sau khi liên minh nhóm vũ trang sắc tộc giành quyền kiểm soát một thị trấn quan trọng có giao thương với Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi Myanmar hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự ổn định dọc biên giới Trung Quốc – Myanmar, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cư dân, cũng như tăng cường an ninh cho nhân viên Trung Quốc”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Nong Rong, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, người có chuyến thăm Myanmar từ ngày 3 đến 5-11.
Người phát ngôn của quân đội cầm quyền Myanmar chưa đưa ra bình luận về lời kêu gọi của Trung Quốc.
Theo Liên Hiệp Quốc ngày 2-11, hơn 23.000 người đã mất nhà cửa vì cuộc giao tranh này. Báo chí Myanmar nói hàng ngàn người đã tháo chạy sang Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cho hay những người mất nhà cửa đã tập trung thành hàng dài để nhập cảnh vào Trung Quốc.
Một số thị trấn gần đó của Trung Quốc cũng sẵn sàng sơ tán trong trường hợp xung đột tiếp tục leo thang.
Trang tin Asia Times đưa tin một công dân Trung Quốc đã thiệt mạng và một số người bị thương trong ngày 4-11, khi một quả đạn pháo do quân đội Myanmar bắn đi đã bay vào phía biên giới phía Trung Quốc.
Theo ông Nong Rong, Trung Quốc kỳ vọng Myanmar sẽ khôi phục sự ổn định ở biên giới. Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tất cả các bên giải quyết thỏa đáng những khác biệt và đạt được hòa giải thông qua đối thoại càng sớm càng tốt.
Không chỉ Trung Quốc, Thái Lan cũng bị cuốn vào giao tranh ở biên giới Myanmar. Thái Lan đang nỗ lực đưa 162 công dân bị mắc kẹt ở biên giới Myanmar về nước.
Myanmar rơi vào tình trạng mất ổn định kể từ cuộc chính biến vào tháng 2-2021 lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu.
Các nước phương Tây lên án quân đội Myanmar và áp đặt các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết họ ủng hộ Myanmar tìm ra con đường riêng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền của nước này.