Năm 1988, Biển Đông dậy sóng bởi hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc sau sự kiện Gạc Ma. Tại buổi sáng định mệnh đó, 64 người anh hùng đất Việt đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để chống lại hành động cưỡng chiếm máu thịt quốc gia một cách vô lý của Bắc Kinh.
Kế hoạch xây dựng cụm nhà giàn DK1 với nhiệm vụ trấn thủ đường biên giới trên biển được thông qua trong bối cảnh đất nước ta vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, chưa kịp phục hồi. Vào năm 1988, xây dựng một tháp canh ở biên giới trên cạn đã khó, nay xây một nhà giàn để canh giữ trên biển còn khó hơn lên trời. Nhưng bằng ý chí kiên cường, những con ốc cuối cùng của nhà giàn đã được siết chặt giữa muôn trùng sóng gió Biển Đông. Mọi khó khăn được khắc phục để hoàn thành thử thách.
Nhà giàn DK11 được sự giúp đỡ của Liên Xô đã sừng sững mọc lên giữa biển, tạo tiền đề để nhà giàn DK-13, DK14 do chính Bộ Giao thông Vận tải thiết kế và thi công mọc lên tiếp theo. Ba cột mốc định hải tạo thành một bức thành đồng găm sâu vào lòng đại dương, như một lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền biển đảo của dải đất hình chữ S.
Khi tình yêu định vị máu thịt tổ quốc.
Sau chiến dịch CQ88 cùng sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma, khiến cho 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi, Bắc Kinh còn toan tính lớn hơn khi dự định thâm nhập thềm lục địa Việt Nam nơi đang cất giấu kho báu khổng lồ của đặt nước dầu khí. Tính cấp thiết của việc khẳng định chủ quyền biển đảo được đẩy lên hàng đầu.
Nhưng đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Cơ sở để các chiến sĩ Hải quân hoàn thành nhiệm vụ này gần như là con số 0. Tàu chiến Trung Quốc tuần tiễu suốt ngày đêm, dẫn đến sự không an toàn. Việt Nam không có tàu chiến hiện đại vì những gì tinh túy nhất gần như đã chìm xuống biển trong chiến dịch bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Các trang thiết bị thăm dò về thời tiết và địa chất thời điểm đó thiếu thốn và nghèo nàn tới cùng cực. Có quá nhiều con số 0 treo trên đầu nhiệm vụ lần này. Leo lên con thuyền thăm dò đồng nghĩa với việc phải đối đầu với Hải quân tinh nhuệ của Trung Quốc, là chấp nhận đương đầu với sóng to gió lớn vô cùng nguy hiểm.
Thế nhưng, lòng yêu nước đã chiến thắng. Tháng 11/1988, trong cái rét căm căm của gió biển, đoàn thuyền thăm dò địa chất cho nhà giàn DK1 đã chính thức ra khơi. Giống như lời của đại tá Phạm Xuân Hòa, lữ đoàn trưởng của đội khảo sát địa chất nhà giàn DK1 từng nói: “Nếu phải làm, chúng tôi phấn đấu làm bằng được, nếu không làm được sẽ có tội với nhân dân, với Tổ Quốc”. Tất cả những khó khăn đều được khắc phục một cách tinh tế để tránh sự phát hiện của Trung Quốc.
Nhiệm vụ không được thực hiện bằng tàu chiến mà buộc lòng phải dùng tàu vận tải. Sau chiến dịch CQ88, nhiều con tàu phải lên ụ nằm đốc để đại tu sửa chữa. Sau khi cân nhắc toàn bộ các phương án, duy chỉ còn hai con tàu là HQ-713 và HQ-668 là đủ khả năng lên đường. Nhưng tàu HQ-713 và HQ-668 là những con tàu cũ kỹ, một chiếc tàu cá vỏ thép cải hoán, sức chở chưa đầy 500 tấn. Minh chứng là tàu HQ-713 khi hải quân được khoảng 30 hải lý thì gặp phải sự cố về máy, phải mất tới gần 4 tiếng đồng hồ để sửa chữa và tiếp tục hải trình. Tàu đã bé lại còn phải đối đầu với sóng to gió lớn của biển khơi vào mùa đông khiến cho nhiệm vụ khó khăn gấp vạn lần.
Khó khăn tiếp theo cần tính đến chính là trang thiết bị. Theo các chuyên gia thì để khảo sát và thăm dò đáy biển cần có máy định vị và máy đo độ sâu. Nhưng cả hai con tàu này thì đều không có khả năng để trang bị. Sau khi có DK1, bộ đội Việt Nam không chỉ có một nhà giàn mà còn có một ngọn hải đăng để xác định vị trí trên biển. Nhưng trước khi DK1 xuất hiện, bao quanh đoàn tàu thăm dò chỉ là nước và biển cả mênh mông. Việc xác định độ sâu và định vị vị trí trở nên vô cùng khó khăn.
Nhưng rồi cuối cùng, đoàn khảo sát đã định vị được phần lãnh thổ máu thịt của Tổ quốc. Trong trường hợp được trang bị máy định vị và máy đo độ sâu và các thiết bị khác một cách đầy đủ, nhiệm vụ của đoàn khảo sát chỉ đơn giản là xuất phát tại Vũng Tàu, đi thẳng một mạch ra Ba Kẻ và Bãi Tư Chính, đo độ sâu tại vài điểm được tính toán, tổng hợp số liệu và thu quân. Tổng độ dài của hải trình chỉ cỡ 160 hải lý.
Thế nhưng do không có máy định vị và máy đo độ sâu nên thực hiện nhiệm vụ theo phương án trên là điều không thể. Để giải được bài toán này, hàng loạt các tính toán về dòng hải lưu được xử lý bất kể ngày đêm. Những kế hoạch liên quan tới hướng gió, tốc độ dòng chảy đều được tính đến. Cuối cùng, đoàn khảo sát đã đề ra phương án xác định tọa độ gián tiếp. Theo đó, thay vì đi thẳng ra Ba Kè và Tư Chính trong vô vọng, các chiến sĩ của ta sẽ đè sóng đi thẳng ra Đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa, là thực thể nằm sát đất liền Việt Nam nhất. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho việc xác định được tọa độ. Sau khi tiếp cận được Đảo Đá Lát thành công, đoàn thuyền sẽ quay về hướng Bắc, tiếp tục di chuyển khoảng 50 hải lý là sẽ thành công tiếp cận được Đá Ba Kè và có thể tiến hành đo đạc.
Tuy phương án này giúp dễ dàng định vị được các đảo nhưng nó lại khiến cho hải trình bị kéo dài lên nhiều lần. Không chỉ có thế, vì Đá Lát chỉ nổi lên vào ban ngày và chìm xuống nước khi có thủy triều lên, cho nên việc tính toán dòng hải lưu và thời gian di chuyển phải chính xác một cách tuyệt đối. Chỉ cần một chút sai sót, kế hoạch này sẽ thất bại và thậm chí đoàn khảo sát sẽ lạc giữa biển. Nhưng thật may mắn, nhiều đêm thức trắng đã đổi lại được những tính toán chuẩn xác và đoàn khảo sát đã tiếp cận được Ba Kè và Tư Chính một cách thuận lợi. Bài toán về định vị được giải quyết một cách xuất sắc.
Bài toán tiếp theo cần giải quyết đó là bài toán đo độ sâu. Không có máy đo, ta chỉ có thể tiến hành đo đạc đáy biển khi thủy triều cạn nhất và thực hiện thủ công bằng cách đo dây cột khúc từng mét một.
Nhiều chiến sĩ đã phải ngâm mình trong nước biển buốt giá hàng giờ đồng hồ để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Có người đã kiệt sức, có người thì thâm tím mặt mày vì cái rét thấu xương. Thế nhưng những trái tim nóng ấm trong lồng ngực vẫn hâm nóng nước biển lạnh giá cả một vùng biển mênh mông sóng nước sáng bừng lên để tiếp thêm động lực cho những người chiến sĩ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao phó.
Những số liệu được gửi lên, những cán bộ kỹ thuật trên tàu cũng không dám nghỉ ngơi một phút nào mà lập tức lao vào tính toán xem xét độ ảnh hưởng của thủy triều rút, của hải lưu và các yếu tố khác sẽ gây ảnh hưởng tới kết cấu của nhà giàn. Toàn bộ đoàn khảo sát căng mình làm việc. Chỉ một sai sót nhỏ nhất cũng sẽ phải đổi lại thất bại lớn. Đích đến của những khối óc đều chỉ có một điểm chung, đó là tìm ra tọa độ phù hợp để xây dựng nhà giàn.
Nhà giàn phải mọc lên nhanh nhất để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tưởng như nhiệm vụ khảo sát không thể thực hiện nổi, nhưng đoàn khảo sát chỉ trong 10 ngày đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. Toàn bộ vùng biển rộng hơn 60km2 được khảo sát và đo đạc tới từng chân tơ kẽ tóc. Kế hoạch diễn ra trong im lặng, Trung Quốc cũng không chút hay biết. Cuối cùng hàng ngàn số liệu được gửi về. Sáu bãi ngầm được xác định để những cây cọc định hải dần được mọc lên vùng đất để những nhà giàn đóng chân đã được xác định. Kế hoạch khẳng định chủ quyền chuyển sang một giai đoạn mới, khó khăn và hung hiểm gấp cả vạn lần.
Bản thiết kế có một không hai
Một trong những tiền đề quan trọng để đoàn khảo sát địa chất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, như đã nói ở trên, chính là những kế hoạch và tính toán chính xác của các cán bộ hải dương và địa chất bên trong đất liền. Trước khi kế hoạch khảo sát địa chất được thực hiện gần 7 tháng, kế hoạch thiết kế nhà giàn đã bắt đầu được triển khai. Cầm bản thiết kế hoàn chỉnh trên tay, nhiều kỹ sư rưng rưng nước mắt. Vì nhà giàn DK1 là một công trình độc nhất khởi phát với quá nhiều thứ đầu tiên, không chỉ ở Việt Nam mà còn là trên toàn thế giới. DK1 là nhà giàn ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam, là nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên nền san hô và là nhà dàn đầu tiên có móng cọc được làm bằng đường ống dẫn dầu trong cái khó khăn của thời đại. Những mệnh lệnh cấm vận bủa vây, những bộ não hàng đầu của đất nước vẫn tìm ra những khe cửa hẹp nhất để lách qua và thực hiện nhiệm vụ khẳng định chủ quyền của đất nước.
Trước khi quá trình khảo sát địa chất diễn ra 7 tháng, tháng 4/1988, Thượng tướng Đào Đình Luyện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn Bộ Quốc phòng làm việc với Vietsovpetro, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô, về kế hoạch xây dựng nhà giàn. Mục tiêu đặt ra của kế hoạch này chỉ có một, đó là xây dựng một công trình gọn, dễ thi công, có chỗ ở cho bộ đội, có khả năng chịu được sóng to gió lớn ngoài biển và quan trọng nhất là phải càng nhanh càng tốt để khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên trong bối cảnh của Việt Nam lúc bấy giờ, đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Thời điểm đó tại Việt Nam chỉ có hai đơn vị là Bộ Giao thông Vận tải và Vietsovpetro là có khả năng làm giàn khoan. Nhưng công trình họ từng thực hiện trước đó đều nằm gần đất liền, chỉ nằm cách bờ biển Vũng Tàu cỡ 100km, nên có thể dễ dàng khảo sát địa chất, đo đạc và tính toán. Nhưng với DK1 thì ngược lại. Đây là một công trình đặc thù nằm cách bờ biển Vũng Tàu đến gần 400 km. Nền san hô tại đây khiến cho việc kiểm soát các yếu tố địa chất vô cùng khó khăn. Điều kiện sóng gió và dòng chảy biến đổi khôn lường và khắc nghiệt.
Đó là chưa kể tới hàng loạt các yếu tố khác như thiếu thốn về vật tư và sự đe dọa của Trung Quốc. Nhưng con đường này, dù có khó đi, dù có gập ghềnh, dù có nhiều gian khó, người lính ở tuyến đầu phải tiến lên, không được phép lùi bước.
Buổi họp giữa Bộ Quốc phòng và VietsovPetro diễn ra nhanh chóng. Toàn bộ kế hoạch xây dựng được giao cho kỹ sư Đặng Hữu Quý, người từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô về chuyên ngành thiết kế giàn khoan. Sau này, mỗi khi nhớ lại nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ này, ông không khỏi bồi hồi.
Ông Quý kể, “Binh chủng Công binh là chủ đầu tư. Họ đặt hàng chúng tôi thiết kế chỗ ngủ, nghỉ cho 7 chiến sĩ có chỗ để quân trang, quân dụng, liên lạc thông tin, có khu để máy nổ phát điện, bồn chứa xăng, bể chứa nước ngọt, có bến cập tàu…. Lúc đó vì làm gấp nên nhu cầu chỉ tối thiểu”.
Sau khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi phải thiết kế mô hình một nhà giàn bền vững trước sóng biển, thuận tiện cho các chiến sĩ sinh hoạt. Kỹ sư Đặng Hữu Quý mất rất nhiều thời gian tìm tài liệu nghiên cứu các công trình giàn khoan của nước ngoài, nhất là những giàn khoan ở những vùng có địa chất phức tạp khác nhau. Tất cả những tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Nga tiếp cận được đều được ông Quý đọc tới nhàu nát. Nhưng tất cả đều đưa tới một đáp số chung: việc xây dựng móng cọc trên nền san hô lạc chưa từng có tiền lệ. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng giàn khoan DK1 chính là chúng ta đã đi tiên phong cho loại hình kết cấu kiểu này. Không thiết bị, không kinh nghiệm. Đó đơn giản là một bài toán chưa có lời giải.
Để tìm ra phương hướng giải quyết cho vấn đề, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất xây dựng nhà giàn trên Bông – tông nổi. Theo đó sẽ dùng 500 tới 600 tấn xi măng để lấp đầy khối bông tông cố định cho nền giàn khoan. Sau đó neo giữ khối bông tông này bằng các dây xích sắt. Đây là một phương án cải tiến hay, xây dựng nhanh và dễ dàng hơn phương pháp đóng cọc lên nền san hô. Nhưng theo nghiên cứu kỹ lưỡng của kỹ sư Quý và các đồng nghiệp, phương án này chỉ có tính khả thi nhất thời. Nếu sử dụng trong một thời gian ngắn cỡ 1 – 2 năm thì đây là một phương án vô cùng tối ưu. Thế nhưng với yêu cầu của Bộ Quốc phòng, nhà giàn phải tồn tại lâu dài, nên phương án này không thể thuyết phục được hội đồng phản biện.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác đó chính là tính ổn định khi vận hành. Nếu làm theo phương án nêu trên, bạn có thể hình dung đơn giản nó giống như việc xây một tòa tháp cao trên một khối xà lan giữa sông. Với tính chất thủy văn khắc nghiệt, nhiều gió bão và biến động hải lưu như biển Việt Nam, không có gì đảm bảo nhà giàn sẽ có thể đứng vững giữa những cơn sóng dữ.
Vì những lý do trên mà phương án dùng khối bông – tông nổi làm nền móng nhà giàn đã bị gạt bỏ. Hội đồng thiết kế sau nhiều đêm thức trắng bàn luận và suy nghĩ quyết định phải đóng cọc thép sâu trong lòng đất, cố định bằng thép ở trên mới làm nhà giàn. Vấn đề nền móng của nhà sàn được tính toán xong, các bản vẽ phác thảo và chi tiết của nhà giàn cũng dần được thành hình. Đó là một công trình gồm 3 khối: chân đế gắn xuống nền san hô bằng cọc, khối trung gian là nơi cập tàu tiếp tế xăng dầu và block nhà ở. Toàn bộ công trình nặng 250 tấn, cao 45m, ở khu vực nước sâu từ 16 đến 18 m. Phần block nhà ở có hình lục lăng, mỗi cạnh dài 5m, như 6 cánh hoa. Việc thiết kế nhà giàn với 6 cánh hoa để tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Một phần cũng do hướng sóng biển không thể làm block nhà sàn hình vuông nên tôi chọn hình lục lăng và muốn nó là một bông hoa ở mãi Biển Đông của Tổ quốc.
Xây dựng cọc định hải phía Nam
Xác định được tọa độ, phương án và bản vẽ thiết kế nhưng dường như khó khăn vẫn chưa dừng lại. Theo như thiết kế ban đầu, chiều cao nổi của nhà giàn so với mặt nước biển là 17m, phải tiến hành đóng sâu cọc vào nền san hô và sau đó mới xây cao lên để tránh sóng đánh. Thế nhưng vật tư để tiến hành thi công thì lấy ở đâu? Với một công trình xây cách bờ biển gần 400km, kết cấu bắt buộc phải chịu được gió bão cấp 13-14 nhưng những vật tư này ở thời điểm đó chỉ có trình độ của những nước tư bản phát triển, hoặc Liên Xô ở khối xã hội chủ nghĩa thì mới có thể chế tạo. Việt Nam sau cuộc chiến với người Mỹ đã bị cấm vận nên không có đô la để mua vật tư từ những nước tư bản. Liên Xô năm 1988 cũng ngập chìm trong những khủng hoảng nên cũng chưa thể chi viện kịp cho chúng ta. Dường như tất cả mọi thứ đang chống lại kế hoạch của chúng ta.
“Cái khó ló cái khôn”, các kỹ sư nghĩ ra và dám áp dụng sáng kiến dùng ống dẫn dầu bằng thép để làm nhà giàn. Vâng, nhà giàn xây dựng cần có những loại thép kết cấu chuyên dụng có độ bền và phải chịu lực dẻo dai. Trong khi đó, đường ống thép dẫn dầu cũng có những tính chất và sức bền cũng như lý tính khác biệt. Thế nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, các kỹ sư của ta buộc phải tiến hành cải tạo những ống thép dẫn dầu thành những móng cọc để cắm vào nền san hô, thành những cây cọc kết cấu để làm nhà, kế hoạch nhanh chóng được thông qua. Toàn bộ ống thép cứng C5 của Nga, đường kính 320mm, dài 11cm mà trước đó Vietsovpetro làm giàn khoan thừa được huy động để thực hiện nhiệm vụ DK1 gian lao và khó khăn, việc thiết kế gần như đã hoàn tất. Kỹ sư thiết kế Đặng Hữu Quý sắp đặt những nét cuối cùng trong bản vẽ thế kỷ của mình. Một giai đoạn mới lại được tiếp diễn: đó là thi công nhanh chóng, bí mật để sớm khẳng định chủ quyền đất nước.
Toàn bộ kế hoạch thi công xây lắp nhà giàn được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhưng, khi đó là cục trưởng Cục Xây lắp Dầu khí của Vietsovpetro.
Để cho việc xây dựng được nhanh chóng và bí mật, việc chế tạo các mô-đun phải được thực hiện toàn bộ ở bên trong bờ. Sau đó thì dùng tàu kéo ra đúng vị trí và tiến hành lắp đặt nhanh nhất có thể.
Tháng 6/1989, nhà giàn DK1 bắt đầu được thi công trên biển. Đoàn công tác xuất phát gồm có 3 tàu chở cả nhóm thiết kế và thi công của Vietsovpetro, lính Công binh và lính Hải quân. Tàu cẩu MPK, hai tàu dịch vụ là Sao Mai và Phú Quý. Tàu Sao Mai phụ trách khảo sát sona, tàu Phú Quý khoang công trình. Tàu cẩu MPK có nhiệm vụ đóng cọc xuống nền san hô để đảm bảo tính bí mật Tàu MPK được lệnh đi Singapore sửa chữa. Thế nhưng đi ra tới mỏ Bạch Hổ thì chuyển hướng về bãi cạn Tư Chính.
Tại thời điểm đó, việc thi công các công trình ngoài biển vào ban đêm là một điều cấm kỵ. Thế nhưng màn đêm có nhiều nguy hiểm song nó cũng là một bức màn ngụy trang tuyệt vời cho công trình. Chưa hết, gió biển ban đêm thường nặng hơn ban ngày, tạo thêm thuận lợi cho việc thi công. Chính vì những thuận lợi đó cùng với tính cấp bách của công trình, một mệnh lệnh được chuyển xuống: việc thi công DK1 được thực hiện bất kể ngày đêm. Bộ chỉ huy trong bờ được đặt tại trụ sở của Vietsovpetro. Cứ 16 giờ hàng ngày, ngoài biển phải báo cáo tình hình về bờ.
Bãi cạn Tư Chính là một loạt các dãy đảo san hô dài khoảng 50 km, chỗ rộng nhất là khoảng 10 km. Khu vực bãi cạn này rất phức tạp vì có nhiều rãnh sâu. Đội thi công chọn khu vực san hô tương đối bằng phẳng, độ sâu tương đối đồng đều để đóng cọc nhà giàn. Mực nước ở đó sâu khoảng 14m nhưng chỉ cần đi ra thêm một, hai km là độ sâu xuống tới 1000m, vô cùng nguy hiểm. Thời điểm đó, không một ai biết được nền san hô ở bãi cạn Tư Chính là như thế nào. San hô mỗi chỗ có một độ cứng khác nhau, có chỗ san hô mới mọc lên, có chỗ biến thành đá.
Những chiếc cọc bằng thép CT3 của Nga, vốn là ống dẫn dầu, đường kính 320mm, dày 16cm, dài 12m được đóng xuống nền biển san hô. Dự kiến là phải sâu 14 – 16m để đảm bảo độ vững chắc cho công trình. Từng nhát búa hơi được giáng xuống giống như những canh bạc tất tay. Nhà giàn có 4 cọc trợ lực chính, 3 cọc đầu được đóng xuống một cách thuận lợi nhưng tới cọc cuối cùng gặp phải nền san hô quá cứng, cứ đóng xuống 4-5m là lại gãy. Với quyết tâm cao, các chiến sĩ vẫn tiếp tục nhích thêm từng cm một. Nhưng tới độ sâu 7,5m thì không thể nào đóng thêm cọc nữa.
Trước tình hình đó, giải pháp mới được đưa ra: Đó là mở rộng gia cố chân đế bằng những khối bê tông. Mỗi khối nặng 10 tấn. Cứ một chân đế thì dùng hai khối bê tông để nối rằng lại, làm tăng độ vững chắc. Sau bao nhiêu khó khăn tưởng khó vượt qua, nền và móng cọc của nhà giàn DK1 đã hoàn thành trong niềm hân hoan của tập thể cán bộ và công nhân.
Thế nhưng chưa kịp ăn mừng, những hạng mục tiếp theo của công trình đã thôi thúc họ vượt qua sự bủa vây của tàu chiến, của máy bay địch trao lượn trên đầu, của sóng to gió lớn. Những con ốc vít cuối cùng của nhà giàn đã được siết chặt. Cây cọc Định Hải Thần Châm đã thành công mọc lên bảo vệ Phên Dậu phía Nam của Tổ quốc.
16 giờ ngày 5/7/1989, nhà giàn DK11 tại bãi Tư Chính được lắp đặt xong. Nhà giàn đầu tiên chỉ rộng khoảng 25 mét vuông, toàn bộ công trình nặng 250 tấn, cao 45m đứng sừng sững trước niềm vui tột độ của các cán bộ, kỹ sư Vietsovpetro và Công binh Hải quân. Trước đó nửa tháng, hai nhà giàn DK-13 xây dựng tại bãi cạn Phúc Tần và nhà giàn DK14 xây dựng tại bãi cạn Ba Kè do chính Bộ Giao thông Vận tải thiết kế và thi công theo phương pháp trọng lực kéo bông tông rồi đánh chìm cũng được khánh thành. Ba cây cọc Định Hải đầu tiên đã mọc lên ở thềm lục địa Việt Nam, là lời khẳng định sắt đá cho chủ quyền biển đảo.
Suốt gần 30 năm qua, không một ngày nào người lính nhà giàn không đối mặt với những sóng gió, với những gian nan. Thế nhưng sóng gió bão tố có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn chứ không thể nào làm nhụt ý chí giữ chủ quyền của người lính Hải quân. Thời gian trôi đi, vạn vật đã thay đổi. Thế nhưng có một điều duy nhất sẽ mãi không bao giờ thay đổi: DK1 vẫn và sẽ mãi là thành đồng trên Biển Đông, là ngọn hải đăng, là chỗ dựa vững chắc như núi Thái Sơn để những người lính biển vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thiêng liêng của Tổ quốc.
T.P