Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Trò mèo” của chủ nợ

“Trò mèo” của chủ nợ

Với con số cho vay bình quân khoảng 80 tỷ USD mỗi năm cho các nước thu nhập thấp và trung bình, Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ (cho vay khoảng 60 tỷ USD/năm), trở thành thành nước cho vay chính thức lớn nhất thế giới.

Khủng hoảng kinh tế khiến biểu tình thường xuyên diễn ra ở Sri Lanka.

Không ít người ngộ nhận Mỹ là chủ nợ lớn nhất thế giới. Mỹ giàu có thế kia mà, với GDP tới 23 nghìn tỷ USD, chiếm vị trí số một thế giới. Ai nhiều tiền mà chẳng kinh doanh tiền. Ngoài lời lãi về tiền, cái lợi to lớn hơn còn là nâng vị thế quốc gia trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên bàn cờ chính trị thế giới hiện nay.

Thực dụng như Mỹ, sao không biết điều đó. Không chỉ biết, Washington còn sử dụng tiền như một con bài hiệu quả tác động, gây ảnh hưởng và chi phối các quốc gia khác, thậm chí chi phối toàn cầu. Nhật, Hàn chẳng hạn, không có viện trợ kinh tế cùng hỗ trợ khoa học kỹ thuật và công nghệ Mỹ, đố thành các cường quốc kinh tế được như ngày nay. Đài Loan, Thái Lan nữa, được như ngày nay cũng không thể tách rời sự hỗ trợ ưu ái của Washington. Từng có thời gian dài, Washington vãi tiền như vãi vỏ hến, chiếm ngôi vị đầu bảng chủ nợ trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng thế thời đã đổi khác với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự phát triển thần kỳ về kinh tế khiến Trung Quốc vận dụng chính con bài kinh tế của Mỹ gây ảnh hưởng ra thế giới. Điển hình nhất là sáng kiến “Vành đai & Con đường” (BRI) mà Bắc Kinh công bố 10 năm trước đây, trong thời của ông Tập Cận Bình.

BRI có thể hiểu như thế nào? Cô gọn lại, nó là một dự án hạ tầng toàn cầu. Ngoài mục tiêu ngoại giao và đối nội: khẳng định sự chuyển mình của Trung Quốc, trỗi dậy, dẫn dắt, tạo ảnh hưởng, kiểm soát thế giới thế kỷ XXI; giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, có nền tảng hơn, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc…, là mục tiêu chính trị: “ quy tụ các nước quanh BRI; cho vay, lôi kéo và dẫn dắt các nước có lợi từ vành đai và con đường, từng bước chia rẽ châu Âu, bao vây Ấn Độ cả đường biển và đường bộ thông qua án ngữ tại cảng chiến lược Srilanka và Pakistan, từng bước mở rộng, kiểm soát đường biển để cô lập Nhật Bản, kiểm soát khu vực Trung Đông và châu Phi; cô lập Mỹ, làm suy yếu NATO, kiểm soát châu Âu và Mỹ bằng 5G, từng bước chiếm lĩnh vị trí dẫn dắt thế giới…” – như phân tích của các chuyên gia quốc tế.

Với các mục tiêu đầy tham vọng đó, cho “vay tài chính” được Trung Quốc coi là chìa khóa thần kỳ, được triển khai ngay từ đầu.

Sau 10 năm, theo tính toán, Trung Quốc cung cấp những khoản vay lớn tới 1,1 nghìn tỷ USD để thực hiện 21 nghìn dự án cầu cảng và đường cao tốc ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong số 150 quốc gia, trải dài từ Uruguay đến SriLanka, đã đăng ký tham gia BRI. Thông tin trên căn cứ báo cáo của AidData, một viện nghiên cứu ở Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động cấp vốn phát triển.

Với con số cho vay bình quân khoảng 80 tỷ USD mỗi năm cho các nước thu nhập thấp và trung bình,Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ (cho vay khoảng 60 tỷ USD/năm), trở thành thành nước cho vay chính thức lớn nhất thế giới.

Điều đáng quan tâm là, 80% danh mục cho vay này là dành cho những quốc gia đang gặp áp lực tài chính, trong đó có Argentina, Mông Cổ, Pakistan, Lào, Campuchia…

Tiền vào nhà khó không phải bao giờ cũng tốt; nhiều khi nó thành “lợi bất cập hại”. Quan ngại đó đã thành sự thật khi các quốc gia chạm tới thời kỳ phải trả nợ. Khó khăn khiến không ít con nợ quốc gia chơi bài …ì.

Tất nhiên, dù…ì ra, thì nội bộ, chính phủ các nước đó cũng lo tới “sốt vó”. Thậm chí, có trường hợp lục đục, cãi cọ, đổ lỗi, cáo buộc nhau đã lóa mắt trước ánh kim tiền mà không tỉnh táo lường tới hậu quả sập bẫy nợ của tay chủ nợ quá nhiều toan tính và mưu mô. Như Malaysia chẳng hạn, là một trong những nước đang đòi đàm phán lại một số hợp đồng do phát hiện ra một số công ty Trung Quốc đã thực hiện các dự án với giá mập mờ khiến đối tác bị thiệt hại…

Những rắc rối kiểu như Malaysia khiến uy tín của Trung Quốc giảm sút ở các nước đang phát triển. Bằng chứng là ở các quốc gia này, tỷ lệ ủng hộ Bắc Kinh từ 56% năm 2019 xuống 40% năm 2021.

Các con nợ lo đã đành; ngay cả chủ nợ là Trung Quốc cũng bắt đầu lo lắng. Là bởi, khó khăn trả nợ của các con nợ thành khó khăn cho chính Trung Quốc. Tiền quăng ra phải thu được về chứ. Và tiền là của các ngân hàng chứ đâu phải của chính phủ. Vậy là, cùng với hãm lại việc vãi tiền ra, nhất là với các quốc gia khó khăn trả nợ, Trung Quốc phải tính việc cứu các ngân hàng bằng giải pháp tham gia việc cho vay cứu trợ quốc tế, đồng thời với tăng thời gian ân hạn và đáo hạn nợ cho các nước thu nhập thấp.

Tuy nhiên, kiểu “tái cấu trúc nợ” này được coi là việc “đầy rủi ro” – như đánh giá của Carmen Reinhart, chuyên gia kinh tế trưởng tại (Ngân hàng Thế giới) WB, cũng như các chuyên gia nhiều định chế tài chính quốc tế khác. Rủi vì rất có thể, nó sẽ tăng gánh nợ cho các con nợ; làm chậm tiến độ và đội vốn các dự án, công trình…

Được biết, Trung Quốc đã chi 240 tỷ USD cứu trợ cho 22 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2008-2021. Tuy nhiên, số tiền vung ra quá lớn, 249 tỷ USD nêu trên hóa ra như “muối bỏ bể”. Vậy là vốn nhiều mưu, Bắc Kinh lại lên tiếng kêu gào WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tham gia quá trình giảm nợ này.

Trung Quốc là thế, dùng con bài cho vay để mưu lợi ích riêng, nhưng gặp khó trong thu hồi vốn, lại nghĩ ra mẹo chia sẻ. Nên có người mới ví mẹo đó như “trò mèo” vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới