Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHà Nội và văn minh Pháp

Hà Nội và văn minh Pháp

Những giá trị lịch sử của Hà Nội từ khi Lý Công Uẩn dời đô, thì chủ yếu là tiềm ẩn sâu xa trong tâm thức mà mỗi người có thể hình dung được khi tiếp xúc với các di tích, di sản văn hóa.

Nhưng rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội, đến nay, đã gần như trở thành biểu tượng, giống như cái vỏ vật chất (physical shells) lưu giữ các tầng tâm thức của nhiều thế hệ. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia xung quanh Việt Nam, thì Hồ Gươm, Văn miếu – Quốc tử giám, Núi Nùng, Đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng… hầu hết đều là “vật mang” giá trị (value carrier) của lịch sử; bản thân giá trị vật thể có thể trực tiếp thấy được ở những di sản này, thực ra không nhiều. Trong khi đó, những dấu ấn văn hóa vật thể còn lại từ khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội, thì lại là những công trình khá bề thế và còn mang nhiều giá trị vật thể. Những địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như Nhà Kèn, Nhà Hát Lớn, nhà tù Hoả Lò, Ga Hàng Cỏ, Cầu Long Biên, Nhà thờ lớn Hà Nội, Chợ Đồng Xuân… đều là những di sản có giá trị vật thể như vậy, bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể.

Không thể hiểu được bản sắc Hà Nội, nếu không nói đến những nét văn hóa – văn minh Pháp còn đọng lại ở đời sống đô thị vùng đất này.

  1. Đặt vấn đề

Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến, nghĩa là thời điểm Hà Nội trở thành Thủ đô là từ khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Tuy nhiên, với tính cách là một đô thị trung tâm của quốc gia, thì “hồn cốt” và diện mạo của Hà Nội, so với các đô thị khác, lại là những giá trị vật chất và tinh thần quy định diện mạo đặc trưng và chiều hướng phát triển của thủ đô, sau khi Hà Nội đã có hơn nửa thế kỷ chịu ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa – văn minh Pháp. Bản sắc Hà Nội, do vậy phải chăng là, sự pha trộn hài hòa, sự đan xen khó tách biệt, sự thẩm thấu tưởng như khiên cưỡng nhưng qua thời gian lại trở thành phù hợp… giữa những nét “kinh điển, hoa lệ” của châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hóa Hà Nội.

Trong tâm thức của một số người, nỗi ngậm ngùi của một Hà Nội thuộc địa từng chịu sự thống trị của thực dân Pháp, đan xen phức tạp với niềm tự hào của một thành phố không mấy xa lạ với Paris, với nét hào hoa lịch thiệp kiểu đô thị Châu Âu. Dấu ấn châu Âu trong lòng Hà Nội so với những đô thị khác trong khu vực đã khiến Hà Nội trở thành điểm đến của du khách. Ngày nay, Hà Nội rộng lớn hơn nhiều lần so với thế kỷ trước, nhưng lại không mấy ai coi bản sắc Hà Nội là những nét đặc thù, dù tốt đẹp, được du nhập từ ngoại thành, mà vẫn chủ yếu là những gì mà Hà Nội đã tạo dựng được từ trong lịch sử và từ thế kỷ trước.

Đó là vấn đề đặt ra đối với việc các định bản sắc của Hà Nội.

  1. Vài nét về lịch sử Hà Nội

Hoa Lư là kinh đô của 2 triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009). Một năm sau khi lên ngôi tại Hoa Lư, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Đại La đặt tên Thủ đô là Thăng Long. Chỉ sau một thế kỷ, Thăng Long đã thực sự trở thành trung tâm mạnh và sầm uất của quốc gia với nhiều công trình tầm cỡ như chùa Diên Hựu xây dựng năm 1049, chùa Báo Thiên năm 1057, Văn Miếu năm 1070, Quốc Tử Giám năm 1076…

Thời Trần, Thăng Long với 61 phường, được xây dựng thêm nhiều cung điện trong Hoàng thành. Kinh tế công thương phát triển, cư dân người Hoa, người Java và người Ấn Độ đã đến buôn bán. Tầng lớp thị dân xuất hiện. Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu và Chu Văn An là những học giả lớn thời kỳ này. Trong cuộc chiến chống Nguyên, Thăng Long ba lần bị chiếm giữ (1/1258, 2-5/1285, 2-3/1288) nhưng chiến thắng đều thuộc về Đại Việt.

Năm 1398, Hồ Quý Ly đã chuyển đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Những năm 1400-1407 Thăng Long đổi tên thành Ðông Ðô. Khi giặc Minh xâm chiếm, giai đoạn 1407-1427, Thăng Long đổi tên thành Ðông Quan. Năm 1426, Lê Lợi tiến quân ra Ðông Quan, sau đó giải phóng được Ðông Quan tháng 1/1428. Tháng 4/1428, Lê Lợi từ dinh Bồ Ðề (Gia Lâm) vào thành Ðông Ðô, lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Ðại Việt. Năm 1430 Ðông Ðô được đổi tên thành Ðông Kinh. Trong gần 100 năm sau đó, triều Lê đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển Hà Nội.

Trong thời kỳ tranh giành quyền lực giữa nhà Lê, nhà Mạc và chúa Trịnh (1527-1789), Thăng Long vẫn là Kinh đô. Cùng với Hoàng thành của Vua Lê, trung tâm quyền lực là phủ Chúa Trịnh được xây dựng. Chính trị phức tạp, nhiều cuộc nội chiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn đã xảy ra, nhưng kinh tế Thăng Long và Đại Việt vẫn phát triển. Cách gọi “Thành Thăng Long và thị Kẻ Chợ” cùng với câu ca “Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến” đã phản ánh sự phát triển ngoại thương thời kỳ này. Tầng lớp trí thức tương đối có vị thế, những tên tuổi còn lại đến nay là Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Ngô Thì Sĩ, Bùi Huy Bích, Lê Quý Đôn…

Năm 1786, quân Tây Sơn ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, chấm dứt hai thế kỷ chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài. Năm 1788, nhà Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ lên ngôi rồi dẫn quân ra Bắc làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đánh bại quân Thanh. Nhà Tây Sơn trị vì với kinh đô mới ở Phú Xuân, đổi Thăng Long thành “Bắc Thành”.

Gia Long lên ngôi năm 1802, kinh đô vẫn ở Phú Xuân. Năm 1805, Gia Long thu hẹp thành Thăng Long xây theo kiểu Vauban của Pháp mà dấu vết vẫn còn lại tới ngày nay (đường Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Trần Phú và Phùng Hưng). Năm 1831, Minh Mạng cải cách hành chính, cả nước gồm 29 tỉnh, Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội (gồm 4 phủ, 15 huyện) với tên là Phủ Hoài Đức với 3 huyện: Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm. Tên gọi Hà Nội bắt đầu từ đây. Kinh tế Thủ đô gồm cả nông nghiệp, nhưng thương mại và thủ công là chính tạo khởi sắc cho đô thị Hà Nội. Một số cửa ô được xây dựng lại. Một số công trình tín ngưỡng, tôn giáo như đền Ngọc Sơn (1841), chùa Báo Ân (1846)… được xây dựng mới.

Ngày 1/9/1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam. Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định. Năm 1861, Pháp chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Ngày 5/6/1862, Triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất, công nhận quyền cai trị của Pháp ở Gia Tường, Biên Hòa và Côn Đảo.

Tháng 11/1873 quân đội Pháp với 200 lính và 4 khẩu pháo dưới sự chỉ huy của Francis Garnier tiến đánh Hà Nội. Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất; Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết. Ngày 20/11/1873 Hà Nội thất thủ về tay người Pháp. Garnier mở rộng đánh chiếm Hưng Yên vào ngày 23/11/1873, Phủ Lý ngày 26/11/1873, Hải Dương ngày 3/12/1873, Ninh Bình ngày 5/12/1873 và Nam Định ngày 12/12/1873. Ngày 21/12/1873 Garnier bị giết bên bờ hồ Ngọc Khánh. Ngay sau đó, năm 1874, khi ký kết Hiệp ước Giáp Tuất với triều đình Huế, người Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội. Ngày 31/8/1875, triều Nguyễn ký thoả ước nhượng địa cho Pháp khu vực đóng quân và xây sứ quán quanh nhà thương Đồn Thuỷ (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay). Một vài công trình kiến trúc đầu tiên của Pháp còn lại đến nay nằm trong khu Bệnh viện 108. Đến năm 1884, khi nhà Nguyễn ký Hiệp ước Giáp Thân công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Hà Nội mới bước vào thời kỳ thuộc địa. Ngày 24/4/1882, Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ 2; Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.

Người Pháp đã phá chùa Báo Thiên có từ thế kỷ XI để xây dựng Nhà Thờ Lớn (năm 1884), phá chùa Báo Âns để xây Phủ Thống Sứ Bắc kỳ và Nhà Bưu điện (năm 1889).

Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội gồm 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức. Thành Hà Nội, cố đô Thăng Long xưa, trở thành nhượng địa của Pháp. Ngày 13/12/1897, Paul Doumer sang Hà Nội nhậm chức Toàn quyền Đông Dương (1897-1902, ông được xem là người có đóng góp tích cực cho Hà Nội và cho sự phát triển của Việt Nam thời đó). Ngày 3/5/1902, tỉnh lỵ Hà Nội chuyển về xứ Cầu Đơ, gọi là tỉnh Cầu Đơ; năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Người Pháp quy hoạch lại Hà Nội với bộ mặt mới. Thành Hà Nội đã bị phá từ trước đó, chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc, Đoan Môn và lan can rồng đá ở trong hoàng thành cũ.

Theo Warres Smith trong cuốn sách nổi tiếng của ông nghiên cứu về dân châu Âu ở Viễn Đông xuất bản năm 1900 “European Settlements in the Far East”, “Dân số Hà Nội vào năm 1897 là 102.700 người, trong đó có 950 người châu Âu, 100.000 người An Nam, 1.697 người Trung Hoa, và 42 người Ấn Độ”. Mô tả chi tiết về Hà Nội lúc đó, Warres Smith viết:

“Hà Nội thủ đô của Bắc Kỳ, và nay là thủ phủ của chính quyền Đông Dương, tọa lạc trên sông Cái, hay sông Hồng, cách cửa sông gần 180km. Thành phố được xây dựng gần con sông, ở đây chiều ngang sông rộng gần đến một dặm, và nhờ các hồ nước và cây cối rải rác, nó phô bày một vẻ đẹp khá ngoạn mục. Thành cổ chiếm giữ điểm cao nhất và được bao quanh bởi một bức tường bằng gạch cao gần 3,7m và một hào nước. Nó gồm các doanh trại dành cho binh sĩ, kho vũ khí, đạn dược, v.v… và một ngôi chùa hoàng gia nằm bên trong tường thành. Phố cổ nằm ở giữa tòa thành và sông, và các đường phố của nó có một dáng vẻ khác lạ nhờ kiến trúc độc đáo của các ngôi nhà. Kể từ khi Pháp chiếm đóng vào năm 1882, đã có những cuộc tu bổ lớn trong việc thiết trí thành phố và tạo lập các con lộ và các đường phố. Khu phố gần con sông nhất dần dần mang dáng vẻ của một thành phố Á Đông lai Pháp. Các phố mới rộng, dài, được trồng cây và thắp sáng bằng điện, đã được xây dựng, trong đó Phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay) là phố buôn bán chính yếu với các cửa hiệu châu Âu và khách sạn, v.v… Tòa thị chính, Bưu điện, Kho bạc, câu lạc bộ và bục hòa nhạc nằm sát Phố Bờ Hồ (Rue de Lac, tức phố Hàng Dầu ngày nay). Nhà Thờ lớn, một công trình đồ sộ nhưng xấu xí, với hai tháp cao, tọa lạc tại một con phố nằm phía sau phố Jules Ferry (phố Hàng Trống ngày nay), lại vươn cao ngất ngưởng, dễ nhìn thấy từ phần lớn các nơi trong thành phố. Một bức tượng bằng đồng đẹp đẽ của Paul Bert được dựng tại Công viên đối diện với Hồ Nhỏ (Petit Lac, hồ Hoàn Kiếm), và được khánh thành vào ngày 14/7/1890. Hồ Nhỏ là một dải nước nằm giữa thành phố mới, mang lại vẻ đẹp như tranh nhờ các ngôi đền lạ lùng tọa lạc trên các hòn đảo điểm họa cho nó. Các khách sạn khá tốt. Tại thành phố bản xứ này, đường phố được giữ gìn rất tốt và sạch sẽ khi so sánh với phần lớn các thành phố phương Đông. Chúng đều được thắp sáng và khô ráo. Một số ngôi nhà trông rất kỳ lạ và đặc biệt. Về các ngôi đền, ngôi chùa Đại Phật (Grand Buddha, tức đền Quán Thánh) bên bờ Hồ Lớn (Grand Lac, Hồ Tây) có lẽ là ngôi chùa quan trọng nhất, bởi nó có một bức tượng lớn bằng đồng của một vị thánh. Một sân Đua Ngựa mới, bắt đầu được đưa vào sử dụng trong năm 1890, được xây dựng ngay bên ngoài thành phố mới. Các dinh thự của viên Toàn quyền và Tư lệnh Quân đội, các văn phòng chính phủ, nhà thương và một số kiến trúc công khác được đặt tại vùng trước đây là “Khu Nhượng địa” (Concession) gần bờ sông. Dân số năm 1897 là 102.700 người, trong đó có 950 người châu Âu, 100.000 người An Nam, 1.697 người Trung Hoa, và 42 người Ấn Độ. Có vài tờ báo bằng tiếng Pháp được ấn hành trong thành phố. Các con tàu hơi nước chạy trên Sông Cái đến tận Lào Kai, gần vùng biên cương với Vân Nam, và một nền thương mại quá cảnh đang phát triển. Một đường xe hỏa hiện đang được xây dựng từ Hà Nội đến Phủ Lạng Thương, từ đó có một tuyến chạy đến Lạng Sơn và vùng biên cương Trung Hoa. Một nhượng địa đã được chấp thuận cho việc nối dài tuyến đường xe lửa đến Long Châu, tỉnh Quảng Tây”.

Theo nghiên cứu của Philippe Papin, vào năm 1921, Hà Nội có khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa.[8] Cùng với sự thống trị của người Pháp, văn hóa – văn minh phương Tây đã đến với Hà Nội và gây ra những biến đổi lớn cho Thủ đô. Không còn thuần túy là một kinh thành phong kiến, Hà Nội mang diện mạo của một đô thị châu Âu. Về mặt xã hội, bên cạnh giới tư bản nước ngoài, tầng lớp tư sản Việt Nam cũng xuất hiện. Thành phố ngày càng đậm nét là trung tâm đời sống tinh thần trí tuệ quốc gia. Khoa học, giáo dục đại học, báo chí, âm nhạc, hội họa, thơ văn, điêu khắc và các loại hình nghệ thuật sáng tạo theo phương pháp châu Âu xuất hiện. Những trí thức, học giả, giới báo chí thạo tiếng Pháp ngày càng nhiều. Các nhà thơ theo phong trào thơ mới, các nhạc nhạc sĩ, các họa sĩ… theo phong cách châu Âu ngày càng chiếm ưu thế và có nhiều người nổi tiếng trong đời sống tinh thần xã hội Hà Nội và Việt Nam.

  1. Những dấu ấn văn hóa – văn minh Pháp trong quy hoạch và kiến trúc đô thị

Người Pháp đã quy hoạch Hà Nội theo 3 giai đoạn gắn với mở rộng không gian đô thị: từ năm 1875 đến năm 1888, từ năm 1888 đến năm 1920 và từ sau năm 1920 đến năm 1942. Ngay ở giai đoạn đầu, cùng với xây dựng khu Nhượng địa, hồ Hoàn Kiếm và những kiến trúc quanh hồ đã được chú ý quy hoạch và tổ chức xây dựng. Đường quanh hồ rộng 10m, khu phố cổ phía bắc hồ được chỉnh trang và xây dựng ở giai đoạn này.

Tuy nhiên căn cứ vào những công trình còn lại đến ngày nay, có thể chia quy hoạch và xây dựng Hà Nội theo hai giai đoạn trước và sau năm 1920.

Trước năm 1920, bộ mặt kiến trúc mang phong cách Tân cổ điển châu Âu. Trong giai đoạn đầu, từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1920, đặc biệt từ khi P. Doumer đến Hà Nội (1897-1902), cùng với những nhà tư bản Pháp đến nhiều hơn, người Pháp đã xây dựng một loạt các công trình lớn tại Hà Nội: Chợ Đồng Xuân (năm 1889); Nhà thờ lớn (1884-1888); Cầu Long Biên (1889-1902); Bưu điện Hà Nội (1893-1899); Bốt nước Hàng Đậu (năm 1894); Nhà tù Hỏa lò (1895-1899, 1898-1901); Ga Hàng Cỏ (1899-1902); Khách sạn Metropole (năm 1901); Nhà Godard Tràng Tiền (năm 1901); Phủ Thống sứ (1900-1906, 1909-1918, nhà khách chính phủ ngày nay); Nhà hát lớn (1901-1911); Ngân hàng Hà Nội 1918-1831, Viện Viễn Đông bác Cổ (với nhiều lần xây dựng mà bắt đầu từ 1905. Thư viện KHXH ngày nay)…

Toàn bộ những công trình này nằm ở khu vực Trung tâm hành chính I (Quận Hoàn Kiếm ngày nay), hiện là một quần thể có giá trị lớn không chỉ về kiến trúc mà cả về lịch sử, văn hóa và cảnh quan. Đặc trưng kiến trúc những công trình của khu vực này là xây dựng theo phong cách Tân cổ điển. Một trung tâm khác được gọi là Trung tâm hành chính II (Ba Đình ngày nay) là Dinh Toàn quyền Đông Dương 1902-1906 (Phủ Chủ tịch ngày nay), Sở Tài chính Đông Dương (1924-1928, hiện là trụ sở Bộ Ngoại giao) nối với trung tâm I và hồ Hoàn Kiếm bằng trục phố Paul Bert – Borgnis Desbordes – Puginier (nay là trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ).

Thời kỳ thứ hai của quy hoạch Hà Nội và kiến trúc Pháp thuộc (từ năm 1920 đến năm 1954), gắn liền với vai trò của Ernest Hébrard (1875-1933), kiến trúc sư đến Việt Nam từ năm 1921, sau đó giữ trọng trách Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương đến 1931.[11] Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là những công trình mang phong cách kết hợp Âu và Á, gọi là phong cách Kiến trúc Đông Dương (Style Indochinois) mà Hebrard được coi là người khởi xướng. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1926-1932), Viện Pasteur (năm 1927), Viện Đại học Đông Dương (1923-1926); Bảo tàng Louis Finot EFEO (1925-1932, Bảo tàng lịch sử hiện nay); Sở Tài chính Đông Dương (1924-1928); Nhà thờ Cửa Bắc (1925-1930); … là những công trình tiêu biểu của thời kỳ này, qua thời gian đã được đánh giá là thành công trong xử lý không gian kiến trúc phù hợp với phương Đông.

Cùng với việc xây dựng các công trình kiến trúc tiêu biểu trên, người Pháp còn chú trọng xây dựng Vườn Bách thảo, các quảng trường, các công viên, vườn hoa và các đài tưởng niệm mà đến nay vẫn được coi là có giá trị công năng.

  1. Những dấu ấn văn hóa – văn minh Pháp trong khoa học và giáo dục

Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp ở Việt Nam chủ trương đẩy mạnh khai thác thuộc địa, khám phá sâu hơn về phương Đông, thì đặc thù của văn hóa và con người Việt Nam đã được các học giả Pháp và Việt Nam chú ý nghiên cứu ở trình độ rất cao.

Tâm lý ngạo mạn cho rằng “văn hóa văn minh phương Tây là khuôn vàng thước ngọc cho phần còn lại của thế giới” và “các dân tộc thượng đẳng có sứ mệnh khai hóa văn minh cho các dân tộc nhược tiểu”, luôn mang tính hai mặt của nó. Người Pháp không thể tuyệt đối thống trị được các dân tộc thuộc địa, nếu bộ máy cai trị ở bản địa chỉ ở trình độ dốt nát, kém cỏi. Vả lại, khi được coi là một phần “của nước mẹ Đại Pháp” thì môi trường xã hội và văn hóa của tầng lớp cai trị cũng cần thiết phải đạt đến một trình độ văn minh nhất định. Thực ra tâm lý của những quan lại người Pháp ở Đông Dương đôi khi còn mong muốn Đông Dương phải trở thành một xã hội tiến bộ theo cách của người Pháp, nghĩa là có những nét đẹp, đủ để mê hoặc bản quốc.

Về điều này, cần thiết phải thấy rằng, nhìn từ phương diện chính trị – xã hội, từ giữa thế kỷ XV, phương Tây bắt đầu tiến hành cuộc tìm kiếm những miền đất mới. Trong khoảng ba thế kỷ, gần như toàn bộ thế giới với những nền văn hóa rất khác nhau đã được khám phá. Có rất nhiều lý do đã được nêu ra để giải thích sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản châu Âu thời bấy giờ, trong đó có cả những lý do nhân đạo, đầy tinh thần nghĩa hiệp tồn tại bên cạnh những lý do tham tàn của chủ nghĩa thực dân. Không hề ngẫu nhiên, các học giả nổi tiếng của bộ sách nhiều tập “Lịch sử phát triển văn hóa văn minh nhân loại” đã lưu ý người đọc trên khắp thế giới, rằng: “Những người thực hiện cuộc bành trướng có những lý do phức tạp không kém những Thập tự quân trước đó; và cũng giống như Thập tự quân, họ tin tưởng phần nào là họ đang làm công việc của Thượng đế”.[13] Theo chúng tôi đây là điều rất đáng lưu ý để giải thích tại sao nhiều quốc gia dân tộc khá lớn và cũng mạnh mẽ nhưng vẫn phải đầu hàng, quy phục, chịu làm thuộc địa trước chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Hơn thế nữa, khi những nhà cai trị lại đồng thời là các nhà khoa học hoặc nhà văn hóa, thì văn hóa và khoa học lại còn vận động theo những logic riêng của nó. Khám phá đặc thù của các dân tộc xa xôi, xưa nay luôn là niềm mơ ước cháy bỏng của tất cả các nhà khoa học Pháp và châu Âu, đặc biệt với những nhà dân tộc học hay những người làm khoa học xã hội nhân văn.

Mà các khoa học xã hội và nhân văn Pháp lúc đó, đặc biệt dân tộc học, khảo cổ học, tôn giáo học, ngôn ngữ học… đã được coi là thuộc loại hàng đầu châu Âu.

Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient, EFEO) được thành lập tại Sài Gòn năm 1900, chuyển ra Hà Nội năm 1902 và là tiền thân của tất cả 18 trung tâm EFEO tại 13 quốc gia trên thế giới hiện nay. Tòa nhà của Thư viện Viễn Đông Bác cổ ở 26 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1905 và sau đó, nhiều lần được tiếp tục xây dựng. Bảo tàng Louis Finot EFEO (Bảo tàng Lịch sử hiện nay) được khởi công năm 1925 và hoàn tất vào năm 1932. Khi thiết kế và xây dựng công trình có một không hai này, chắc chắn Ernest Hebrard không chỉ muốn gửi gắm ở đây trình độ tài ba của một kiến trúc sư hay của một giáo sư mỹ thuật, mà còn muốn để lại cho Hà Nội một cơ sở gây ấn tượng với đời sau về kiến trúc và làm hạ tầng cho giới khoa học Pháp và bản địa có điều kiện để khám phá sâu hơn về phương Đông. EFEO đã nghiên cứu rất sâu về văn hóa và con người Việt Nam và đã để lại những kết quả nghiên cứu khoa học và văn hóa có ý nghĩa nền tảng vô cùng giá trị đối với các thế hệ sau, mà đến nay giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam cũng chưa tiến xa hơn được bao nhiêu. Chẳng hạn, về các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa,…; những nghiên cứu về Tây Nguyên hay những khám phá về thánh địa Mỹ Sơn, bãi đá cổ Sa Pa…

Tạp chí nghiên cứu B’EFEO (Bulletin de l’ École française d’Extrême-Orient) gần 100 năm nay đã trở thành nguồn dữ liệu không thể thiếu trong danh mục tham khảo của các ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam và khu vực châu Á. Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902. Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) được thành lập năm 1905 (bao gồm một loạt trường chuyên ngành, được thành lập từ năm 1905 đến năm 1941), sau này là Đại học quốc gia Việt Nam. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1924, là trung tâm mỹ thuật đầu tiên ở khu vực vẽ và sáng tạo theo mô hình và các chuẩn mực phương Tây. Viện Hải dương học Đông Dương (Institut Océanographique de l’Indochine) thành lập năm 1922 ở Nha Trang. Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu hải dương học ra đời sớm nhất và có hiện vật biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Viện Hải dương học Nha Trang cũng là nơi có những nghiên cứu khảo cổ, địa chất, hải dương… sớm nhất ở Hoàng sa và Trường Sa và có những đóng góp to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này.

Khi nghiên cứu những dấu ấn của văn hóa – văn minh Pháp đối với bản sắc Hà Nội, chúng tôi muốn nhấn mạnh, về mặt khoa học, không thể không thừa nhận rằng, những thiết chế khoa học này, đã sớm đem đến cho giới trí thức Việt Nam tinh thần khoa học, phương pháp luận nghiên cứu, tình yêu chân lý, phong cách sáng tạo, và thái độ của giới trí thức đối với xã hội và đối với nhà cầm quyền… – những phẩm chất rất cơ bản và toàn cầu của trí thức.

Cùng với những sản phẩm nghiên cứu là những di sản, viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng, công trình, tác phẩm… rất giá trị về khoa học và văn hóa, những nghiên cứu về Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX còn để lại những tên tuổi lớn, mà dù vì lý do gì thì lịch sử khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (chứ không phải lịch sử khoa học xã hội và nhân văn Pháp hay thế giới) không thể không ghi nhận.

Công lao của họ là rất đáng kể đối với nền khoa học xã hội và nhân văn Pháp và Việt Nam, mặc dù ai đó trong số họ có thể là những tên thực dân đã từng gây tai họa hay đối xử với kém nhân đạo đối với người bản xứ. Không nên quên rằng, khi chấp nhận khám phá khoa học tại vùng đất xa xôi như Việt Nam và Đông Dương, các nhà khoa học Pháp có thể phải hy sinh toàn bộ cuộc đời mình hoặc đổi mạng sống của mình hay để tạo ra những sản phẩm khoa học. Alecxandre Yersin (1863-1943), Ernest Hébrard (1875-1933), Loius Finot (1864-1935), Madeliene Colani (1866-1943), Henri Parmentier (1871-1949), Georges Condominas (1921-2011), Victor Tardieu (1870-1937), Armand Krempt (?-?), Henri Cucherousset (1879-1934),… là những người như vậy. Thậm chí có thể kể cả Henri Maitre (1883-1914), Paul Doumer (1857-1932).

Có thể kể đến rất nhiều học giả Pháp đầu thế kỷ XX đã có những sản phẩm khoa học và văn hóa có ý nghĩa tiên phong, mở đường cho nền khoa học Việt Nam.

Pierre Dourisboure (1825-1890, một trong bốn linh mục đầu tiên lên Tây Nguyên năm 1850, người đã trực tiếp vẽ bản đồ và mô tả sử liệu chi tiết về phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc Tây Nguyên); Henri Maitre (1883-1914, nhà dân tộc học, một quan chức Pháp, đã trực tiếp thám hiểm Tây Nguyên những năm 1909-1911 và nhờ đó để lại cho thế hệ sau cuốn Rừng người Thượng nổi tiếng); Leopond Cadiere (1869-1955, linh mục thuộc Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại Huế và các tỉnh miền Trung, người đã công bố 250 công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho ngành Việt Nam học hiện đại); Jacques Dournes (1922-1993, nhà truyền giáo trong Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại vùng Đồng Nai thượng và Tây Nguyên, người đã công bố hơn 250 nghiên cứu về dân tộc Gia Rai); Jean Boulbet (1926-2007, cùng với Henri Maitre là hai nhà thám hiểm nổi tiếng nhất và đã để lại nhiều ghi chép giá trị về bản tính nguyên thủy của xã hội Tây Nguyên qua tác phẩm Xứ người Mạ, lãnh thổ của Thần linh xuất bản năm 1967); Loius Finot (1864-1935, Giám đốc đầu tiên của EFEO); George Coedés (1886-1969, Giám đốc EFEO sau L.Finot); Bà Madeliene Colani (1866-1943, tên tuổi gắn liền với những nền văn hóa Bắc Sơn, Hoà Bình, Hạ Long); Olov Jansé (1892-1985, người phát hiện nền văn hóa Đông Sơn); Loius Malleret (1901-1970, người phát hiện nền văn hóa Óc Eo); Henri Parmentier (1871-1949, người có công lao to lớn trong nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Champa, thánh địa Mỹ Sơn, các tháp Champa ở Nha Trang, bảo tàng Champa Đà Nẵng và Bảo tàng Lịch sử Hà Nội); Henri Maspéro (1883-1945, người tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu Đạo giáo); Georges Condominas (1921-2011, nhà dân tộc học nổi tiếng mà tên tuổi gắn liền với những nghiên cứu thực địa về dân tộc Mnông Gar ở Tây Nguyên, người phát hiện và công bố bộ đàn đá thời tiền sử được tìm thấy tại Đắk Lắk năm 1949 trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên); v.v…

Bên cạnh các học giả Pháp và châu Âu đầu thế kỷ XX, còn là thế hệ vàng của giới trí thức Việt Nam, những người đã trưởng thành trong khoa học nhờ hợp tác chặt chẽ với EFEO, nắm chắc các lý thuyết và vận dụng được các phương pháp nghiên cứu khoa học của giới nghiên cứu Âu Tây lúc bấy giờ trong nghiên cứu và hoạt động học thuật, khám phá đối tượng nghiên cứu là văn hóa và con người Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam được nghiên cứu theo các phương pháp, chuẩn mực phương Tây. Đó là những thành viên của EFEO, như Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Nguyễn Văn Khoan (1890-1975), Trần Hàm Tấn (1887-1957), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Trần Văn Giáp (1896-1973), Công Văn Trung (1907-2003), Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967). Và nhiều học giả khác không phải là thành viên EFEO như Đào Duy Anh (1904-1988), Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Cao Xuân Huy (1900-1983), Đặng Thai Mai (1902-1984), Hoài Thanh (1909-1982), Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Lê Dư (1885-1957)…

Nhiều người trong số các học giả nói trên, về sau đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Huyên (2000), Đặng Thai Mai (1996), Đào Duy Anh (2000), Nguyễn Đỗ Cung (1996), Hoàng Xuân Hãn (2000), Trần Văn Giáp (2000), Cao Xuân Huy (1996), Hoài Thanh (2000)…

  1. Những dấu ấn văn hóa – văn minh Pháp trong đời sống xã hội Việt Nam nói chung

Ngoài những lĩnh vực kiến trúc, khoa học, giáo dục còn lưu đậm dấu ấn văn minh Pháp như đã nêu ở trên, hầu hết các lĩnh vực khác của xã hội Việt Nam, trên thực tế cũng đều chịu tác động lớn của văn hóa – văn minh Pháp và đã có những biến động đáng kể. Trong khuôn khổ của những nghiên cứu về bản sắc Hà Nội, đó là sự xuất hiện của báo chí và công nghiệp báo chí, sự du nhập của triết học và những tư tưởng xã hội phương Tây, sự ra đời của những loại hình mới và phương pháp sáng tác mới trong văn học nghệ thuật như tiểu thuyết, thơ ca, sân khấu, hội họa, âm nhạc… Đừng quên rằng, phải đến đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam mới xuất hiện âm nhạc phương Tây, hội họa phương Tây, báo chí phương Tây, sân khấu phương Tây, “Tây y” (lấn át Đông y), “Tây học” (lấn át Nho học)… như hiện nay. Phong trào “Thơ mới 1930-1945”, “các ca khúc tiền chiến”… là những sáng tạo chỉ xuất hiện khi người Việt tiếp nhận được văn hóa Pháp. Tất cả những dấu ấn đó đã tạo ra được những nền tảng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển đến tận ngày nay của toàn bộ đời sống tinh thần xã hội Việt Nam.

Thực tế cho thấy, người Pháp đến Hà Nội là để thực hiện mục đích thống trị một thuộc địa bản xứ. Hà Nội không tránh khỏi thân phận thuộc địa. Nhưng ngọn lửa “khai hóa văn minh” cũng không tuyệt đối là một sự giả dối hay một tham vọng phi đạo đức.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, logic của văn hóa và văn minh có những dòng chảy nằm ngoài ý muốn của chủ nghĩa Thực dân. Người Pháp vô tình, hay buộc phải để lại cho Hà Nội những kết quả tiến bộ nhất định, nếu không muốn nói là rất đáng kể trong tất cả các mặt từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, kể cả trong lối sống, trong phong cách sinh hoạt, thậm chí cả trong văn hóa ẩm thực… Chúng tôi muốn dẫn ra một đánh giá của Henri Cucherrousset, Chủ bút tờ “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương” (L’Eveil Économique de l’Indochine) sau nhiều năm sống ở Hà Nội, để suy ngẫm về sự biến đổi này. Trong cuốn sách “Đông dương xưa và nay” (song ngữ Pháp Việt, Vũ Công Nghị dịch tiếng Việt, xuất bản tại Hà Nội năm 1926), Henri Cucherrousset viết:

“Chưa đầy 50 năm, trong xứ đã tiến bộ lạ lùng. Những cuộc binh đao của người trong nước gây ra giết chóc lẫn nhau, sinh ra biết bao sự khổ sở và làm cho trong xứ yếu hèn thì nay đã mất hẳn. Ngày nay cuộc hòa bình lan từ Bắc chí Nam và người ta không thấy những binh lính xả thân trong những trận mạc của anh em trong nước tàn hại lẫn nhau nữa. Cuộc hòa bình này cũng có trong các nòi giống khác nhau. Khi xưa thì nước An Nam cứ phải luôn chịu làm nước chư hầu của nước Tàu, thì nay là nước độc lập, không phải phục tùng nước Tàu nữa. Sự giao thiệp của dân chúng với những nhà Nho, là những người cai quản, thì không cách xa nhau như trước và được thân ái hơn. Người nhà quê được hưởng quyền tự do rộng rãi hơn trước nhiều. Ở giữa hai hạng người trên này thì lại mới sinh ra hạng Trung lưu nữa. Ngoài những ơn huệ của cuộc thái bình ấy, nước Pháp còn đem lại cho xứ này nhiều ơn huệ nữa, như những công việc vĩ đại đường xá, cầu cống, đường xe hỏa, bến tàu thủy, sông đào về việc dẫn thủy nhập điền. Những công việc này đã làm bớt sự khổ sở và làm tăng tiến sự thành thơi của nhân dân. Sự quyết đấu để trừ những bệnh tật và những bệnh truyền nhiễm làm cho nòi giống ngày càng tráng kiện thêm lên. Biết bao nhiêu trường như trường tiểu học, trường trung học, trường kĩ nghệ, trường mỹ nghệ thực hành, trường cao đẳng, trường đại học làm cho một số rất nhiều người biết những cách thức để lợi dụng những điều hay của khoa học.

Trong con đường ấy trước đã bao năm trễ nải xứ Đông Dương đã phải nhờ người nước ngoài giúp đỡ cho. Việc mở mang kĩ nghệ và thương mại người An Nam cũng phải nhờ như thế… Người Pháp thì mang đến cho nhân dân xứ này không những môn học chuyên môn và những khoa học của mình, lại còn đem đến cho nhân dân biết cái gương của những đức tính về tinh thần. Những đức tính này thì lâu thu thập được, nhưng rất là cần, như tinh thần về trật tự, về phương pháp, về tiên kiến, về tiết kiệm; cái thị hiếu về sự cả quyết làm được việc, sự thực hành kiên nhẫn, cái thị hiếu về việc nghiên cứu học hành không lấy tư lợi là mục đích”.

Đánh giá của Henri Cucherrousset có thể coi là tương đối khách quan. Bởi lẽ ông là người yêu Hà Nội hết lòng, sống ở Hà Nội nhiều năm (từ năm 1916 cho đến khi qua đời năm 1934). Khi là chủ bút tờ “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương”, Cucherrousset đã nhiều lần phản đối những chính sách cụ thể của nhà cầm quyền Đông Dương, đặc biệt là khi Toàn quyền Pierre Pasquier (1928-1934) tỏ ra không đủ tỉnh táo trước các vấn đề chủ quyền xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa. Cucherrousset là người đã lên tiếng nhiều lần về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa và đã đưa vấn đề này ra Quốc Hội Pháp[18]. Đánh giá của Henry Cucherrousset về sự biến đổi của xã hội Việt Nam là rất đáng suy ngẫm.

  1. Kết luận

Không tính đến ảnh hưởng của văn hóa – văn minh Pháp, Huế vẫn là Huế với tính cách là một cố đô. Nhưng nếu không tính đến ảnh hưởng của văn hóa – văn minh Pháp trong đời sống đô thị Hà Nội, tức là nếu vô tình hay cố ý lãng quên những gì mà người Pháp đã để lại cho mảnh đất này, Hà Nội thật khó được hình dung là Hà Nội với tính cách là một Thủ đô có bản sắc đậm chất châu Âu.

Người Hà Nội nào cũng ít nhiều tự hào với Thủ đô – một thành phố không mấy xa lạ với Paris, với những nét hào hoa lịch thiệp kiểu Châu Âu. Nói đến bản sắc Hà Nội, do vậy, cần thiết phải nói đến sự pha trộn hài hòa, sự đan xen khó tách biệt, sự thẩm thấu tưởng như khiên cưỡng nhưng qua thời gian lại trở thành phù hợp… giữa những nét “kinh điển, hoa lệ” của châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hóa Hà Nội.

Văn hóa – văn minh Pháp một thành phần đáng kể của bản sắc Hà Nội. Thậm chí trong một chừng mực nhất định còn là hồn cốt của một đô thị có lịch sử hơn nửa thế kỷ được xây dựng và trực tiếp “sống” với văn hóa – văn minh Pháp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới