Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ tăng khai thác khoáng sản đất hiếm

TQ tăng khai thác khoáng sản đất hiếm

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang chạy đua để đạt các mục tiêu phát thải carbon, đất hiếm nổi lên là một khoáng sản vô cùng quan trọng đối với quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch trên toàn cầu.

Tại cuộc họp của Quốc vụ viện do Thủ tướng Lý Cường chủ trì hôm 3-11, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch tăng cường tập trung vào ngành công nghiệp đất hiếm chiến lược. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ tiến hành một loạt biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp đất hiếm.
Hướng đến đất hiếm cao cấp

Đất hiếm gồm 17 kim loại quan trọng trong việc sản xuất nhiều sản phẩm từ thiết bị laser và quân sự cho đến nam châm của xe điện, tuốc bin gió và các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Trung Quốc hiện là quốc gia cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận Trung Quốc chiếm 70% hoạt động khai thác đất hiếm toàn cầu trong năm 2022.

Đất hiếm là tài nguyên khoáng sản có tầm quan trọng chiến lược. Do vậy tại cuộc họp ngày 3-11, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng cần phải phối hợp thăm dò, phát triển và tối ưu hóa sử dụng nguồn đất hiếm, đồng thời chuẩn hóa quy trình quản lý, kết hợp thế mạnh giữa doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu và người dùng cuối.

Chính phủ Trung Quốc cũng xem trọng những nỗ lực chủ động hướng tới phát triển và ứng dụng các công nghệ khai thác, tuyển quặng và luyện kim xanh. Bắc Kinh đặt mục tiêu thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn để tạo ra những đột phá về đất hiếm cao cấp.

Cũng trong cuộc họp ngày 3-11, Trung Quốc nhấn mạnh kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép và các hành vi phá hoại môi trường khác, đồng thời kêu gọi nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm theo hướng xanh, thông minh và cao cấp.

Vị thế của Trung Quốc đã thay đổi từ nước xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới sang một quốc gia tiêu thụ đất hiếm. Nhu cầu tăng nhanh về năng lượng gió, phương tiện sử dụng năng lượng mới, cũng như các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khác đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.
Phương Tây thận trọng

Dù thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc đang vấp phải thách thức khi các quốc gia khác nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Theo trang Asia Financial, đầu tháng 7 năm nay, Trung Quốc công bố giới hạn xuất khẩu đối với gallium và germanium – hai loại đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Dữ liệu thương mại cho thấy Bắc Kinh đã siết chặt các chuyến hàng xuất khẩu gallium và germanium trong tháng 8 và tháng 9 sau đó. Quyết định này được xem là đòn trả đũa lại việc Mỹ giới hạn xuất khẩu các loại chip tiên tiến và công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc.

“Những gì diễn ra tại Trung Quốc trong nhiều năm qua là họ đang đầu tư mạnh tay và rất khôn ngoan vào năng lực xử lý (đất hiếm) từ khi chúng còn ở mỏ cho đến lúc trở thành nam châm”, giáo sư ngành luyện kim Allan Walton của Đại học Birmingham (Anh) nhận định.

Mỹ muốn 'đấu' Trung Quốc về đất hiếm

Theo các nhà phân tích, nhờ chuyên môn tinh chế khoáng sản, Trung Quốc đã làm chủ giá đất hiếm ở các giai đoạn khác nhau trong chuỗi chế biến để có lợi cho mình, bao gồm giá thành phẩm thấp, nhằm hạn chế cạnh tranh nước ngoài.

Bà Melissa Sanderson, chủ tịch của Công ty đất hiếm American Rare Earths (Mỹ), cho biết: “Trung Quốc đã đưa ra quyết định chiến lược từ nhiều thập niên trước để phát triển khả năng xử lý đất hiếm, bất chấp những hậu quả về môi trường do công nghệ hiện nay gây ra”.

Các nhà phân tích trong ngành công nghiệp này cho rằng để phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, các quốc gia khác cần phải đổi mới.

Bà Jane Nakano, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, ủng hộ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng nhưng cảnh báo không nên đi quá nhanh để gạt Trung Quốc sang một bên.

“Sẽ rất khó khăn nếu cố gắng loại Trung Quốc ra khỏi bức tranh mà không gây ra sự gián đoạn lớn trong việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch này, không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nơi khác, do giá hàng hóa tăng vọt hoặc trở nên khá biến động”, bà Nakano nói với báo Washington Post.

Trong khi đó, bà Marina Zhang, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cảnh báo những nỗ lực của các nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào các khoáng sản quan trọng của Trung Quốc có thể phản tác dụng.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu có lẽ là một trong số ít lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận hợp tác cùng nhau”, bà Zhang lưu ý.
Mỹ – Úc tìm cách bớt phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo báo Washington Post, trong chuyến thăm Mỹ gần cuối tháng 10 của Thủ tướng Úc Anthony Albanese, quan chức hai bên đã thông báo một loạt các biện pháp ngăn các khoáng sản của Úc được xử lý ở Trung Quốc và thay vào đó gửi đến các nhà máy mới của hai nước.

Các khoáng sản này đóng vai trò quan trọng đối với các công nghệ năng lượng sạch và các hệ thống vũ khí tiên tiến của Úc.

“Trung Quốc có lợi thế đi trước, điều này có nghĩa là chúng ta phải chăm chỉ hơn và nhanh hơn một chút”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nêu cảnh báo khi tham dự một sự kiện cùng thủ tướng Úc.

“Họ có công nghệ và sự đầu tư bền vững… để thống trị thị trường đối với các khoáng sản quan trọng. Và tất cả chúng ta đều biết rằng nếu Trung Quốc đi theo một hướng mới không có lợi cho chúng ta, điều này có thể gây ra nhiều đau đớn một cách nhanh chóng”, bà Raimondo nêu quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới