Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiữa chủ chiến và chủ hòa trên dải Gaza

Giữa chủ chiến và chủ hòa trên dải Gaza

Trong bối cảnh xe tăng của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tiến đến trung tâm TP Gaza, các nỗ lực ngoại giao tổng lực vẫn tiếp tục được duy trì với hy vọng có thể tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”.

Sau một hai cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức tại Jordan (bị hoãn vào ngày 16-10) và Ai Cập (22-10) không đạt được kết quả đáng ghi nhận nào, Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập – Hồi giáo được tổ chức bất thường tại Riyadh vào ngày 11-11 do Saudi Arabia chủ trì đã mở ra cách tiếp cận mới.
Tăng áp lực ngoại giao

Hội nghị góp phần nâng cao tối đa hiệu quả chiến lược gây áp lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza.

Thượng đỉnh Ả Rập – Hồi giáo, còn được biết đến là Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình ở Gaza, đã mở rộng quy mô từ 22 thành viên của Liên đoàn Ả Rập lên 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Mục tiêu tăng cường quy mô như vậy không chỉ giúp khối các nước Ả Rập – Hồi giáo gia tăng đáng kể trọng lượng về ngoại giao mà còn góp phần điều phối được lập trường có phần khác biệt của nhóm các quốc gia Hồi giáo theo dòng Shia mà đứng đầu là Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Để đạt được mục tiêu này, Saudi Arabia dường như đã thành công khi tận dụng được tốt các nền tảng hòa giải đang có với nhóm các nước Hồi giáo theo dòng Shia (điển hình là Iran và Syria).

Cả Iran – Syria – Libăng đều “chủ chiến” khi để ngỏ kịch bản leo thang chiến sự với Israel. Các nước này luôn ủng hộ răn đe về quân sự.

Saudi Arabia cũng khéo léo giữ cân bằng với quan điểm của nhóm các nước Hồi giáo theo dòng Sunni luôn chủ trương duy trì đối thoại với Israel.

Điển hình của xu hướng “chủ hòa” này là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), khi nguồn tin từ Hãng tin Reuters cho biết nước này vẫn giữ kế hoạch duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Israel bất chấp chiến sự ở Dải Gaza.

Định hướng này được cho là nhằm giữ vững di sản Hiệp định Abraham và quá trình bình thường hóa quan hệ Ả Rập – Israel đầy khó khăn mà UAE là quốc gia “mở đường”.

Ủng hộ xu hướng này còn có Ai Cập khi muốn dùng đối thoại để mở hành lang nhân đạo cứu trợ người dân Palestine cũng như hạn chế kịch bản dòng người tị nạn đổ vào bán đảo Sinai vốn có thể gây khủng hoảng an sinh – xã hội.
Ngoài ra, do phong trào Hamas vẫn đang ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo mà Chính phủ Ai Cập hiện xem là tổ chức khủng bố, nên Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã bác bỏ mạnh mẽ kịch bản người Palestine tràn vào Ai Cập.

Trong khi đó, phía Jordan cũng đang cần đối thoại để được Israel tiếp tục cho phép thả hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza bằng đường hàng không, còn Qatar đang trở thành trung gian đàm phán trao đổi con tin giữa Hamas và Israel.
“Phủ đầu”, “chèn giữa” và “khóa đuôi”

Sự quyết đoán của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với cuộc chiến ở Dải Gaza được thể hiện rõ khi ông tuyên bố sẽ đứng vững ngay cả khi phải chống lại áp lực toàn diện từ dư luận quốc tế vào buổi họp báo ngày 11-11.

Việc mỗi quốc gia ở Trung Đông xây dựng thành các nhóm nhỏ có lập trường tương đồng để tiếp cận Israel một cách đơn lẻ có thể chính là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng lực lượng IDF vượt lên áp lực dư luận để triển khai tấn công toàn diện phe Hamas ở phía bắc Dải Gaza.

Để khắc phục điều đó, ngoài định hướng tăng cường đoàn kết nội khối để mở rộng quy mô áp lực ngoại giao, Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập – Hồi giáo lần này đã thống nhất quyết định lên án đến 10 hành động cụ thể mà quân đội Israel đang thực hiện ở Dải Gaza.

Đây là chiến thuật “chèn giữa” về ngoại giao khiến lực lượng IDF phải cẩn trọng hơn khi biết khối Ả Rập – Hồi giáo đang tổng hợp dữ liệu quan trọng nhằm áp dụng các khung pháp lý giai đoạn hậu chiến.

Và để khẳng định viễn cảnh sẽ sử dụng luật pháp quốc tế đối với các cáo buộc hiện tại, hội nghị lần này cũng trao quyền cho tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo thiết lập cơ chế giám sát, tổng hợp các hồ sơ để đệ trình và yêu cầu công tố viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) điều tra “tội ác chiến tranh” của Israel ở Dải Gaza.

Bước “khóa đuôi” này thực sự quan trọng, qua đó khiến cho phía Israel hiện cũng có nhiều động thái như chấp thuận ngừng bắn bốn giờ mỗi ngày và nới lỏng các biện pháp thắt chặt viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza và thông báo đã có 14.320 tấn hàng viện trợ được gửi vào khu vực này kể từ khi bắt đầu chiến sự. Sắp tới, Israel được cho là sẽ thiết lập các bệnh viện nổi ngoài khơi Dải Gaza nhằm hỗ trợ các bệnh viện dã chiến.

Như vậy, Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập – Hồi giáo lần này không chỉ dung hòa được quan điểm giữa hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa” ở khu vực, mà còn tăng cường hiệu quả của các nỗ lực “ngoại giao tổng lực” để hiện thực hóa kịch bản tối thiểu mà phía Israel sẽ chấp thuận nhằm tránh thảm họa nhân đạo toàn diện ở Dải Gaza.

Kết hợp cùng với áp lực từ tuyên bố chung của 18 cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, bản kiến nghị của hơn 750 phóng viên quốc tế và làn sóng biểu tình của hàng trăm nghìn người dân châu Âu và hàng triệu người dân ở các nước Hồi giáo, một kịch bản đình chiến toàn diện ở Dải Gaza lại càng có thêm hy vọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới