Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBRP Sierra Madre và Cỏ Mây

BRP Sierra Madre và Cỏ Mây

Gần đây, cái tên BRP Sierra Madre được nhắc đến ngày một nhiều trong dư luận. Thậm chí, có người cho rằng: BRP Sierra Madre và Cỏ Mây – cụm từ đó còn lâu mới nguội, khi đề cập câu chuyện Biển Đông hiện nay.

Tầu hải cảnh Trung Quốc chặn mũi tầu Philippines gần Bãi Cỏ Mây.

Tần xuất xuất hiện dày đặc khiến ai cũng tò mò tìm hiểu và biết: BRP Sierra Madre là tên một tàu chiến Mỹ, từng được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh Việt Nam. Năm 1999, chiếc tàu thành “quá date”.

Giữa lúc quân đội Mỹ đang tính chuyện đẩy BRP Sierra Madre vào đâu đó cho khuất mắt, thì Manila chìa tiền ra đòi mua lại. Thân phận một con tàu cũ ví như “đống sắt rỉ”, tiền bạc đáng là bao; thêm nữa: “lọt sàng xuống nia” – Philippines là đồng minh của Mỹ kia mà. Thế là, thương vụ hoàn thành một cách nhanh chóng.

Hải quân Mỹ cả mừng trút được “của nợ”. Nhưng họ cũng ngạc nhiên không hiểu ông bạn đồng minh Đông Nam Á rước “của nợ” về làm gì. Tới khi Philippines kéo BRP Sierra Madre tới bãi Cỏ Mây, cải biến nó thành một căn cứ đồn trú của mươi binh sĩ, thì người Mỹ mới hiểu và gật gù mà rằng: Manila hóa ra khôn, biết sử dụng của rẻ mua được để dụng vào nơi đắc địa.

Những chuyên gia lọc lõi còn phân tích rằng: Manila làm thế để phòng ngừa Trung Quốc, sau khi chiếm đóng đảo Đá Vành Khăn (thuộc chủ quyền của Việt Nam; Philippines, Trung Quốc, Đài Loan cũng có yêu sách chủ quyền), sẽ nhòm ngó bãi Cỏ Mây nhằm thêm một điểm trong chiến lược “cắm chân trên vùng biển” mà Trung Quốc theo đuổi một cách ma mãnh và thâm độc.

Bãi cạn Cỏ Mây mà Philippines tuyên bố chủ quyền thực ra phức tạp hơn nhiều trong thực tế khi còn có thêm Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan cùng nêu yêu sách. Tuy nhiên, việc bãi cạn này thành câu chuyện “nóng” chủ yếu do xung đột giữa Manila và Bắc Kinh. Với nhưng gì đã xảy ra, nhiều chuyện gia phân tích quốc tế cho rằng: Cỏ Mây đã thành ‘điểm nóng” thứ hai trên Biển Đông, sau bãi cạn Scaborough. Không ít người dự đoán, đây là sẽ là “điểm thử” cho ý chí của hai đối thủ Trung Quốc và Philippines: một bên là Trung Quốc quyết chiếm; một bên là Philippines quyết giữ quyền kiểm soát.

“Quả đắng” trong vụ bãi cạn Scaborough năm 2012 khiến Manila hiểu: Cỏ Mây sẽ về Trung Quốc một khi Philippines lùi bước.

Còn Trung Quốc, vụ lừa đảo để chiếm được quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough giúp họ tích thêm được nhiều bài học. Với Cỏ Mây, Trung Quốc cho rằng: vận dụng “chiến lược bắp cải” là khả thi hơn cả.

“Chiến lược cải bắp” là gì? Là “lấy ngoài vây trong”, mô phỏng theo những lá bắp cải – một loài rau phổ biến. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ bao bọc bãi cạn Cỏ Mây bằng các lớp tàu khác nhau: lớp trong cùng là các tàu cá, rồi đến các tàu hải giám, và các tàu hải quân sẽ tạo thành lớp ngoài cùng. Mục tiêu của chiến lược này là vây hãm, “bỏ đói” nhóm binh sĩ đồn trú Philippines, buộc Manila phải rút họ về đất liền, đồng thời ngăn chặn, không cho Philippines mang vật liệu ra gia cố BRP Sierra Madre, khiến “đống sắt rỉ” không chịu nổi tác động khắc nghiệt của môi trường biển, sẽ thành “rỉ sắt” thực sự.

Khi đó, không còn chỗ dựa, Philippines muốn cũng buộc phải từ bỏ bãi cạn.

Với ý đồ đó, liên tục nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là bên ‘gây sự” mỗi khi Philippines cho tàu tiếp tế. Hơn 20 năm qua, sau thời gian đầu không mấy quan tâm sự hiện diện của “đống sắt rỉ” BRP Sierra Madre, còn lại, đã hàng chục lần, hai bên xảy ra va chạm. Trong các lần đó, Trung Quốc luôn là bên chủ động ra tay trước bằng cách sử dụng tàu hải cảnh ngăn chặn tàu tiếp tế của Philippines. Năm 2018, Trung Quốc còn dùng máy bay trực thăng để giám sát từ trên cao hoạt động của đội tàu tiếp tế của đối thủ.

Sau mỗi vụ như vậy, hai bên lại to tiếng cáo buộc nhau. Tuy nhiên, những cáo buộc căng thẳng đã không làm dịu được tình hình. Ngược lại, câu chuyện Cỏ Mây như nóng lên từng ngày, kể từ vụ xô xát giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc và lực lượng tiếp tế Philippines hồi tháng 8 năm nay. Lần đó, phía Trung Quốc đã sử dụng tới vòi rồng, bắn nước vào tàu Philippines khiến ông Ferdinand Marcos Jr – tổng thống Philippines nổi nóng, trực tiếp tham gia cuộc đấu khẩu.

Vụ việc căng thẳng tháng 8 chưa ngoai, tới đầu tháng 10, câu chuyện Cỏ Mây tái diễn, với những diễn biến gần như y chang. Cụ thể, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cùng “biện pháp kiểm soát cần thiết” (tức giám sát, ngăn chặn) bốn chiếc tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển thuộc quyền quản lý lý của Trung Quốc “không có sự chấp thuận của Bắc Kinh”.

Và lần này, sang tháng 11 lại đang nóng hổi với việc lực lượng đặc nhiệm Philippines trên Biển Đông, ngày 10/11 ra tuyên bố “lên án một lần nữa các hành động ép buộc và hành động nguy hiểm mới nhất của Trung Quốc, chống lại nhiệm vụ luân chuyển, tiếp tế thường lệ và hợp pháp của Philippines” cho nhóm đồn trú trong xác chiếc BRP Sierra Madre, trên bãi cạn Cỏ Mây.

“Quá tam ba bận”. Có thể thấm cái lẽ qua lần thứ ba mà Trung Quốc vẫn trịch thượng, hung hăng nên lần này, cùng với đấu khẩu, Philippines vận tới con bài ngoại giao. Cụ thể, Manila cho biết, đã yêu cầu đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh gửi công hàm phản đối tới bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc vừa xảy ra mà Manila cho rằng đã “gây nguy hiểm cho mạng sống của người dân Philippines”.

“Công hàm thì mặc công hàm”, khi đối tượng là một quốc gia tham lam, ngang ngược như Trung Quốc – Đó là bình luận của nhiều người khi biết tin Manila có thêm động thái ngoại giao mới trong vụ Cỏ Mây vừa qua. Nếu bình luận trên là đúng, chuyện Cỏ Mây hẳn chưa thể nguội xuống trong hai tháng cuối của năm 2023 này vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới