Friday, January 17, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBạn biết gì về vị trí của 15 nhà giàn DK1 và...

Bạn biết gì về vị trí của 15 nhà giàn DK1 và 7 bãi ngầm

Ngoài các điểm đóng quân tại quần đảo Trường Sa, lực lượng hải quân ta còn cho thấy sự hiện diện của mình tại các nhà giàn được xây dựng trên các bãi ngầm thuộc thềm lục địa phía Nam Biển Đông. Vậy những bãi đá ngầm này có điều gì đặc biệt? Số lượng nhà giàn cũng như cuộc sống của các chiến sĩ ở đây hiện như thế nào?

Trong số 6 bãi đá ngầm san hô ở phía Nam của đảo Trường Sa, Tư Chính là bãi ngầm xa nhất về phía Nam. Nó cách điểm gần nhất ở đường cơ sở khoảng 296 km; cách thành phố Vũng Tàu khoảng 414 km, và cách huyện Côn Đảo khoảng 350 km về phía Đông Nam. Đối với quần đảo Trường Sa, bãi Tư Chính cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 247 km về phía Tây Nam và cách đảo An Bang khoảng 328 km về phía Tây. Bãi có chiều dài 63km, rộng 11km và có diện tích khoảng 500 – 700 km2. Tuy nhiên, phần mặt bằng rạn quan sát được bằng mắt thường chỉ khoảng 33,88 km2. Bởi không giống như các đảo chìm vào quần đảo Trường Sa, nơi nông nhất của bãi Tư Chính là nằm ở đầu mút phía Bắc, có độ sâu là 16m.

Vũng Mây là bãi ngầm nằm xa nhất về phía Đông. Bãi này nằm cách bờ biển Đồi Nhái – Vũng Tàu khoảng 563 km, cách Mũi Dinh Cậu của tỉnh Ninh Thuận khoảng 476 km về phía Đông Nam, cách Brunei khoảng 430 km về phía Tây Bắc và cách bãi Tư Chính khoảng 172 km về phía Đông. Đối với quần đảo Trường Sa, bãi Vũng Mây cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 72 km về phía Nam và cách đảo An Bang 130km về phía Tây.

Bãi Vũng Mây là một rạn san hô vòng lõm ở giữa có chiều dài khoảng 60 km, rộng 27 km và có diện tích lên đến 1.030 km2. Tuy nhiên, phần mặt bằng rạn quan sát được vào mắt thường chỉ khoảng 59,65 km2, rìa ngoài của bãi thoải dần ra đến độ sâu 200m, sau đó độ sâu đáy biển biến đổi nhanh chóng. Tại đây có một số bãi đá nằm trên vành san hô đã được đặt tên, chẳng hạn như: Đá Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Kim Phụng, Bãi Đại Nội, Bãi Đinh, Bãi Ngự Bình. Các bãi đá này có độ sâu từ 3 – 11m. Nơi nông nhất trong bãi Vũng Mây là Đá Ba Kè ở phía Bắc có độ sâu là 3,2 m dưới mực nước biển.

Nằm cách bãi Tư Chính không xa là bãi Phúc Nguyên. Cụ thể, bãi ngầm này chỉ cách bãi Tư Chính khoảng 24 km về phía Bắc, cách Bãi Vũng Mây khoảng 165 km về phía Tây, cách Đá Lát khoảng 187 km về phía Tây Nam. Bãi ngầm này có chiều dài khoảng 28 km và chiều rộng khoảng 20 km. Còn diện tích phần mặt bằng rạn quan sát được là 9,53 km2. Ở phía Tây của bãi sâu ít nhất là 18m và có những chỗ sâu từ 22 đến 24m.

Nằm xa nhất về phía Bắc là bãi Phúc Tần. Một điều thú vị là tên của bãi ngầm này được đặt theo tên của một vị chúa Nguyễn có công khai phá và mở mang bờ cõi vùng đất phương Nam. Đó là Nguyễn Phúc Tần. Về vị trí, bãi Phúc Tần nằm cách bờ biển Đồi Nhái của Vũng Tàu khoảng 438 km và cách Hòn Hải nơi có đường cơ sở khoảng 250 km về phía Đông Nam, cách Đá Lát khoảng 128 km về phía Tây Nam, cách bãi Vũng Mây khoảng 120km về phía Tây Bắc, cách Bãi Tư Chính khoảng 78km và cách bãi Phúc Nguyên khoảng 43 km về phía Đông Bắc.

Bãi Phúc Tần là một rạn san hô vòng có chiều dài khoảng 20km, chiều rộng khoảng 10 km và có diện tích phần mặt bằng rạn quan sát được vào khoảng 37 km2. Ở bên trong bãi Phúc Tần có một lòng hồ có diện tích khoảng 137 km2, nơi nông nhất của bãi này nằm ở phía Tây có độ sâu là 7,3m.

Ngay cạnh bãi Phúc Tần là bãi Huyền Trân, nó chỉ cách bãi Phúc Tần khoảng 6,5 km về phía Đông Nam. Về mặt cấu trúc, bãi Huyền Trân là một rạn san hô vòng có chiều dài khoảng 8,2 km, chiều rộng khoảng 5,7 km. Nơi nông nhất của bãi này có độ sâu là 5,3 m, có diện tích phần mặt bằng rạn quan sát được là vào khoảng 32,61 km2. Ở bên trong bãi Huyền Trân có một lòng hồ có diện tích khoảng 18,02 km2.

Nằm ở trung tâm của cụm là bãi Quế Đường, bãi ngầm này nằm cách Vũng Mây khoảng 114km về phía Tây, cách bãi Tư Chính khoảng 60km về phía Đông Bắc, cách bãi Phúc Nguyên khoảng 41 km về phía Đông, cách bãi Phúc Tần khoảng 24km về phía Nam và cách bãi Huyền Trân khoảng 20km về phía Tây Nam. Đây là một bãi ngầm có chiều dài khoảng 10km và chiều rộng 4,5km, có tổng diện tích phần mặt bằng rạn quan sát được vào khoảng 27,6 km2. Bãi nằm ở độ sâu từ 11 đến 15m và nơi nông nhất là ở phía Đông của bãi.

Toàn bộ 6 bãi ngầm này đều thuộc thềm lục địa và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý Việt Nam tức là 370,4 km tính từ đường cơ sở. Về mặt hành chính thì các bãi này thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và không liên quan tới quần đảo Trường Sa.

Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn và cũng là nơi có triển vọng dầu khí lớn. Hoạt động tìm kiếm và thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam đã được triển khai từ những năm 1960. Ở thềm lục địa phía Nam, công việc này được tiến hành từ những năm 1970. Dựa trên những kết quả nghiên cứu địa chất và địa vật lý, đã xác định được tại Biển Đông có rất nhiều mỏ dầu và túi dầu, nhưng tại bãi Trũng Tư Chính, Vũng Mây và Nam Côn Sơn ở phía Nam Biển Đông mới là những túi dầu lớn nhất của Biển Đông. Do đó, các bãi ngầm này có vị trí chiến lược rất quan trọng khi chúng nằm gần sát nhất với các mỏ dầu và mỏ khí lớn mà chúng ta đang khai thác hiện nay như là Đại Hùng, Lan Tây, Lan Đỏ, Mộc Tinh, Hải Thạch, Rồng Đôi…. Đặc biệt, bãi ngầm Tư Chính và bãi ngầm Vũng Mây, hai bãi ngầm này được ví như những hàng rào và là tiền đồn của vùng dầu khí Việt Nam.

Nằm cách xa so với 6 bãi ngầm bên trên, đó chính là bãi Cà Mau. Theo đó, bãi Cà Mau hay bãi Cạn Cà Mau là một bãi ngầm trong Vịnh Thái Lan nằm về phía Tây Nam của mũi Cà Mau. Cụ thể, bãi ngầm này nằm ở tọa độ 8o14’10s Bắc, 104o48’40s Đông. Theo các tài liệu trên mạn, bãi Cà Mau cách mũi Cà Mau 110 hải lý tức là khoảng 204 km. Điểm gần nhất cách mũi Cà Mau là 70 lý (khoảng 130km). Trong một số bản đồ quốc tế, bãi Cà Mau nằm ngay trên khu vực của Vịnh Thái Lan và cách mũi Cà Mau từ 46 – 91 km.

Tuy nhiên, các số liệu này chưa đúng cũng như chưa thể hiện rõ kích thước và hình dạng của bãi ngầm này. Theo các dữ liệu tìm được trên tập bản đồ địa hình Việt Nam, đối chiếu với các tọa độ trên Google Maps. Thực tế, Mũi Cà Mau cách điểm xa nhất của Bãi Cà Mau khoảng 145km và cách điểm gần nhất của bãi này khoảng 60km. Bãi Cà Mau có chiều dài khoảng 105km và chiều rộng lớn nhất vào khoảng 30km. Tổng diện tích lên đến hơn 1.000km2. Còn độ sâu dao động từ 14,6 – 18,3m. Về mặt hành chính Bãi Cà Mau thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau.

Sự ra đời của các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam

Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi là Trạm Dịch vụ Kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật (công trình DK1).

DK1 được xây dựng dưới dạng các nhà giàn. Nhiệm vụ của chúng là lập các đèn biển để cảnh báo cho tàu đánh cá và tàu vận tải hàng hải đi lại trong vùng, đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn làm nơi tránh trú bão và ứng cứu ngư dân. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 chính là chốt giữ và bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ yên bình cho việc khai thác tài nguyên trên thềm lục địa. Nhìn chung, đây là một quyết định vô cùng quan trọng vào thời điểm cách đây hơn 30 năm.

Tháng 12/1988, Đại diện Bộ Quốc phòng đã làm việc với Liên doanh Dầu khí VietsovPetro về kế hoạch xây dựng các công trình nhà giàn DK1. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ra chỉ thị động viên các lực lượng gấp rút để đưa công trình ra xây dựng trên biển.

Từ ngày 10 – 15/6/1989, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh đã tiến hành xây dựng xong nhà giàn đầu tiên tại Bãi Phúc Tần. Đây là nhà giàn được khảo sát ở vị trí số 3 nên được gọi là nhà giàn DK1/3. Ngay sau khi nhà giàn được xây dựng xong, một phân đội thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Nhân dân Việt Nam, do Đại úy Nguyễn Văn Nam chỉ huy lần đầu tiên ra bám trụ tại nhà giàn.

Một ngày sau đó, tức ngày 16/6/1989, nhà giàn DK1/4 tại Bãi Vũng Mây cũng đã được hoàn thành. Đến ngày 27, Tổng cục Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh cũng đã hoàn thành nhà giàn DK1/1 tại Bãi Tư Chính. Tiếp đó là hai nhà giàn DK1/5 và nhà giàn DK1/6 lần lượt được xây dựng tại Bãi Tư Chính và Bãi Phúc Nguyên vào tháng 11 cùng năm. Đây chính là năm nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên khu vực thềm lục địa phía Nam của nước ta.

Nhà chòi hay chuồng bồ câu là những từ truyền miệng của ngư dân khi nói về 5 nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng vào năm 1989, đó là bởi sự nhỏ bé của nhà giàn so với biển cả mênh mông. Cũng chính vì giai đoạn đầu, nên những nhà giàn tương đối thô sơ. Kết cấu dạng bông tông, một dạng phao lớn biến hình khối hộp làm bằng kim loại, đặt trên nền san hô, dễ bị dịch chuyển và bập bềnh trong nước khi có sóng lớn cấp 4 hoặc dòng nước mạnh chảy qua. Tai nạn xảy ra tại các nhà giàn là một điều không thể tránh khỏi, trong vòng một năm sau khi được xây dựng. Cụ thể, vào ngày 5/12/1990, trong một cơn bão về gió giật cấp 12, nhà giàn DK1/3 tại Bãi Phúc Tần đã bị sóng và gió lớn đánh sập, làm ba chiến sĩ hy sinh. Không chỉ Bãi Phúc Tần, nhà giàn DK1/4 tại Bãi Vũng Mây và nhà giàn DK1/6 tại Bãi Phúc Nguyên cũng bị bão giật sập, nhưng may mắn không thiệt hại về người.

Sau những sự cố tại nhà giàn tại Bãi Phúc Tần, Vũng Mây và Phúc Nguyên, Việt Nam tiếp tục cho xây dựng thêm các nhà giàn ở các bãi ngầm khác. Đây là các nhà giàn thế hệ thứ hai, thay thế cho mẫu nhà giàn cũ trước đó, nó được thiết kế với 4 cọc thép cắm xuống nền đá san hô và bê tông cứng, bên trên là hai nhà tầng có kết cấu vững chắc, có thể chống chọi và chịu đựng sóng trên cấp 12. Tuy vậy, các nhà giàn vẫn là những cơ sở mỏng manh giữa biển.

Ngày 12/12/1988, cơn bão Fay có sức gió giật trên cấp 12 đã quét qua Biển Đông, đã khiến nhà giàn Phúc Nguyên 2A hay còn gọi là nhà giàn 2A DK1/6 đã bị sóng đánh sập, khiến 9 chiến sĩ rơi xuống biển và làm ba chiến sĩ hy sinh. Nhà giàn Phúc Nguyên 2A là nhà giàn thế hệ thứ hai được xây dựng trên cơ sở nhà giàn DK1/6 thế hệ cũ, cũng từng bị bão giật sập năm 1990. Với tai nạn của nhà giàn Phúc Nguyên 2A, Việt Nam đã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng các nhà giàn được xây dựng trên nền thiết kế cũ là nhà giàn DK1/1 và nhà giàn DK1/5 tại Bãi Tư Chính. Nhìn chung, năm nhà giàn đầu tiên kiểu cũ được xây dựng của nước ta đều đã không còn hoạt động thay vào đó là các nhà giàn mới.

Tính đến hiện tại, mẫu nhà giàn thế hệ mới cũng đã được xây dựng tại hầu hết các bãi ngầm này. Đây có thể coi là thế hệ nhà giàn thứ ba bởi nó được xây dựng với kinh nghiệm cùng kỹ thuật tiên tiến hơn. Bên cạnh những nhà giàn thế hệ 2 đã xuống cấp, mẫu nhà giàn mới này có thiết kế rộng rãi và vững chắc hơn khi ứng dụng kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu, có thể chịu đựng được những trận sóng to gió lớn quanh năm giữa Biển Đông. Các phòng trên nhà giàn có kết cấu liên hoàn thoáng mát. Hệ thống cọc móng của nhà giàn có từ 4 đến 6 chân cắm sâu từ bề mặt đáy san hô xuống 30 đến 40m để giữ vững cho toàn bộ khối nhà bên trên. Những nhà giàn thế hệ 2 vẫn được giữ lại và chúng sẽ được nối với những nhà giàn mới bằng một cây cầu thép dài khoảng 50m. Trên nóc nhà giàn được xây dựng sân bay trực thăng để phục vụ các đoàn nghiên cứu và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Ước tính từ năm 1989 đến năm 1998, có tất cả 20 nhà giàn đã được xây dựng trên thềm lục địa. Tuy nhiên, do sự khắc nghiệt của biển khơi và thiên tai tàn phá liên tục, mặt khác do ban đầu chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm bảo đảm về kỹ thuật trong xây dựng, cũng như gia cố và sửa chữa, nên tính đến năm 2000 đã có 5 nhà giàn bị đổ, còn lại 15 nhà giàn hoạt động cho đến ngày nay. Trong đó có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng trên nóc, bốn nhà giàn có hải đăng và một nhà giàn có trạm quan trắc khí tượng. Trong đó có 14 nhà giàn ở khu vực vùng biển phía nam quần đảo Trường Sa và một nhà giàn là nhà giàn DK1/10 ở Bãi Cạn Cà Mau trên vùng biển Tây Nam.

Thường trực tại đây có các chiến sĩ thuộc biên chế Tiểu Đoàn DK1, lúc đầu thuộc Lữ Đoàn 171 Hải Quân Nhân Dân Việt Nam, về sau thì trực thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Hải Quân, cùng các nhân viên của các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng thủy văn và dầu khí ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ quốc tế dân sinh.

Cụ thể về các nhà giàn như sau:

Tại Bãi Huyền Trân hiện có một nhà giàn đang hoạt động, đó là nhà giàn DK1/7, còn gọi là nhà giàn Huyền Trân, hoàn thành vào ngày 11/11/1991.

Tại bãi Quế Đường, hiện có hai nhà giàn là DK1/8 (Quế Đường A), nhà giàn có ngọn hải đăng Quế Đường được xây dựng vào ngày 4/11/1991, nhà giàn DK1/19 (Quế Đường B) hoàn thành vào ngày 10/04/1997.

Tại bãi Phúc Nguyên, sau hai sự cố sập nhà giàn lần lượt vào năm 1990 và 1998, hiện chỉ có một nhà giàn hoạt động tại đây đó là nhà giàn DK1/15 (Phúc Nguyên 2) được xây dựng vào tháng 4/1995.

Tại bãi Phúc Tần, sau khi nhà giàn đầu tiên bị sập vào năm 1990, trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1997, Việt Nam đã xây dựng thêm 4 nhà giàn và hiện 4 nhà giàn vẫn còn đang hoạt động tại đây. Phúc Tần hiện cũng là bãi ngầm có số lượng nhà giàn đang còn hoạt động nhiều nhất so với các bãi còn lại.

Cụ thể, nhà giàn DK1/2 (Phúc Tần A) được hoàn thành vào ngày 18/8/1993, cách nhà giàn cũ bị sóng đánh sập khoảng 3,5 hải lý tức 6,5 km. Ba năm sau đó, hai nhà giàn DK1/16 (Phúc Tần B) và nhà giàn DK1/17 (Phúc Tần C) lần lượt được hoàn thành vào ngày 20 và ngày 23/8/1996. Nhà giàn cuối cùng được hoàn thành trên bãi Phúc Tần vào ngày 13/04/1997 là nhà giàn DK1/18 (Phúc Thần D).

Tại bãi Tư Chính, sau khi xây dựng nhà giàn DK1/1 (Tư Chính A hay Tư Chính 1) vào năm 1989, một năm sau đó chúng ta tiếp tục làm một nhà giàn nữa theo cách chặn đầu khóa đuôi là nhà giàn DK1/5 (Tư Chính B hay Tư Chính 2).

Trong giai đoạn từ năm 1994 đến 1995 chúng ta đã có thêm ba nhà giàn là DK1/11, DK1/12 và DK1/14. Tuy nhiên với tai nạn của nhà giàn Phúc Nguyên 2A đã bị sóng đánh sập vào cuốn trôi khiến ba chiến sĩ hy sinh, Việt Nam đã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng các nhà giàn được xây dựng trên nền thiết kế cũ tại bãi Tư Chính là DK1/1 và DK1/5. Hiện tại chỉ còn ba nhà giàn nằm ở trung tâm và phía Bắc của bãi là nhà giàn DK1/11, DK1/12 và DK1/14.

Bãi Tư Chính còn có 2 ngọn hải đăng của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Cả hai ngọn hải đăng đều có chiều cao tháp đèn là 22m và tầm hiệu lực chiếu sáng là 22km về ánh sáng trắng. Trong đó có một ngọn hải đăng chớp nhóm 2 chu kỳ 13 giây và một ngọn hải đăng chớp nhóm 3 chu kì 8 giây.

Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1998, ta đã xây dựng thêm 3 nhà giàn tại Vũng Mây sau khi nhà giàn DK1/4 tại bãi này bị sóng đánh sập vào năm 1990. Theo đó, nằm cách Đá Ba Kè khoảng 10 km về phía Nam là nhà giàn DK1/9 (Ba Kè B hay Ba Kè 2) được hoàn thành vào ngày 22/8/1993. Năm năm sau đó, hai nhà giàn DK1/20 (Ba Kè C hay Ba Kè 3) và nhà giàn DK1/21 (Ba Kè D hay Ba Kè 4) lần lượt được hoàn thành tại trung tâm phía Đông và phía Nam của bãi Vũng Mây. Đây cũng là ba nhà giàn nằm xa đất liền nhất trong hệ thống các nhà giàn DK1 của Việt Nam.

Trong hệ thống 15 nhà giàn DK1, có lẽ từ việc xây dựng đến hiện trạng ngày nay, nhà giàn DK1/10 tại bãi Cà Mau vẫn là khác biệt nhất so với 14 nhà giàn còn lại.

Ngày mùng 5/4/1994, Việt Nam lắp đặt tại đây nhà giàn DK1/10 (nhà giàn Bãi Cạn Cà Mau), có bãi đỗ trực thăng trên nóc. Vì đóng quân ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, nên DK1/10 còn được gọi là nhà giàn của Chân Trời hay nhà giàn Góc Biển, nó được xem như một cột mốc khẳng định chủ quyền nước ta trên vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, 14 nhà giàn DK1 trên 6 bãi ngầm ở phía Nam của đảo Trường Sa đã được sửa chữa và xây dựng thêm nhà giàn thế hệ thứ ba. Nhưng cho đến nay, nhà giàn DK1/10 thuộc khu vực Bãi Cạn Cà Mau vẫn chưa có được hệ thống nhà giàn thế hệ mới này. Vẫn đơn lẻ và hiên ngang giữa biển trời, với hệ thống kéo hàng hoàn toàn bằng sức người. Hiện DK1/10 cũng chính là nhà giàn cuối cùng còn sử dụng ròng rọc kéo tay trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Mỗi khi có những chuyến ghé thăm từ đất liền, nếu gặp thời tiết xấu không thể tiếp cận nhà giàn bằng thang sắt, buộc các chiến sĩ tại đây phải đưa người và hàng hóa lên nhà giàn bằng cách kéo dây.

Cuộc sống trên các nhà giàn DK1 hiện nay

Có thể nói, cuộc sống trên các nhà giàn DK1 của các chiến sĩ chưa bao giờ là hết khó khăn, gian khổ, sống xa đất liền, bốn mặt đều là nước. Trước đây, điều kiện sống có thể nói là vô cùng thiếu thốn: không có điện, thiếu nước ngọt, khả năng liên lạc hạn chế, khả năng tiếp vận chỉ có thể thực hiện được vào những ngày đẹp trời 6 tháng 1 lần (khoảng tháng 3 hoặc tháng 8). Hiện nay, cuộc sống đã được cải thiện hơn, mỗi nhà giàn hiện nay được trang bị hơn 100 tấm pin năng lượng mặt trời đủ để cấp điện cho công tác và sinh hoạt liên tục 3-5 ngày trong điều kiện mưa bão hay không có ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy, vào những ngày thời tiết xấu, các chiến sĩ trên nhà giàn vẫn có đủ điện để nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem tivi, mọi sinh hoạt và công tác diễn ra bình thường. Tại đây cũng đã được phủ sóng mạng điện thoại Vinasat và truyền hình K+, nhờ vậy mọi tình hình ở đất liền cũng như ở biển đảo đều được các chiến sĩ nhanh chóng cập nhật. Hiện tại đa số nhà giàn đều được trang bị máy lọc nước biển để cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng như nước trồng rau xanh của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.

Riêng nhà giàn DK1/10 tại Bãi Cạn Cà Mau, tuy gần với đất liền nhất trong số các nhà giàn, nhưng DK1/10 lại được xem là nhà giàn cô độc và thiếu thốn về vật chất nhất so với các nhà giàn còn lại. Nước ngọt ở đây chủ yếu lấy từ nguồn nước mưa dự trữ, nhưng do bể chứa của nhà giàn nhỏ, nên vào mùa khô sẽ cần nguồn nước ngọt bổ sung từ đất liền. Do đó, những chuyến tàu ra thăm của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân luôn ưu tiên cấp nước ngọt cho nhà giàn tại Bãi Cạn Cà Mau. Nước ngọt khi chở ra sẽ được nối vào ống và sử dụng máy bơm để bơm lên các thùng và bể trên nhà giàn. Đây là công việc khó khăn, bởi nhà giàn cao khoảng 30m so với mặt nước biển. Nếu gặp thời tiết không thuận lợi, sóng to gió lớn sẽ khiến cho tàu không thể cập sát nhà giàn, phải đợi mấy ngày mới bơm được nước lên.

Dù nguồn nước ngọt còn hạn chế mỗi năm, các chiến sĩ nhà giàn DK1/10 chỉ sử dụng khoảng 60 m3 nước ngọt, nhưng nhà giàn còn có thêm nhiệm vụ là cung cấp nước ngọt cho ngư dân đánh bắt ở gần khu vực nhà giàn nếu có nhu cầu. Riêng năm 2019, các chiến sĩ đã cung cấp cho ngư dân khoảng 10m3 nước ngọt, mặc dù con số này là không lớn so với đất liền nhưng giữa trùng khơi sóng vỗ thì nó có ý nghĩa rất lớn.

Giữa mênh mông biển nước dù thiếu nước ngọt và đất nhưng những vườn rau trên các nhà giàn tại các bãi ngầm trên thềm lục địa phía nam vẫn rất xanh tốt.

Trên thực tế, những ngày đầu mới xây dựng nhà giàn chưa trồng được rau, trong khi khoảng 6 tháng mới có tàu tiếp tế ở đất liền ra và rau xanh cũng không thể bảo quản được lâu, việc thiếu rau xanh trong bữa ăn hàng ngày đã ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1. Chính vì vậy, phong trào rau xanh trên sóng và hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được phát động và triển khai ngay sau đó. Đến nay, các nhà giàn DK1 về cơ bản đã giải quyết được bài toán rau xanh cho bữa ăn hàng ngày.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên khu vực thềm lục địa phía Nam của tổ quốc, các nhà giàn còn có nhiệm vụ thu thập số liệu về khí hậu thời tiết và thủy văn để phục vụ nghiên cứu biển cũng như hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản và tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trong năm 2021, nhà giàn cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển Vùng 2 Hải quân đã tổ chức cấp cứu 26 ngư dân gặp nạn trên biển, khám sơ cấp cứu, điều trị và cấp thuốc cho 162 ngư dân các tỉnh bị ốm đau, cứu hộ ba tàu cá bị hỏng máy và gặp sự cố, sửa chữa hỏng hóc cho 21 tàu cá, hỗ trợ ngư dân hơn 200m3 nước ngọt và 7 tấn lương thực, thực phẩm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới