Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiDoanh nghiệp du lịch Việt kêu cứu Thủ tướng

Doanh nghiệp du lịch Việt kêu cứu Thủ tướng

Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, những tồn tại hạn, chế và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị


Sáng 15/ 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023 và được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chuyên gia, cơ quan truyền thông.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với năm 2021. Khách quốc tế đạt 3,66 triệu lượt, khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Số doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng nhanh.

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng 50%-75%, cao thứ 4 thế giới. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019.

10 tháng năm 2023, du lịch là điểm sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế, phục vụ 99 triệu lượt khách nội địa; đón khoảng 10 triệu khách quốc tế, vượt kế hoạch năm 2023 là 8 triệu khách; đang nỗ lực phấn đấu đạt “mục tiêu mới” đón 13 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, những tồn tại hạn chế và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, đồng thời đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong 10 tháng vừa qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được. Tuy khách tăng nhanh, trong đó có khách nội địa nhưng tốc độ đã suy giảm. Ông đề nghị điều chỉnh thời hạn triển khai một số chính sách trong thời gian COVID-19, cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là việc huy động nguồn lực.

“Về huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các công việc, mấu chốt là vấn đề nguồn lực. Các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực quá yếu. Tôi đề nghị cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía Nhà nước và cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Là Chủ tịch HĐQT Vietjet và đứng đầu Tập đoàn kinh tế lớn SOVICO, đa ngành, đang vươn ra thế giới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng….Việt Nam cần phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch; Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, quốc tế; đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch… đặc biệt là có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực.

“Đề xuất Chính phủ, các bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực, hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách. Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết.

Đặc biệt về phát triển kinh tế ban đêm, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Vietravel Corp cho rằng, cần tập trung vào 2 nhóm sản phẩm là sản phẩm văn hóa cộng đồng vui chơi giải trí và nhóm sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật.

Theo ông, mặc dù đã nói nhiều về kinh tế ban đêm và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chính sách về kinh tế ban đêm, trong đó có 4 loại sản phẩm du lịch và 4 sản phẩm trong đó gồm văn hóa du lịch. Tuy nhiên, cần có chính sách kinh tế về kinh tế ban đêm, và định vị kinh tế kinh tế ban đêm là dạng kinh tế ban ngày có tính đặc thù.

“Vì kinh tế ban ngày có tính đặc thù, vì đã diễn ra ban đêm nên chúng ta cần phải có những chính sách để thúc đẩy kinh tế ban đêm. Hiện nay các địa phương rất khó khăn và lúng túng trong viêc triển khai kinh tế ban đêm, đa phần là triển khai phố đi bộ, ăn uống.. chưa tận dụng hết được thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người và đặc biệt là những tập tục của người dân”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới