Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến sự lan rộng, Mỹ có thể "nhúng tay" vào xung đột...

Chiến sự lan rộng, Mỹ có thể “nhúng tay” vào xung đột ở Trung Đông

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng và Mỹ có thể can dự trực tiếp khi triển khai loạt khí tài hạng nặng tới khu vực này.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ngày 5/11 thông báo, tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSGN) lớp Ohio đã được triển khai đến Trung Đông. Đây là một trong bốn tàu ngầm loại này được Mỹ chuyển đổi để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo truyền thông Mỹ, mỗi tàu ngầm SSGN có thể mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và gần gấp 4 lần số lượng mà các tàu ngầm tấn công mới nhất của Hải quân Mỹ được trang bị.

Tên lửa hành trình Tomahawk có thể tấn công mục tiêu chính xác từ khoảng cách 1.600km và đã được Mỹ cũng như các đồng minh sử dụng trong chiến dịch quân sự hơn 2.300 lần. Gần đây nhất, tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã bắn 66 tên lửa Tomahawk vào các cơ sở của chính phủ Syria vào năm 2018.

Việc Mỹ triển khai tàu ngầm được trang bị vũ khí hạng nặng tới Trung Đông được cho là nhằm gửi “thông điệp răn đe” tới “các đối thủ trong khu vực” của Israel, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden “nỗ lực tránh một cuộc xung đột rộng hơn trong bối cảnh cuộc chiến Israel – Hamas bùng phát”.

Theo Viện nghiên cứu chính sách Quincy có trụ sở tại Mỹ, việc triển khai tàu ngầm đang gây ra nhiều lo ngại. Mấu chốt của vấn đề là Mỹ đã tập kết lực lượng quân sự khổng lồ ở Trung Đông trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza đang diễn ra.

Ngoài tàu ngầm mới, Mỹ còn triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay, mỗi nhóm có khoảng 7.500 quân nhân, 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 9 phi đội không quân (được triển khai ở khu vực Đông Địa Trung Hải và Biển Đỏ), 4.000 quân được điều động đến khu vực, với 2.000 quân khác ở trạng thái chờ lệnh, ngoài ra còn có khoảng 30.000 binh sĩ đã đóng quân trong khu vực.

Theo Christopher P. Maier, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, những con số này chưa bao gồm “hàng chục” biệt kích được triển khai tới Israel nhằm “giúp đỡ người Israel thực hiện một số công việc”.

Ngoài ra, Mỹ còn đưa các cố vấn quân sự hàng đầu tới Israel để vạch ra các chiến lược nhằm đánh bại Hamas cùng với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 21/10 xác nhận Washington sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và “các tiểu đoàn Patriot bổ sung tới các địa điểm trên khắp Trung Đông để tăng cường bảo vệ lực lượng Mỹ”.

Các khí tài quân sự được Mỹ triển khai tới Trung Đông sau khi Israel tuyên chiến với Hamas nhằm đáp trả cuộc tấn công của lực lượng này hôm 7/10.

Cuộc khủng hoảng đã leo thang ra ngoài biên giới của Palestine và Israel, với việc Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành một loạt cuộc không kích vào Syria (một đồng minh quan trọng trong khu vực của Iran) và nhắm vào nhóm chiến binh Hezbollah ở miền nam Li Băng (cũng là đồng minh của Iran), sau khi họ cảnh báo mở “mặt trận thứ hai” chống lại Israel nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

Trong những tuần gần đây, các căn cứ của Mỹ nằm rải rác ở phía đông bắc Syria, cũng như các cơ sở quân sự của Mỹ ở Iraq, liên tục bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Lực lượng dân quân Shia của Iraq được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, quốc gia đã giúp họ huấn luyện và tổ chức lực lượng từ năm 2014 để đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chuyên gia Michael Maloof nói với Sputnik rằng “Mỹ đang tham gia vào cuộc chiến và sẽ hỗ trợ Israel rất mạnh mẽ cũng như bảo vệ tài sản của Mỹ trong khu vực”. Theo ông, Mỹ “đang mở rộng hiện diện khắp Trung Đông”. Chỉ riêng xung quanh Iran đã có khoảng 35 căn cứ của Mỹ.

“Mỹ đang tiến tới một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Xung đột giữa Israel và Hamas đang leo thang nhanh chóng trên toàn khu vực và có nguy cơ kéo Mỹ trực tiếp vào cuộc xung đột”, Jon Hoffman, nhà phân tích về chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Cato, nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới