Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTín hiệu mới liên tiếp ở những tuyến đường sắt 'khủng' kết...

Tín hiệu mới liên tiếp ở những tuyến đường sắt ‘khủng’ kết nối Việt Nam-TQ

Với các tuyến đường sắt kết nối từ Hà Nội tới Trung Quốc, mới đây, Chính phủ và đại biểu quốc hội đã có những động thái mới quyết liệt.

Tàu hàng ở ga Lạng Sơn.

Đề xuất nâng cấp 2 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc

Tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách, đầu tư công tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết hiện có hai tuyến đường sắt kết nối trực tiếp với Trung Quốc tiềm năng kinh tế lớn nhưng chưa được khai thác, dù Chính phủ tập trung nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư lớn cho đường sắt.

Hai tuyến đường sắt đó là tuyến đường sắt Yên Viên – Kép (Bắc Giang) – Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) – Kép – Cái Lân (Quảng Ninh) có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa, đi xuyên qua nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Đại biểu Thịnh phân tích, đây là hai tuyến đường sắt có khổ 1,43m duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, cách đầu mối trung tâm vận tải Trùng Khánh chưa đến 1.200 km. Đồng thời, ở phía Việt Nam, tuyến được kết nối trực tiếp ra biển với cảng nước sâu Cái Lân, có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này.

Ông Thịnh đánh giá nếu làm tốt thủ tục xuất nhập cảnh, cải thiện hạ tầng để nâng tốc độ tàu chạy, du khách ở sâu nội địa Trung Quốc có thể đến Hạ Long, Hà Nội rất thuận tiện, đi về trong ngày.

Đẩy mạnh đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc

Cuối tháng 10, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND các tỉnh, thành phố chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong Nghị quyết mới, mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thành tuyến đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.

Ngoài ra, chính phủ cũng đặt mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế.

Cụ thể, mở rộng hợp tác quốc tế về đường sắt trong khối ASEAN và các nước, đặc biệt là các nước có đường sắt phát triển để học tập, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm phát triển, quản lý xây dựng, vận hành, khai thác hệ thống giao thông đường sắt.

Thúc đẩy triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông vận tải đường sắt giữa Việt Nam với các nước.

Tiếp tục triển khai sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới Việt – Trung, duy trì và phát triển vận tải đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và quá cảnh qua Trung Quốc đến các nước trong khối OSJD và Châu Âu, nâng mức hạn ngạch hàng hóa của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba.

Đặc biệt, đàm phán và thống nhất với phía Trung Quốc về điểm nối ray ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), phối hợp triển khai xây dựng để tăng cường kết nối tạo thuận lợi cho vận tải đường sắt qua biên giới, nâng cao hiệu suất vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc.

Dự án 11 tỷ USD nối với Trung Quốc chốt thời gian khởi công

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hoá, khởi công trước năm 2030.

Theo đó, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai và kết nối với Trung Quốc. Chủ đầu tư được quyền lựa chọn tư vấn lập báo cáo theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện từ nay tới năm 2025.

Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế qua Trung Quốc; đảm bảo trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác. Tuyến đường sắt có vai trò là một trong các trục giao thông chính trên hành lang kinh tế Đông – Tây của khu vực phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng theo quy định.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hóa. Lộ trình đầu tư dự án đến năm 2030 và sau năm 2030.

Tuyến đường sắt khi hình thành sẽ kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, phía Bắc kết nối với đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai, đảm bảo tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh – Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Định hướng giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối từ Hải Phòng tới ga Cái Lân (Quảng Ninh).

Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 – 11 tỷ USD.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới