Friday, January 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mới5 quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất Trung Đông

5 quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất Trung Đông

Các cường quốc quân sự ở Trung Đông dù không trực tiếp tham gia xung đột nhưng vẫn có tác động đến tình hình ở dải Gaza.

Sự leo thang của cuộc khủng hoảng Palestine-Israel thành một cuộc xung đột toàn diện giữa lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và Hamas ở dải Gaza đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu về một vòng xoáy bạo lực mới khu vực.

Để bảo vệ đồng minh, Mỹ đã ngay lập tức điều động hai nhóm tấn công tàu sân bay, ít nhất một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, hàng nghìn lính thủy đánh bộ và máy bay bổ sung tới Trung Đông.

Washington cho rằng các hoạt động quân sự trên là cần thiết để đối phó với các mối đe dọa từ Iran, đối thủ lớn nhất của Israel trong khu vực.
Trong khi đó cả Israel và Iran đều là hai trong năm cường quốc quân sự hàng đầu ở Trung Đông, một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên chắc chắn sẽ kéo các nước còn lại vào xung đột. Dưới đây là danh sách 5 quốc gia có tiềm lực quân sự lớn nhất Trung Đông do Sputnik bình chọn:

Israel

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được coi là một trong năm cường quốc quân sự mạnh nhất ở Trung Đông kể từ khi quốc gia này thành lập vào năm 1948. Kể từ thời điểm đó, Israel đã trải qua hơn chục cuộc chiến tranh lớn, bắt đầu từ Chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ nhất (1948-1949).

Trong thời gian còn lại của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Israel sẽ chứng tỏ không thể bị đánh bại trong mọi cuộc xung đột với các quốc gia hoặc liên minh khác trong khu vực, ví dụ như liên minh Ai Cập, Jordan và Syria vào tháng 6/1967.

Tuy nhiên với sự phát triển của chiến tranh phi đối xứng vào đầu thế kỷ 21 đã cho thấy một viễn cảnh khác, đó là quân đội Israel có thể bị đánh bại hoặc chịu tổn thất nặng nề.

Không nơi nào điều này được thể hiện rõ ràng hơn trong Chiến tranh Lebanon năm 2006. Israel không thể giành được chiến thắng nhanh chóng và trong hơn một tháng giao tranh IDF đã mất 121 binh sĩ và 1.244 người bị thương.

Lịch sử dường như đang lặp lại trong cuộc chiến tranh Gaza đang diễn ra, với việc IDF vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ lực lượng Hamas khi tiến sâu vào bên trong các khu đô thị.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ước tính tổng sức mạnh của IDF là 169.500 quân nhân tại ngũ và 465.000 quân dự bị – 360.000 người trong số đó được triệu tập sau cuộc đột kích của Hamas vào ngày 7/10.

Còn Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính ngân sách quân sự của Israel là 23,4 tỷ USD vào năm 2022 (bao gồm 3,18 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ).

Israel có một trong những tổ hợp công nghiệp-quân sự lớn nhất, đa dạng nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới, với các sản phẩm chính gồm máy bay không người lái (UAV), tên lửa, radar, hệ thống tác chiến điện tử và cả vệ tinh.

SIPRI ước tính Israel sở hữu tới 80 vũ khí hạt nhân có thể phóng từ máy bay và tên lửa. Các nhà phân tích an ninh của Mỹ và Israel gọi chiến lược hạt nhân của Israel là “Lựa chọn Samson”. Lựa chọn Samson giả định rằng Israel sẽ phóng vũ khí hạt nhân vào kẻ thù trong một hành động trả thù cuối cùng tuyệt vọng nếu quân đội thông thường của họ bị áp đảo. Khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Israel khiến nước này được cho là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Trung Đông.

Iran

Iran là một cường quốc quân sự lớn khác ở Trung Đông có quân đội thường trực 350.000 quân và một đội quân gồm 230.000 người thuộc lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Cả hai lực lượng này giúp Iran có một trong những lực lượng thường trực lớn nhất ở Trung Đông, cùng với ít nhất 350.000 quân dự bị để kêu gọi trong trường hợp khẩn cấp. Ngân sách quân sự của Iran năm 2022 khoảng 6,8 tỷ USD.
Giống như Israel, Iran cũng trải qua các cuộc xung đột và mang lại cho lực lượng của mình kinh nghiệm chiến đấu quan trọng. Điển hình như Chiến tranh Iran-Iraq 1980, cuộc chiến cũng mang lại cho Iran ba bài học quan trọng:

Một là không thể dựa vào phương Tây về vũ khí. Mỹ và các đồng minh đã đưa ra lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này sau Cách mạng 1979.

Hai là máy bay không người lái có thể là một công cụ hiệu quả trong chiến tranh. Chính trong Chiến tranh Iran-Iraq, Iran đã phát triển máy bay không người lái đầu tiên của nước này – UAV giám sát Mohajer-1.

Ba là việc phát triển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt là không cần thiết để đảm bảo cho một chiến thắng về mặt quân sự.

Giống như Israel, Iran được đánh giá có ngành công nghiệp quốc phòng nội địa quy mô nhất nhì ở Trung Đông, sản xuất một loạt máy bay không người lái do thám, tấn công và cảm tử trong nước, một loạt tên lửa đạn đạo và hành trình cùng một loạt hệ thống radar và tác chiến điện tử.

Trên hết vị trí địa lý và mạng lưới liên minh của Iran mang lại cho Tehran nhiều khả năng nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự tổng thể của nước này. Chúng bao gồm quan hệ đối tác an ninh với Syria, Hamas ở Gaza và Hezbollah của Lebanon, cho phép Iran triển khai sức mạnh tới bờ biển Địa Trung Hải, và khả năng độc nhất của Tehran trong việc đóng cửa eo biển Hormuz – tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng mà qua đó khoảng 30% tổng lượng dầu của thế giới vượt qua.

Trong trường hợp căng thẳng với Israel và Mỹ trở nên căng thẳng, Iran sẽ có lựa chọn sử dụng hệ thống phòng thủ bờ biển và các tên lửa khác để nhắm vào các hàng hóa thương mại của đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những khả năng này khiến Iran đứng thứ hai trong danh sách các cường quốc quân sự lớn ở Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO chỉ sau Mỹ, cũng là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất ở Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO chỉ sau Mỹ, cũng là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất ở Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO chỉ sau Mỹ (nếu không xét đến năng lực hạt nhân), cũng là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất ở Trung Đông. Với 355.200 quân nhân tại ngũ và 378.700 quân dự bị, cùng một loạt căn cứ nằm rải rác trong khu vực, sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động nào trong khu vực của các đồng minh phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ chi ít nhất 16 tỷ USD cho quốc phòng và an ninh vào năm 2023, đồng thời có cơ sở công nghiệp quân sự phát triển sản xuất mọi vũ khí mà quốc gia này cần từ máy bay không người cho đến tàu chiến, tên lửa hành trình, trực thăng tấn công và xe tăng chiến đấu chủ lực.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quyền tiếp cận một số căn cứ quân sự ở nước ngoài nhờ vào ảnh hưởng chính trị của nước này, bao gồm Albania, Azerbaijan, Bosnia, Iraq, Kosovo, Libya, Bắc đảo Síp, Qatar, Somalia và Syria.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ đã thận trọng lên tiếng ủng hộ ngoại giao đối với Palestine và Hamas, đồng thời nỗ lực ngăn chặn thực hiện bất kỳ bước đi nào chống lại Israel mà Washington hoặc Tel Aviv có thể coi là thù địch.
Ai Cập có ngân sách quân sự là 4,6 tỷ USD và phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để mua hầu hết các thiết bị quân sự.

Ai Cập có ngân sách quân sự là 4,6 tỷ USD và phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để mua hầu hết các thiết bị quân sự.

Ai Cập

Ai Cập, quốc gia ngay cạnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Gaza, cũng được coi là có một trong những quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông, đứng thứ 14 trong số 145 quốc gia được xem xét trong báo cáo Chỉ số hỏa lực toàn cầu năm 2023.

Lực lượng vũ trang Ai Cập có 438.500 quân nhân đang tại ngũ và 479.000 quân dự bị.

Ai Cập đã không tham gia một cuộc chiến lớn nào kể từ Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10/1973. Ai Cập cũng tham gia liên minh do Mỹ lãnh đạo ở Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 cũng như “cuộc chiến chống khủng bố”.

Lực lượng vũ trang Ai Cập cũng tham gia vào chiến dịch quân sự do Ả Rập Xê-út dẫn đầu ở Yemen vào năm 2015.

Ai Cập có ngân sách quân sự là 4,6 tỷ USD vào năm 2022 và phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để mua hầu hết các thiết bị quân sự (nhập khẩu khoảng 48,1 tỷ USD từ Mỹ chỉ riêng từ năm 1948 đến năm 2017), cùng với một nguồn nhập khẩu vũ khí chính khác là Nga.

Ai Cập đã cùng với phần lớn cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và cho phép viện trợ nhỏ giọt qua cửa khẩu biên giới Rafah được củng cố nghiêm ngặt với dải Gaza.
Với ngân sách quân sự khổng lồ 69,1 tỷ USD, Ả Rập Xê-út liên tục được xếp hạng trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về ngân sách quốc phòng lớn nhất.

Với ngân sách quân sự khổng lồ 69,1 tỷ USD, Ả Rập Xê-út liên tục được xếp hạng trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về ngân sách quốc phòng lớn nhất.

Ả Rập Xê-út

Ả Rập Xê-út đứng thứ năm trong bảng xếp hạng năm cường quốc quân sự hàng đầu ở Trung Đông theo xếp hạng của Global Firepower và thứ 22 toàn cầu. Với ngân sách quân sự lên tới con số khổng lồ 69,1 tỷ USD vào năm 2023, quốc gia này liên tục được xếp hạng trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về ngân sách quân sự lớn nhất.

Lực lượng vũ trang Ả Rập Xê-út có 257.000 quân nhân tại ngũ.

Ả Rập Xê-út dựa phần lớn vào vũ khí do Mỹ cung cấp (gần 80%), và Pháp cùng Tây Ban Nha chiếm phần lớn phần còn lại (lần lượt là 6,4% và 4,9%). Thiết bị này bao gồm những thứ như xe tăng Abrams và xe chiến đấu Bradley, trực thăng tấn công Apache, hệ thống tên lửa Patriot và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác của Mỹ.

Quân đội Ả Rập Xê-út nổi lên trong số những lực lượng chiến thắng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 với tư cách là một phần của liên minh do Mỹ lãnh đạo và tham gia Chiến dịch Vùng cấm bay ở Iraq trong suốt những năm 1990. Vương quốc này cũng tham gia liên minh phương Tây trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS vào năm 2014-2017.

RELATED ARTICLES

Tin mới